Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Du lịch miền Trung cất cánh nhờ sản phẩm đa dạng
Ngọc Tân - 12/09/2015 13:17
 
Với hệ sinh thái thiên nhiên phong phú, đa dạng, cảnh quan có đủ núi, rừng, biển, cùng bề dày về lịch sử - văn hóa, miền Trung đang có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch.
.
Hang Sơn Đoòng hiện là hang động lớn nhất thế giới

Bên cạnh những loại hình du lịch truyền thống, thời gian qua, du lịch khu vực miền Trung phần nào đã tìm ra được những con đường đi rất riêng, không ăn theo lối mòn.

Trước hết, việc tìm ra hang Sơn Đoòng (năm 2009) - hang động lớn nhất thế giới và một loạt hang động tại quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tạo ra một loại hình du lịch mới độc đáo mà trước đây Việt Nam chưa có, đó là du lịch mạo hiểm.

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Oxalis (Quảng Bình), đơn vị được phép khai thác thử nghiệm tuyến du lịch mạo hiểm vào hang Sơn Đoòng cho biết, mặc dù giá vé tới 3.000 USD/khách, nhưng du khách quốc tế đặt tour đến hang động này vẫn rất đông và hiện đã kín chỗ trong những năm tiếp theo. Trong năm 2015, đã có hơn 600 du khách trên thế giới liên hệ đặt vé.

Tại Đà Nẵng, trong những năm qua, ngành du lịch cũng đã tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn. Đà Nẵng đã tận dụng rất tốt lợi thế về biển của mình để phát triển các loại hình du lịch, như tham quan các đảo quanh vịnh Sơn Trà bằng thuyền cao tốc (tắm biển, săn bắn cá - cầu gai, thưởng thức các loại hải sản...), xây dựng các khu nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp ven biển, tạo ra các địa điểm vui chơi giải trí hấp dẫn (Công viên châu Á, Bà Nà Hill, Khu du lịch suối Hoa…). Địa phương này tổ chức các lễ hội lớn như Pháo hoa Quốc tế, Điểm hẹn Mùa hè...

Tại Hội An, song song với các loại hình du lịch truyền thống như tham quan phố cổ, làng nghề truyền thống, hàng lưu niệm, hiện nay, Hội An đang phát triển mô hình sản phẩm du lịch cộng đồng để đưa du khách được trải nghiệm cuộc sống của người dân tại các vùng quê.

Chẳng hạn, ở làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An), du khách được hòa mình vào cuộc sống của người dân để được cuốc đất trồng rau, được làm và thưởng thức những món ăn dân dã và bình dị ở đây như Mỳ Quảng, Cao Lầu...

Tại đảo Cù Lao Chàm, du khách cũng được trải nghiệm nét văn hoá, cuộc sống đời thường của cư dân cù lao và trải nghiệm sản phẩm du lịch “Đêm Cù Lao”. Bên cạnh việc thưởng thức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tái hiện các truyền thuyết lịch sử về Cù Lao Chàm, thăm thú nhiều điểm du lịch độc đáo như chợ ẩm thực hải sản, chợ sản vật Cù Lao Chàm, chợ nổi ẩm thực, bar biển..., du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian cũng như các trò chơi hiện đại đặc sắc như thi lắc thúng chai, gánh cá chạy trên cát, vượt qua cầu bập bênh…

Chỉ tính riêng trong năm 2014, TP. Hội An đã đón 1,7 triệu khách du lịch, tổng doanh thu ngành thương mại - du lịch đạt gần 3.350 tỷ đồng. Hội An phấn đấu đón hơn 1,8 triệu lượt khách đến tham quan trong năm nay.

Tại Bình Thuận, với đường bờ biển dài, đẹp, quanh năm đầy nắng và gió, du lịch nghỉ dưỡng biển được xác định là một trong những mũi nhọn để phát triển thu hút khách du lịch. Địa điểm có sức hấp dẫn rất lớn đối với những du khách yêu cái nắng, gió và cát là những đồi cát trải dài tại Mũi Né. Nằm cách TP. Phan Thiết 12 km về phía Đông, Mũi Né là một trong những nơi có cảnh đẹp nổi tiếng.

Khi đến với Mũi Né, du khách được “thả hồn”, tận hưởng những giây phút bay bổng diệu kỳ khi đứng trên những đồi cát nhìn ra mênh mông xung quanh. Khi leo lên tới đỉnh đồi cát, du khách có thể trải nghiệm thú vui trượt cát...

Mặc dù cơ sở hạ tầng còn khó khăn, nhưng với việc tìm ra phương hướng phát triển những loại hình du lịch đặc trưng rất riêng so với những khu vực khác, du lịch Bình Thuận đang ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch, trở thành một trong những địa phương tăng trưởng mạnh về du lịch.

TS. Nguyễn Phúc Nguyên, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Để có thể đưa du lịch khu vực miền Trung cất cánh, các sản phẩm du lịch nên dựa vào các nguồn lực sáng tạo và nguồn lực bổ trợ. Điều cần thiết hiện nay của khu vực miền Trung là phải xúc tiến, đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch vui chơi giải trí nhằm nâng cao giá trị của chuỗi du lịch”.

Có thể nói, với những tiềm năng, lợi thế to lớn của mình, du lịch miền Trung đang trong giai đoạn bứt phá. Song song với việc phát triển các loại hình du lịch truyền thống vẫn đang đem lại nguồn thu cho ngành này, thì việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng biệt của địa phương sẽ trở thành một xu hướng mới để tạo ra sức bật cho khu vực. Cùng với đó, việc liên kết các sản phẩm du lịch của các tỉnh miền Trung sẽ mang lại diện mạo mới cho ngành du lịch khu vực này trong tương lai.

Du lịch miền Trung: Tư duy đã mở, nhưng thiếu chiến lược liên kết
Miền Trung cần liên kết để nâng tầm thương hiệu và phát huy lợi thế phát triển du lịch của vùng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư