Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án 4 tỷ USD kiến nghị gì với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ
Thanh Hương - 26/10/2021 18:18
 
Dự án LNG Bạc Liêu xác định còn khoảng 5% công việc tồn đọng liên quan đến các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam, cần thẩm định, phê duyệt của các cơ quan thẩm quyền.

Nhận Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2020, Dự án điện khí LNG Bạc Liêu có quy mô 3.200 MW với quy mô vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD đã triển khai được nhiều các công việc cụ thể.

Trong báo cáo gửi tới Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, theo báo cáo của nhà đầu tư, hiện nay đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ đặt ra của giai đoạn chuẩn bị đầu tư như lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và báo cáo đấu nối truyền tải điện… Đến nay, chỉ còn khoảng 5% công việc tồn đọng liên quan đến các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam, cần thẩm định và phê duyệt của cơ quan thẩm quyền.

Cũng từ tháng 11/2020 tới nay, nhà đầu tư là Công ty Delta Offshore Energy đã có 7 buổi làm việc với Công ty Mua bán điện.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, dự án đã có bước tiến quan trọng, đó là đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường; bến cảng khí hóa lỏng của dự án đã được phê duyệt đưa vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050…

Tuy vậy, cũng có những vấn đề được nhà đầu tư và UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết là vướng mắc và đề nghị Tổ công tác đặc biệt xây dựng cơ chế “bảo đảm Nhà nước thực hiện dự án đầu tư” và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 điều 11 Luật Đầu tư 2020 và khoản 1, khoản 2 điều 3 Nghị định 31/2021/NĐ-CP làm căn cứ để đàm phán và ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Dưới đây là danh sách nhóm vấn đề được liệt kê, đề nghị tới Tổ công tác đặc biệt. 

1.     Áp dụng luật điều chỉnh hợp đồng mua bán điện là Luật Anh

2.     Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện bằng trọng tài quốc tế theo thông lệ các hợp đồng quốc tế

3.     Quy định nhằm bảo đảm rằng các thay đổi về pháp luật sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đối với Dự án

4.     Cơ chế ngoại hối để đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ phục vụ việc thực hiện các nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu khí LNG cho các nhà máy.

5.     Các đảm bảo nghĩa vụ thanh toán thay cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong trường hợp EVN không thực hiện được cam kết thanh toán theo quy định trong Hợp đồng mua bán điện.

6.     Đảm bảo thực thi các quy định về các trường hợp thanh toán chấm dứt Hợp đồng mua bán điện

7.     Nghĩa vụ Tiếp nhận điện hoặc trả tiền (Take or Pay) trong hợp đồng mua bán điện

8.     Cơ chế chuyển giá (pass through) từ giá khí LNG sang giá bán điện trong hợp đồng mua bán điện

9.     Đảm bảo cam kết về đường dây truyền tải và đấu nối của Dự án

10.  Dự án được sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đã thanh toán tiền thuê đất một lần) để thể chấp

11.  Ký hợp đồng thuê đất với một số điều khoản bổ sung hợp đồng mẫu của Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT.

Được biết, trong quá trình đàm phán với Công ty Mua bán điện, phía nhà đầu tư đã đề xuất được vận hành với công suất tối đa trong 90% thời gian hoặc 7.884 giờ/năm. Theo phía nhà đầu tư, công suất 68,4% hay 6.000 giờ/năm sẽ làm lãng phí nguồn năng lượng tiềm năng cho Việt Nam và đẩy chi phí lên cao, từ đó ảnh hưởng đến giá bán điện.

Còn nhớ tại Văn bản 91/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu ngày 26/2/2020, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu, xử lý theo pháp luật, không để xảy ra trình trạng chậm trễ trong xử lý các kiến nghị của địa phương và nhà đầu tư.

Cũng theo kết luận của Thủ tướng, tỉnh Bạc Liêu sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị không đưa Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước vào các cam kết, bảo lãnh quốc tế của doanh nghiệp, đồng thời không để xảy ra kiện tụng, ảnh hưởng đến uy tín và môi trường đầu tư trong nước.

EVN chưa thể ký Thỏa thuận khung PPA của LNG Bạc Liêu
EVN đề nghị chủ đầu tư Dự án LNG Bạc Liêu làm việc với Bộ Công thương về các yêu cầu nhà đầu tư đưa ra để có hướng dẫn chi tiết.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư