Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm chứng khoán tuần qua
Dòng tiền lớn chưa từng có đổ như thác lũ vào thị trường chứng khoán
Thanh Thuỷ - 07/11/2021 11:01
 
Nhà đầu tư cá nhân mở mới 129.564 tài khoản trong tháng 10. Con số vừa được Trung tâm Lưu ký chứng khoán phần nào lý giải dòng tiền “khủng” như thác lũ giao dịch trên thị trường tuần qua.

Tiền nhiều như thác lũ, xác lập kỷ lục mới

Hơn 1 tỷ cổ phiếu là số lượng cổ phiếu giao dịch trên sàn HoSE bình quân mỗi phiên trong tuần đầu tháng 11/2021, con số chưa từng ghi nhận từ trước đến nay.

Giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn đạt 39.200 tỷ đồng mỗi phiên. Trong đó, riêng trên sàn HoSE, thanh khoản đạt 31.954,93 tỷ đồng/phiên, tăng 21,44% so với tuần trước. Giao dịch trên sàn HNX tăng hơn 23% lên 4.331 tỷ đồng/phiên. Tương tự, giá trị giao dịch sàn UPCoM tăng 22% lên bình quân 2.914 tỷ đồng/phiên.

Phiên giao dịch ngày 3/11 với cú rơi bất ngờ ở giữa phiên chiều đã đẩy giao dịch tăng vọt. Sàn chứng khoán Việt Nam nhớ đó xác lập mức cao mới về thanh khoản với giá trị giao dịch đạt 52.150 tỷ đồng, vượt 7,3% so với kỷ lục xác lập hồi giữa tháng 8/2021.

Trong tuần giao dịch sôi động này, khối ngoại chỉ có một phiên mua ròng duy nhất. Động thái chốt lời ở nhiều cổ phiếu khiến giá trị bán ròng của nhóm nhà đầu tư này cả tuần qua lên tới 2.165 tỷ đồng, tập trung ở cổ phiếu NVL (584 tỷ đồng), PAN (527 tỷ đồng), SSI (464 tỷ đồng) hay NLG (315 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, ba cổ phiếu ngân hàng gồm CTG, STB, VCB cùng cổ phiếu thép HPG lại được giải ngân thêm hơn 100  tỷ đồng ở mỗi mã chứng khoán.

Chung xu hướng bán ròng với khối ngoại, khối tự doanh công ty chứng khoán cũng bán ròng tới 964 tỷ đồng, tổ chức trong nước bán ròng 197 tỷ đồng riêng trên sàn HoSE. Số liệu thống kê của FiinGroup cho thấy nhà đầu tư cá nhân là bên mua chính nhiều nhất khi giải ngân thêm ròng 2.919 tỷ đồng, trái ngược với động thái bán mạnh tuần liền trước.  

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), nhà đầu tư cá nhân mở mới 129.564 tài khoản trong tháng 10, tăng 12,9% so với tháng trước và chỉ đứng sau con số kỷ lục 140.054 tài khoản của tháng 6/2021.

Lũy kế 10 tháng, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 1.085.645 tài khoản, gấp 2,8 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020, cao hơn số tài khoản mở trong 4 năm từ 2017 đến 2020 (1.028.321 tài khoản).

Trụ cột lớn thay phiên gồng gánh thị trường

Tuần đầu tháng 11 cũng là khoảng thời gian của những thông tin vĩ mô quan trọng. Tuần qua, cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) đã kết thúc, chính thức công bố kế hoạch giảm mua trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 tỷ USD và giảm chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) khoảng 5 tỷ USD trong mức tổng 120 tỷ USD/tháng hiện nay. Đây cũng là động thái đánh dấu bước đầu trong quá trình rút dần gói hỗ trợ cho nền kinh tế. Còn về lãi suất, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết Fed chưa vội nâng lãi suất, nhưng sẽ hành động nhanh chóng nếu lạm phát buộc họ phải làm thế.

Thông tin được công bố vào rạng sáng ngày 4/11, phần nào bị phản ánh trong phiên giao dịch ngày 3/11 trước đó và không ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán Việt Nam các phiên sau.

VN-Index giảm 2/5 phiên, đóng cửa tuần ở mức 1.456,5 điểm, tăng 12,24 điểm (+0,85%) so với cuối tuần trước. Chỉ số sàn HNX chỉ giảm điểm duy nhất phiên 3/11 và tăng tới 3,77% so với tuần trước đó, xác lập mức đỉnh mới 427,6 điểm. Riêng sàn UPCoM, sắc xanh bao phủ trong toàn bộ phiên giao dịch tuần qua, kết tuần ở mốc 108,2 điểm.

Thị trường ghi nhận sự luân phiên của các trụ cột. Cổ phiếu ngân hàng đã giữ vai trò trụ đỡ khi thị trường ghi nhận cơn bán tháo ở nhiều dòng cổ phiếu phiên giữa tuần, đặc biệt ở nhóm đã rất mạnh thời gian qua như bất động sản, xây dựng…

Dù không thể duy trì đà tăng của cả dòng trong các phiên giao dịch sau, nhóm cổ phiếu nhà băng vẫn góp 7 “gương mặt” trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index tuần qua, gồm BID, SHB, CTG, TCB, EIB, HDB và LPB. Cổ phiếu BID còn được hỗ trợ bởi thông tin ngân hàng này dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020 để tăng vốn điều lệ. Thông tin chi tiết chưa được công bố nhưng nội dung này sẽ được lấy ý kiến cổ đông từ 24/11 đến 4/12.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu một số ông lướn bất động sản gồm VHM, NVL, VIC và KDH lại là nhân tố chính “dìm” chỉ số chung. Trên sàn HNX, sự hồi phục nhanh của cổ phiếu Idico (IDC) đã đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho HNX-Index. IDC đã tăng 17% tuần qua và xác lập đỉnh giá mới (86.700 đồng/cổ phiếu).

Trong phiên thứ Sáu, thị trường cũng ghi nhận sự bứt phá của nhóm cổ phiếu hàng hoá, nông nghiệp, nhất là cổ phiếu công ty chế biến thuỷ sàn, chăn nuôi. Giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng chóng mặt. Áp lực lạm phát đang đè nặng lên nền kinh tế này cũng là điều mà giới đầu tư chú ý những ngày gần đây.

Cổ phiếu vua chưa đủ kéo VN-Index, dòng tiền lớn ồ ạt vào thị trường phiên sáng 4/11
Thanh khoản thị trường đến hết phiên sáng đã đạt 29.731 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử giao dịch thị trường. Dòng ngân hàng kéo thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư