Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Du lịch, dịch vụ tăng tốc, tiêu dùng nội địa phục hồi ngoạn mục
Nhã Nam - 29/07/2022 13:57
 
Tháng 7/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng tới 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,3 lần, còn dịch vụ du lịch lữ hành gấp 35,5 lần.

Nền kinh tế đã phục hồi tích cực. Không chỉ là sản xuất công nghiệp, hay nông nghiệp, mà cả khu vực dịch vụ cũng có đà tăng tốc ấn tượng.

“Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Bảy sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành”, Tổng cục Thống kê cũng đã đưa ra nhận định quan trọng như vậy.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy năm 2022 ước đạt 486 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Dịch vụ du lịch đã có bước phục hồi ấn tượng

Tháng 7/2018, con số đạt được là 369 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; còn tháng 7/2019 đạt 411,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%.

Tất nhiên, có yếu tố giá cả hàng hóa khiến tổng mức bán lẻ đạt con số ấn tượng và mức tăng cao như vậy, song rõ ràng, kể từ khi Chính phủ quyết định mở cửa lại nền kinh tế vào giữa tháng 3/2022, khu vực dịch vụ có sự phục hồi tích cực, sức mua của nền kinh tế đã được cải thiện.

Thêm nữa, tháng Bảy năm ngoái là thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam bùng nổ, nên doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2021 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 0,6%).

Tháng Bảy năm nay cũng lại trùng thời điểm học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch tăng cao. Do vậy, so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã tăng tới 42,6%.

Trong đó, đáng chú ý, dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước và dịch vụ du lịch lữ hành gấp 35,5 lần.

Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 0,3%). Nếu loại trừ yếu tố giá, thì vẫn tăng 11,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1,8%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, cũng có quy mô cũng như tốc độ tăng đều cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Thậm chí, nếu so với 7 tháng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2022 tăng 15%. Đây là một mức tăng trưởng ấn tượng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2022 ước đạt 324,9 nghìn tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sau hơn 2 năm hạn chế đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.

Trong khi đó, doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2022 ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa.

Doanh thu du lịch lữ hành trong 7 tháng qua của một số địa phương tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, Khánh Hòa tăng 858,4%; Cần Thơ tăng 328,3%; Đà Nẵng tăng 284,8%; Hà Nội tăng 216,8%; TP.HCM tăng 111,4%.

Chính sự tăng tốc của khu vực dịch vụ, du lịch đã góp phần quan trọng đưa sức mua của nền kinh tế có bước phục hồi mạnh mẽ. Sức mua phục hồi cũng sẽ tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh, cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Doanh nghiệp nỗ lực mở rộng hoạt động, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 7 tháng qua đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,6% của cùng kỳ. Tuy nhiên, tình trạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư