Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Dự án điện hơn 1.800 tỷ ở Kon Tum và hơn 21.000 tỷ đồng ở Ninh Thuận
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 12/09/2020 10:29
 
Tuần qua, có nhiều thông tin về đầu tư đáng chú ý.

Đầu tư dự án điện gió hơn 1.800 tỷ đồng tại huyện Đăk Glei, Kon Tum

UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đăk Glei của Công ty cổ phần Tân Tấn Nhật có trụ sở chính tại Thôn 4, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Dự án được thực hiện tại các xã Đăk Môn, Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, với diện tích mặt đất sử dụng là 24,55 ha.

Quy mô dự án 50 MW với các hạng mục như trụ gió, đường giao thông nội bộ, đường dây 22kV trên không, đường dây 110kV, trạm biến áp 110kV…

Tổng vốn đầu tư của dự án 1.890 tỷ đồng trong đó vốn góp của Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật là 380 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư của dự án; và vốn vay từ Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh Kon Tum là 1.510 tỷ đồng. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về tiến độ, thời gian chuẩn bị đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng dự án bắt đầu từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020. Thời gian xây dựng dự án từ tháng 12/2020 đến tháng 9/2021. Và thời gian vận hành sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ từ tháng 10/2021 trở đi.

Về công nghệ, dự án dự kiến sử dụng công nghệ Tuabin trục ngang 3 cánh, có hộp số và không hộp số đi kèm với hệ thống điều khiển Pitch. Đây là công nghệ có xuất xứ từ Tây Ban Nha ( hãng GAMESA), trong đó công suất danh định của Turbine là 2,5MW

Theo UBND tỉnh Kon Tum cho biết, dự án sẽ có các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu; ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, rừng, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan.

Cũng theo UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt chủ trương, nếu nhà đầu tư không hoàn thành các thủ tục tiếp theo theo quy định, không thực hiện dự án hoặc thực hiện chậm tiến độ so với tiến độ của dự án và không có lý do hợp lý, UBND tỉnh Kon Tum sẽ thu hồi chủ trương đầu tư dự án trên và nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về các khoản chi phí đã đầu tư.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật còn phải thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cũng như thực hiện đúng chế độ báo cáo theo quy định liên quan.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án, nhà đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương và các Sở, ban ngành liên quan để đánh giá cụ thể hiện trạng sử dụng đất của dự án, triển khai thực hiện dự án đảm bảo không làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Trường hợp cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án phải được Chính phủ cho phép theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật có trụ sở chính tại Thôn 4, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 22/10/2018; thay đổi lần 3, ngày 21/7/2020. Người đại diện pháp luật của công ty này là bà Trần Thị Khánh Mai (SN 1980), có địa chỉ thường trú tại số 27 Nguyễn Đình Chiểu, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Bà Mai vừa là chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật.

Hà Nội: Khẩn trương xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II

Tại Thông báo số 344/TB-VP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã chỉ đạo một số nội dung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về môi trường trên địa bàn TP.

Bố trí mặt bằng Nhà máy điện rác Sóc Sơn.
Bố trí mặt bằng Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Cụ thể, với dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, UBND TP xác định đây là dự án đặc biệt cấp bách, cần sớm triển khai hoàn thành và yêu cầu Ban quản lý dự án chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc, dành thời gian tối đa thi công dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn.

UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương hoàn thành công tác GPMB; có phương án bảo vệ thi công, đảm bảo thi công liên tục; lập phương án cưỡng chế đối với các hộ dân có hành vi cản trở thi công nếu đã phê duyệt phương án bồi thường, GPMB và công khai theo đúng chính sách, quy định của pháp luật; Sở Xây dựng theo dõi, giám sát tiến độ thi công dự án, đưa công trình vào khai thác, sử dụng ngay khi hoàn thành, đảm bảo đủ các thủ tục theo quy định.

Với dự án nâng cấp, cải tạo dự án đường, hệ thống chiếu sáng tuyến đường vào Khu xử lý chất thải Xuân Sơn: Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Ba Vì tổ chức cắm lại mốc giới, đẩy nhanh công tác GPMB, tiến độ thực hiện dự án; Kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân về công tác lựa chọn tư vấn khảo sát, đo đạc hiện trạng, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện.

Liên quan đến dự án nạo vét bùn hồ Tây, UBND TP giao Ban quản lý dự án phối hợp Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng và UBND huyện Sóc Sơn nghiên cứu, xem xét sử dụng đất thuộc vùng ảnh hưởng bán kính 500m của Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn để tập kết bùn, trồng cây xanh; Đồng thời tiếp tục khảo sát, đề xuất bãi đổ bùn cho Dự án, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 9/2020. Sau khi có phương án đổ bùn sẽ thực hiện công tác rà phá bom mìn.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch, huyện Đông Anh và Dự án hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm Vĩnh Thanh, huyện Đông Anh; Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang; Dự án xây dựng nhà máy XLNT tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức...

Nhà đầu tư BOT cầu Bạch Đằng than khó vì hỗ trợ chưa tới

Lãnh đạo Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cho rằng họ đã chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết của tỉnh Quảng Ninh dù cầu Bạch Đằng mang lại nhiều lợi ích cho địa phương.

Cầu Bạch Đằng là Dự án BOT đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Cầu Bạch Đằng là dự án BOT đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.

“Hợp đồng BOT mà chúng tôi ký quy định là khi một trong hai bên có đề xuất đàm phán thì các bên có trách nhiệm cùng ngồi lại với nhau để xử lý. Tuy nhiên, mặc dù đã nhiều lần gửi văn bản phản ánh những khó khăn, vướng mắc rất lớn trong quá trình thu phí BOT cầu Bạch Đằng nhưng tỉnh Quảng Ninh (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) có rất ít hồi đáp”, ông Văn Thành Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng nêu bức xúc tại cuộc tọa đàm “Những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP do Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức vào chiều 8/9.

Theo đại diện Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, kể từ khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thu phí hoàn vốn vào tháng 10/2018 đến nay, tình hình thu phí hoàn vốn tại Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng này diễn biến theo chiều hướng xấu.

Cụ thể, tính từ khi bắt đầu thu phí đến nay, doanh thu thu phí lũy kế tại trạm BOT cầu Bạch Đằng chỉ đạt khoảng 30% phương án tài chính mà tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Nguyên nhân chủ yếu, theo doanh nghiệp dự án, là do lưu lượng, thành phần dòng xe qua trạm không đạt dự báo và mức phí đang thấp hơn rất nhiều so với mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định.

Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cho biết là đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét hỗ trợ như: điều chỉnh tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ lên mức tối đa và tính toán điều chỉnh lại phương án tài chính; sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ hoặc cho công ty vay để bù một phần dòng tiền thiếu hụt tại Dự án, đảm bảo đủ thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn; chia sẻ rủi ro trong trường hợp doanh thu thực tế sai khác; xem xét chuyển Dự án sang loại hình công trình sử dụng 100% vốn ngân sách…

“Đến nay những kiến nghị của chúng tôi vẫn chưa được xử lý dù nguy cơ phá sản vỡ phương án tài chính Dự án BOT xây dựng cầu Bạch Đằng là rất lớn”, ông Tâm thông tin và cho biết là Luật PPP dù đã có quy định về chia sẻ rủi ro nhưng chỉ áp dụng với các dự án mới, còn các dự án đã triển khai như cầu Bạch Đằng lại không được đề cập.

Theo ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, quy định pháp luật trong đầu tư theo phương thức BOT đặt quan hệ giữa Nhà nước và Nhà đầu tư bình đẳng, hài hoà lợi ích các bên nhưng thực tế vẫn còn nhiều chính sách bất cập.

Cụ thể, trong khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu Nhà đầu tư phải thực hiện nhiều cam kết (về chất lượng, tiến độ,...), thực hiện các bảo lãnh (tạm ứng, thực hiện hợp đồng,...), nếu nhà đầu tư (bên tư) không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý vi phạm nhưng ở chiều ngược lại, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (bên công) trong các trường hợp không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến dự án, gây thiệt hại cho Nhà đầu tư, Ngân hàng thì không bị xử lý vì không có chế tài.

Tại Dự án BOT Hầm Đèo Cả do Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư, Nhà nước cam kết tham gia là 5.048 tỷ đồng tuy nhiên đến nay mới giải ngân 3.868 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn, phát sinh lãi vay tín dụng trong quá trình thực hiện dự án, ảnh hưởng đến phương án tổng thể của dự án. Mặc dù Nhà đầu tư, Ngân hàng cho vay tín dụng đã có nhiều văn bản kiến nghị các Bộ, ngành, Chính phủ, nhưng đến nay sau gần 3 năm vẫn chưa được giải quyết.

Theo ghi nhận của ông Thắng, trong thời gian vừa qua, các nhà đầu tư BOT đã phải thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn tài chính nhằm duy trì vận hành các công trình thông suốt, an toàn; tuy nhiên các khó khăn vướng mắc kéo dài, chưa được cơ quan chức năng giải quyết triệt để,  trong đó có việc không được điều chỉnh mức thu phí như cam kết đã dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn, nguồn thu, phá vỡ phương án tài chính gây rủi ro cho Nhà đầu tư và Ngân hàng tín dụng.

“Đến nay, quá trình chờ đợi giải quyết kéo dài, do nguồn lực của các nhà đầu tư là có hạn nên không thể duy trì bù đắp thâm hụt, có nguy cơ phải dừng khai thác, dẫn đến nguy cơ nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của Doanh nghiệp và Ngân hàng”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Được biết, không chỉ riêng Dự án BOT cầu Bạch Đằng, hầm đường bộ Đèo Cả, nỗi lo doanh thu quá thấp, có nguy cơ vỡ phương án tài chính đang là nỗi lo chung của nhiều nhà đầu tư BOT đường bộ.

Theo ông Đinh Văn Tiếp, đại diện Liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam – Công ty cổ phần Đầu tư Pacific (Dự án BOT tuyến tránh Sóc Trăng,  doanh thu thu phí hiện không đủ trả lãi vay, nợ gốc, ngân hàng ngấp nghé đưa vào nợ xấu. Đích thân tôi khi đi làm việc với nhà tài trợ tín dụng thì nhận được câu trả lời là các ngân hàng không muốn đưa nhà đầu tư BOT vào nợ xấu nhưng việc này cần phải được Chính phủ đồng ý.

“Nợ xấu về khách quan là do nhà nước không thực hiện cam kết trong hợp đồng khi yêu cầu không được tăng phí theo lộ trình, giảm phí. Chúng tôi mong VARSI có ý kiến lên Chính phủ để ngân hàng không đưa vào nợ xấu, đồng thời xem xét chọn thời điểm phù hợp để tăng phí theo lộ trình”, ông Tiếp kiến nghị.

Ghi nhận phản ánh của các nhà đầu tư tham dự tọa đàm, ông Trần Chủng – Chủ tịch VARSI cho rằng, các cơ quan quản lý cần sớm xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến doanh thu và mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ, tránh xảy ra các hệ lụy xấu như báo cáo trên và cũng là thực hiện đúng cam kết của Cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký và quy định pháp luật.

“Điều này cũng sẽ tạo niềm tin cho các ngân hàng cho vay vốn đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam và các dự án PPP khác”, ông Chủng nhận xét.

9 năm chưa triển khai, Đắk Nông quyết chấm dứt hoạt động của Dự án SADACO

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông vừa có Thông báo số 192 về việc thu hồi đất, chấm dứt hoạt động đầu tư Dự án SADACO Đắk Nông tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp).

Tỉnh Đắk Nông đã quyết định chấm dứt hoạt động Dự án SADACO Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Nông đã quyết định chấm dứt hoạt động Dự án SADACO Đắk Nông.

Dự án này do Công ty Cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư. Năm 2011, UBND tỉnh cho công ty này thuê 5.230 m2 đất để thực hiện dự án Trung tâm thương mại Đầu tư SADACO Đắk Nông.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành văn bản chấm dứt hoạt động đầu tư dự án SADACO Đắk Nông của Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn.

Năm 2011, dự án SADACO Đắk Nông Nông được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất để thực hiện xây dựng trung tâm thương mại đầu tư SADACO, tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp). Dự án này được sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào năm 2016,  năm 2018 được giãn tiến độ đầu tư và dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động trong năm 2019.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế vào tháng 5/2020 của cơ quan chức năng, dự án mới chỉ xây dựng được một đoạn bờ kè khoảng 150 m, không đúng với tiến độ phê duyệt. Dự án thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND huyện Đắk R’lấp, UBND thị trấn Kiến Đức niêm yết công khai thông báo thu hồi đất, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khu đất để tránh tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất bất hợp pháp.

Năm 2011, Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất để thực hiện Dự án Trung tâm thương mại đầu tư SADACO Đắk Nông. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 24 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ đầu tư các hạng mục chính như: trung tâm thương mại 3 tầng; nhà hàng tiệc cưới; nhà ki ốt... Thế nhưng, dự án kéo dài nhiều năm, không đảm bảo tiến độ cam kết.

Bộ GTVT thúc 13 tỉnh bàn giao mặt bằng sạch cao tốc Bắc – Nam trong tháng 9/2020

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố hiện vẫn còn vướng khoảng 60 km mặt bằng.

Khối lượng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam dù chỉ còn khoảng 10% nhưng lại rơi vào phần đất thổ cư nên công việc còn lại sẽ rất phức tạp.
Khối lượng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam dù chỉ còn khoảng 10% nhưng lại rơi vào phần đất thổ cư nên công việc còn lại sẽ rất phức tạp.

Khối lượng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam dù chỉ còn khoảng 10% nhưng lại rơi vào phần đất thổ cư nên công việc còn lại sẽ rất phức tạp.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Hội đồng GPMB của địa phương xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 10 %), đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công các Dự án trong tháng 9/2020.

Các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các khu tái định cư; phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật để thống nhất phương án đền bù, triển khai di dời các công trình, cơ bản bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 9/2020 và chủ động xử lý các vướng mắc kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý, đảm bảo tiến độ thực hiện, tuân thủ quy định hiện hành.

Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh, gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế,  Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Thực hiện Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 27/7/2020 của Chính phủ về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị Quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban quản lý dự án 7, Thăng Long và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và đoạn Phan Thiết – Dầu Giây để khởi công xây dựng từ tháng 9/2020, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đối với 5 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (QL45- Nghi Sơn, Nghi Sơn- Diễn Châu, Diễn Châu- Bãi Vọt, Nha Trang- Cam Lâm và Cam Lâm- Vĩnh Hảo) ngày 16/7/2020, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020, khởi công trong tháng 1/2021.

Theo Bộ GTVT, tính đến cuối tháng 8/2020, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho 11 dự án đạt khoảng 90%, tương đương hơn 600 km chiều dài toàn tuyến.

Trong đó, các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt trên 95% gồm Quảng Trị (100%), Thừa Thiên Huế (97,4%), Ninh Thuận (96,7%), Bình Thuận (95,4%), Vĩnh Long (100%). Các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt dưới 90% gồm Ninh Bình (89,6%), Thanh Hóa (89,4%), Nghệ An (87%), Hà Tĩnh (82,3%), Khánh Hòa (73%), Đồng Nai (85,7%).

Quý I/2022 khởi công hạng mục chính Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái

Dự án thủy điện tích năng Bác Ái (Ninh Thuận) với tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng sẽ khởi công hạng mục công trình chính vào quý I/2022 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2029.

Dự án thủy điện tích năng Bác Ái sẽ khởi công hạng mục công trình chính vào quý I/2022.
Dự án thủy điện tích năng Bác Ái sẽ khởi công hạng mục công trình chính vào quý I/2022.

Dự án Thuỷ điện tích năng Bác Ái thuộc danh mục các dự án nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Dự án có vai trò dự phòng công suất, dự phòng sự cố và điều tần hệ thống, có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia. Nhiệm vụ chính của dự án là nguồn điện phủ đỉnh biểu đồ phụ tải của hệ thống, góp phần làm giảm sự chênh lệch (làm phẳng) biểu đổ phụ tải bằng việc huy động công suất bơm ở giờ thấp điểm và phát điện ở giờ cao điểm.

Với tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Dự án thủy điện tích năng Bác Ái được xây dựng: huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 65km về phía Tây Tây - Bắc, quy mô công suất 1.200MW (300MW x 4 tổ máy).

Theo đại diện chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án Điện 3, đến nay, sau 8 tháng khởi công hạng mục cụm cửa xả thuộc Dự án Thuy điện tích năng Bác Ái, đến nay dự án đang bám sát tiến độ đề ra.

Dự án được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng cụm công trình cửa xả tại khu vực hồ dưới đã được EVN phê duyệt tại Quyết định số 398/QĐ-EVN ngày 09/10/2019. Công trình đã triển khai thi công từ tháng 01/2020, hiện nay nhà thầu đang tập trung thi công xây dựng đáp ứng tiến độ đề ra, đảm bảo hoàn thành trước khi tích nước hồ chứa nước Sông Cái vào đầu tháng 4/2021.

Giai đoạn 2, thi công các hạng mục công trình chính và công trình đồng bộ còn lại. Hiện nay đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát để lập thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của EVN về việc liên quan đến công tác chuyển mục đích sử dụng đất rừng công trình Thủy điện tích năng Bác Ái, Ban Quản lý dự án đang phối hợp với tư vấn thiết kế đã tính toán, đề xuất các phương án thiết kế tổng mặt bằng nhằm tối ưu hóa diện tích sử dụng đất cho dự án mà vẫn đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, kinh tế, an toàn của công trình.

Ban Quản lý Dự án Điện 3 dự kiến hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 trình EVN xem xét trong tháng 4/2021.

Theo kế hoạch, Dự án được khởi công hạng mục công trình chính vào quý  I/2022 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2029.

Hà Nội dự chi hơn 8 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa các hầm chui trên tuyến Đại lộ Thăng Long

Trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội vừa có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về chủ trương đầu tư dự án sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông tại các hầm chui trên đường gom Đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn huyện Hoài Đức nhằm cải thiện điều kiện giao thông và môi trường sống của nhân dân trong khu vực, chống xuống cấp công trình.

Theo báo cáo, việc cải tạo, sửa chữa các hầm chui này là cần thiết nhằm sửa chữa mặt đường bê tông trong hầm và mặt đường các lối ra, vào cửa hầm; cải tạo hệ thống thoát nước trong hầm; điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống sơn kẻ, biển báo tại các hầm chui…

Các cơ quan tham mưu cho biết, nếu được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, dự án sẽ được thực hiện ngay trong năm 2020 - 2021.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án hơn 8 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách thành phố Hà Nội.

Đà Nẵng cần hơn 47.500 tỷ đồng để làm gì?

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Đà Nẵng cho biết, theo đề xuất nguồn vốn giai đoạn 2021-2025, thành phố cần đến 47.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư hàng loạt dự án động lực, trọng điểm.

Dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng đã khởi động hơn 16 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Ảnh: Hà Minh
Dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng đã khởi động hơn 16 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Ảnh: Hà Minh

Nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp cho địa phương dùng để đầu tư các dự án mới và các dự án chuyển tiếp gồm 2 nguồn: nguồn vốn trong nước (10.581 tỷ đồng) và nguồn vốn ngoài nước (37.000 tỷ đồng).

Theo ông Trần Phước Sơn, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, với số vốn này, hàng loạt các dự án quan trọng sẽ được đầu tư, như: Hệ thống cấp cứu y tế biển đảo: 200 tỷ đồng; Khu Công nghệ cao mở rộng: 1.775 tỷ đồng; mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ: 324 tỷ đồng; Khu làm việc đào tạo khởi nghiệp: 300 tỷ đồng; Bệnh viện Bắc Hòa Vang: 285 tỷ đồng...

Với gần 37.000 tỷ đồng vốn ngoài nước, sẽ triển khai 8 dự án trọng điểm, trong đó, đầu tư mới 6 dự án, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 34.274 tỷ đồng như: dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng: hơn 12.300 tỷ đồng; dự án Hệ thống tàu điện trên cao và ngầm của thành phố với tổng vốn hơn 16.200 tỷ đồng; dự án Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong quản lý, điều hành giao thông thông minh: hơn 2.800 tỷ đồng; dự án thành phần tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng - thuộc dự án Tăng cường giáo dục lĩnh vực nghề nghiệp sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản: hơn 52,7 tỷ đồng; dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập kết hợp tưới thông minh - thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng: hơn 394 tỷ đồng và dự án Hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách thành phố: 4.636 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 2 dự án chuyển tiếp đã có trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 là dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng hơn 2.063 tỷ đồng; dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng hơn 651 tỷ đồng.

“Rút kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các đơn vị, địa phương, kế hoạch xây dựng vốn ngân sách Trung ương lần này được cụ thể hóa cả về mục tiêu, phạm vi, đối tượng và thứ tự ưu tiên bố trí vốn cũng như bám sát định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố phải được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, quyết định đầu tư một số dự án khi chưa cân đối bổ sung nguồn vốn thực hiện...”- ông Trần Phước Sơn cho biết thêm.

Cũng theo ông Sơn, có nhiều nguyên nhân khiến nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thiếu so với nhu cầu, trong đó không thể không kể đến nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư các chương trình mục đến nay chưa giải ngân hết, con số này lên đến hàng nghìn tỷ đồng do vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng từ Covid-19. Số vốn này buộc phải chuyển sang giai đoạn tới để tiếp tục thực hiện.

Hà Nội: Nghiên cứu mở mới 10 tuyến xe buýt chạy điện có trợ giá

UBND Thành phố Hà Nội vừa giao Sở Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Sở Giao thông Vận tải, báo cáo thành phố trong tháng 9/2020 về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá trên địa bàn.

Mẫu xe buýt chạy bằng điện của Vinfast.
Mẫu xe buýt chạy bằng điện của Vinfast.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, Tập đoàn Vingroup – Công ty cổ phần đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe chạy điện và cam kết đầu tư 150-200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại; đầu tư Trung tâm Quản lý và vận hành xe buýt thông minh, đề-pô và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối; bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành.

Đơn vị này hiện đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy chuẩn hiện hành...

Sở Giao thông Vận tải cho biết, xe buýt điện chưa hoạt động, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng xe buýt điện phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ và thành phố Hà Nội, sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ và đa dạng hóa xe buýt sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội, phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đề án của Tập đoàn Vingroup – Công ty cổ phần, Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND thành phố Hà Nội trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích thì xem xét chấp thuận mở mới các tuyến xe buýt điện và chủ trương đặt hàng tạm thời cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện cho Tập đoàn Vingroup – Công ty cổ phần để vận hành tuyến xe buýt nằm trong danh mục tuyến mở mới trong năm 2020.

Dự án Sân bay Long Thành: Sẵn sàng bàn giao đất tái định cư cho người dân

Sau hơn 4 tháng khởi công, khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã định hình, sẵn sàng bàn giao nền đất tái định cư cho người dân dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Sau hơn 4 tháng khởi công, các công trình hạ tầng, đến nay, “bộ khung” của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã được định hình và sẵn sàng cho thời điểm bàn giao đất tái định cư cho người dân.
Sau hơn 4 tháng khởi công, các công trình hạ tầng, đến nay, “bộ khung” của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã được định hình và sẵn sàng cho thời điểm bàn giao đất tái định cư cho người dân.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai thì thì 5 công trình ưu tiên thuộc dự án khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn trong tháng 10/2020.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2020, tỉnh Đồng Nai đã khởi công xây dựng 5 hạng mục hạ tầng kỹ thuật ưu tiên thuộc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn gồm: 4 tuyến đường giao thông chính và hệ thống thoát nước.

Sau hơn 4 tháng khởi công, các công trình hạ tầng, đến nay, “bộ khung” của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã được định hình và sẵn sàng cho thời điểm bàn giao đất tái định cư cho người dân.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành. Trước mắt, nơi đây sẽ là nơi ở mới của hơn 1 ngàn hộ dân nằm trong khu vực ưu tiên giải phóng măt bằng (hơn 1,8 ngàn ha).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nay các nhà thầu vẫn đang tiếp tục triển khai thi công trên toàn công trường. Vừa qua, điều kiện thời tiết tương đối khô ráo, ít mưa nên đơn vị đã liên tục đôn đốc từng nhà thầu, yêu cầu đẩy mạnh thi công để bù lại tiến độ bị chậm do ảnh hưởng do thời tiết mưa nhiều trước đó.

“Chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân công, thiết bị thi công; tổ, đội thi công, triển khai làm ca đêm, làm cả vào ngày thứ bảy, chủ nhật nhằm mục tiêu hoàn thành công trình vào tháng 10/2020”, ông Tuấn nói.

Cùng với 5 gói thầu ưu tiên, hiện nay, các nhà thầu cũng đang triển khai thi công 15 gói thầu xây dựng hạ tầng 12 phân khu và hệ thống điện, chiếu sáng, cấp nước. Các gói thầu này đã được khởi công xây dựng từ cuối tháng 7/2020.

Cũng theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai thì đối với các gói thầu xây dựng hạ tầng các phân khu, hệ thống điện, chiếu sáng và cấp nước vừa khởi công các nhà thầu đang triển khai san gạt mặt bằng, đào nền đường. Một số nhà thầu đã triển khai sản xuất, lắp đặt cống thoát nước. Các tuyến đường nội bộ sắp tới, các nhà thầu sẽ rải đá để chuẩn bị đổ nhựa. Theo kế hoạch đặt ra thì 15 gói thầu sẽ hoàn thành thi công này vào tháng 12/2020.

Hiện tại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành tổ chức lựa chọn nhà thầu lập thiết kế bản vẽ thi công các gói thầu xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội cho khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Tới đây, Ban này sẽ thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán 5 công trình ưu tiên gồm: trụ sở UBND xã, trung tâm văn hóa, trường mầm non, tiểu học và THCS. Mục tiêu đề ra là sẽ khởi công các công trình ưu tiên vào tháng 10/2020 và hoàn thành vào tháng 4/2021.

Theo tiến độ tỉnh Đồng Nai cam kết với Chính phủ, trong tháng 10/2020 sẽ bàn giao mặt bằng khu vực hơn 1,8 ngàn ha phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, hiện nay địa phương đang tăng tốc thực hiện chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân trong khu vực hơn 1,8 ngàn ha để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng như cam kết với Chính phủ.

Đến thời điểm này, huyện Long Thành đã thực hiện được 4 đợt chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho gần 400 hộ dân với tổng kinh phí hơn 714 tỷ đồng. Hôm nay, ngày 7/9, UBND huyện Long Thành sẽ thực hiện tiếp đợt chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thứ 5 cho 101 hộ dân tiếp theo. Theo kế hoạch, trong tháng 9 này, huyện Long Thành sẽ hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho hơn 1 ngàn hộ dân trong khu vực hơn 1,8 ngàn ha.

Song song với việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ vào cuối tháng 9/2020, UBND huyện Long Thành sẽ tổ chức cho người dân bốc thăm vị trí các lô đất tái định cư trong Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn.

Sau khi bốc thăm, người dân sẽ biết được vị trí nền đất tái định cư của mình. Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện tiếp các thủ tục bàn giao đất để người dân có thể xây dựng nhà ngay tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Kiên Giang điều chỉnh giảm số tiền chậm nộp 1.397 tỷ đồng của nhà đầu tư

Theo báo cáo giải trình của Cục Thuế Kiên Giang, trước và sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ (ngày 27/4/2020) về tiền chậm nộp của nhà đầu tư là 2.312 tỷ đồng, đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thu theo hạn nộp và điều chỉnh giảm được 1.397 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình và kiến nghị của Cục Thuế Kiên Giang, đa số là chậm nộp tiền sử dụng đất và tiền cho thuê đất xảy ra chủ yếu ở huyện đảo Phú Quốc. Nguyên nhân vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan kéo dài trong 5 năm (2011-2017).

Hầu hết giai đoạn này, các nhà đầu tư đã có giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008-2012, làm thủ tục xin giao đất trong thời kỳ Luật Đất đai 2003. Các trường hợp chậm nộp là do trải qua hơn 6 năm làm thủ tục mới được giao đất, khi giao đất sạch thì rơi vào thời kỳ chuyển giao giữa hai Luật Đất đai (2003-2013) và Luật Đầu tư (2005-2015).

Trong khi đó, giai đoạn này, Phú Quốc còn hoang sơ, chưa có doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Kiên Giang kêu gọi thu đầu tư, nhưng chưa có vốn để bồi thường cho dân. Từ đó, các nhà đầu tư tập trung ứng trước tiền bồi thường theo phương án đã được phê duyệt và đã được Nhà nước giao đất theo quy mô dự án trước ngày 1/7/2014.

Sau thời gian này, đa số các dự án chỉ được giao một phần mặt bằng thực địa do đất nhà nước quản lý hoặc đất đã bồi thường cho dân đến đâu giao đến đó và các nhà đầu tư vẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, mặc dù dự án nhận đất không liền kề nhau (da beo nên khó thực hiện được dự án). Sau đó, tại huyện Phú Quốc xảy ra tình trạng chiếm đất, tái chiếm sau khi nhận bồi thường, giá đất lên cao nên công tác bồi thuờng của UBND huyện Phú Quốc gặp nhiều khó khăn và chậm giao đất cho nhà đầu tư.

Việc thay đổi quy hoạch (giảm diện tích bờ biển) và chậm bàn giao thực địa cho nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư về miễn giảm tiền sử dụng đất theo pháp luật quy định. Như vậy, cùng trên một địa bàn huyện Phú Quốc, nhưng nhà đầu tư nào được giao đất trước thì được hưởng chính sách ưu đãi, còn nhà đầu tư nào bị chậm trễ trong giao đất thì không còn chính sách ưu đãi làm mất đi khả năng cạnh tranh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong thời gian chuyển tiếp pháp luật hay chậm giao đất, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang vận dụng các quy định được Chính phủ, các bộ ngành ban hành để áp dụng cách tính tiền sử dụng đất và thuê đất cho công bằng với các doanh nghiệp trước đó đã được ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, một số quy định hướng dẫn chưa rõ, do vậy, khi Thanh tra Chính phủ không chấp nhận một số trường hợp áp dụng của tỉnh Kiên Giang, nên phát sinh một số khoản tiền chưa thu phải tính lại và tăng lên.

Sau khi có Kết luận thanh tra số 602/TB-TTCP ngày 27/4/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoán sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (thời kỳ 2011 – 2017), vào tháng 6/2020, Cục Thuế Kiên Giang có văn bản báo cáo khắc phục và giải trình, kiến nghị Thanh tra Chính phủ.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nợ đọng tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đến ngày 31/12/2017 là 1.570 tỷ đồng. Sau đó, Cục Thuế tỉnh đã có báo cáo số 96/BC-CT ngày 2/8/2018 về báo cáo nợ đọng đến khi kết thúc đoàn Thanh tra, Cục Thuế tỉnh đã khắc phục được trên 983,5 tỷ đồng, số còn nợ thực tế tại thời điểm kết thúc Thanh tra là trên 586,4 tỷ đồng.

Đến 31/8/2020, Cục Thuế Kiên Giang tiếp tục rà soát đối với các doanh nghiệp bị điều chỉnh do thu hồi đất, chuyển đổi hình thức từ giao đất sang thuê đất, từ trả tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đất sang thuê đất trả tiền hàng năm, các doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp mất nhưng chưa thu hồi quyết định giao, cho thuê đất và một số doanh nghiệp đã khắc phục do thông báo chưa đến kỳ nộp.... với tổng số tiền 1.397 tỷ đồng.

Số còn lại bao gồm khoảng 700 tỷ đồng thuộc diện được UBND tỉnh, Chính phủ và Thanh tra Chính phủ cho phép ra soát, đối chiếu lại, kiến nghị để xem xét miễn giảm ưu đãi đầu tư theo pháp luật quy định. Do đó, đến thời điểm hiện nay, số tiền chưa khắc phục giảm xuống chỉ còn 205,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình của Cục Thuế Kiên Giang cho biết, trong số 700 tỷ đồng còn đang chậm nộp này, hiện các doanh nghiệp đã nộp đơn giải trình và đang kiến nghị đến Chính phủ và được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xem xét kiến nghị và báo cáo Chính phủ đối một số trường hợp với tổng tiền là 349,2 tỷ đồng, trong đó, xem xét việc miễn giảm 50% tiền sử dụng đất theo chính sách ưu đãi đầu tư của 2 dự án có tổng số tiền 255,8 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận là trong khoản thời gian từ khi kết thúc thanh tra và ký Kết luận Thanh tra mất gần 3 năm, tỉnh Kiên Giang vừa kiến nghị vừa rà soát và đôn đốc các doanh nghiệp, các cơ quan làm nhanh thủ tục để thu hồi đáng kể số tiền nghĩa vụ tài chính của các nhà đầu tư. Trong đó một số trường hợp chính quyền thu tiền phạt chậm nộp hàng chục tỷ đồng.

Hà Nội dự chi hơn 8 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa các hầm chui trên tuyến Đại lộ Thăng Long
Tổng mức đầu tư dự án hơn 8 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách thành phố Hà Nội và dự kiến được thực hiện ngay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư