Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dự báo Fed tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng hết năm 2021
Lê Quân - 16/06/2021 12:40
 
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất trong những tháng còn lại của năm 2021, bất luận thách thức trong kiểm soát lạm phát.
Trụ sở Fed tại Washington. Ảnh: AFP
Trụ sở Fed tại Washington. Ảnh: AFP

Đây là kết quả cuộc khảo sát mới nhất của đài CNBC. Các chuyên gia được hỏi dự báo thay đổi lớn đầu tiên mà Fed sẽ thực hiện đối với chính sách tiền tệ là cắt giảm 120 tỷ USD chương trình mua vào tài sản hàng tháng, dự kiến sẽ tuyên bố thực hiện vào tháng 10/2021 và bắt đầu cắt giảm sẽ bắt đầu vào tháng 1/2022.

Những người trả lời khảo sát dự đoán lần tăng lãi suất đầu tiên sẽ xảy ra vào tháng 11/2022, sớm hơn một tháng so với dự báo của cuộc khảo sát trước đó.

Trong số 35 chuyên gia được hỏi, 86% cho rằng mức độ mua tài sản hiện tại của Fed là không cần thiết để thúc đẩy thị trường. Tỷ lệ này tăng đáng kể so với mức 68% trong cuộc khảo sát tháng 4. Có đến 89% người được hỏi đánh giá việc mua tài sản của Fed không cần thiết để kích thích nền kinh tế, trong khi tỷ lệ ghi nhận trong tháng 4 là 65%. Khi được hỏi về lạm phát, 63% người được hỏi cho rằng rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ đã đủ lớn để Fed cắt giảm hoạt động mua vào ngay bây giờ.

Ông John Ryding, cố vấn kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư độc lập Brean Capital đánh giá: "Kinh tế học cơ bản lập luận mạnh mẽ rằng Mỹ đang gặp khó khăn về khả năng phản ứng của đường cung cả hàng hóa và lao động, chứ không phải do sự thiếu hụt nhu cầu". "Chính sách tiền tệ nên xoay trục để giải quyết nguy cơ lạm phát gia tăng và không nên vận hành trong một khuôn khổ lạc hậu", ông John Ryding nhận định.

Còn ông Mark Vitner, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Đầu tư và Doanh nghiệp Wells Fargo cho rằng: "Lạm phát sẽ tăng nhanh hơn và kéo dài hơn dự kiến của Fed nhưng sẽ không làm thay đổi đáng kể lịch trình của họ trong việc nới lỏng định lượng (QE) hoặc tăng lãi suất".

Trên thực tế, lạm phát đã đứng đầu trong các mối đe dọa tiềm ẩn đối với nền kinh tế Mỹ, vượt qua mối đe dọa Covid-19 với một biên độ vững chắc. Có 60% người được khảo sát lần này của đài CNBC cho rằng lạm phát hiện chỉ là tạm thời, trong khi 29% cho rằng đó là vấn đề lâu dài.

Dự báo bình quân CPI cả năm 2021 của Mỹ là 3,88%, tăng mạnh so với mức 2,76% được dự đoán trong cuộc khảo sát trước đó. Những người được hỏi tin rằng CPI Mỹ sẽ đạt đỉnh 5,3% vào tháng 11/2021.

"Fed đang đặt cược phòng ngừa rủi ro. Cơ quan này có nhiều công cụ hơn để đối phó với lạm phát vượt mức, hơn là cắt giảm việc làm vì chúng tôi đã thấy tình trạng thiếu hụt việc làm trong thời gian dài", bà Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton bình luận.

Phía các nhà đầu tư kỳ vọng Fed vẫn giữ quan điểm chính sách ôn hòa sau cuộc họp kéo dài 2 ngày kể từ ngày 15/6. Một số quan chức Fed cho rằng cơ quan này nên bắt đầu thảo luận về cắt giảm việc mua vào trái phiếu, trong khi hầu hết các nhà đầu tư tin rằng phần đông các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn muốn quan sát thêm trước khi điều chỉnh chính sách.

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm mạnh nhất trước thềm Fed họp chính sách
Thị trường chứng khoán Nhật Bản và Australia đều tăng gần 1%, mức tăng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong ngày giao dịch 15/6.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư