Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu
Hồng Phúc - 16/12/2020 16:15
 
Đây là chủ đề của Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2020 do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cùng 4 tỉnh- An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp đồng tổ chức.

Cụ thể, Diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 21/12 tới, tại Cao Lãnh, Đồng Tháp với chủ đề chính là “Đưa sản phẩm dịch vụ đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Đây là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, nhà quản lý chính quyền, các chuyên gia trong ngoài nước và các đối tượng có mối quan tâm và lợi ích liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với khoảng 700 khách mời tham dự hàng năm.

Ngoài lãnh đạo 4 tỉnh tham gia đồng tổ chức nói trên, Diễn đàn năm nay còn có sự tham dự cùng các tham luận của các chính khách, doanh nhân, đại diện EuroCham, AmCham,…chia sẻ về: Những nét lớn của kinh tế ĐBSCL và các giải pháp phát triển đồng bằng do ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề cập; bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn; ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn,…

Ngoài ra, các đặc sản địa phương OCOP – mỗi phường xã một sản phẩm – từ 3 sao trở lên của bốn tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp (ABCD) sẽ được tiếp cận rộng hơn với thị trường trong ngoài nước trong nỗ lực chung của ABCD. 

Cụ thể, bốn tỉnh thành ABCD sẽ xây dựng chương trình tiếp thị chung, thương hiệu chung cho các sản phẩm cùng nhóm của mình cũng như mở phòng triển lãm chung các đặc sản của địa phương tại Phú Quốc, TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và Châu Đốc. 

.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ tại họp báo Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2020 (Ảnh: BSA)

Thêm vào đó, bốn tỉnh thành nói trên đã làm việc với các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon và Alibaba hay các sàn trong nước như Tiki và Shopee, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, 4 tỉnh đã thảo luận với các sàn về thanh toán điện tử. Và chương trình bán sản phẩm OCOP sẽ thực hiện đồng thời với chương trình chuyển đổi số của chính phủ.

Phía sàn điện tử đòi hỏi các doanh nghiệp ĐBSCL cung cấp các sản phẩm theo bốn tiêu chuẩn chính: đồng bộ, qui mô, chất lượng và giá cả. 

“Đây là thách thức của doanh nghiệp đồng bằng. Nhưng các hệ sinh thái khởi nghiệp cùng các nỗ lực của bốn địa phương sẽ hỗ trợ nhiều. Các sản phẩm hữu cơ của bốn tỉnh thành chúng tôi như mít, dừa, đường thốt nốt, trái cây… có triển vọng lớn trên các sàn giao dịch mới và phòng triển lãm”, Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa nói và cho rằng, khu vực ĐBSCL cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp để ĐBSCL tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Từ đó mở ra một tương lai xán lạn cho hơn 17 triệu đồng bào cũng như những thế hệ tương lai.

"ĐBSCL đang đứng trước ngưỡng tới hạn của mô hình phát triển cũ. Nếu mô hình này không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi và sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian", ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ chia sẻ về câu kết trong Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2020 do VCCI vừa công bố, mà ông thấy tâm đắc.  

Kinh tế ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đều chịu sự ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là dịch Covid-19. 

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và có thể kéo dài, ĐBSCL sẽ có thể phải đối diện một số hệ lụy tiêu cực, xuất phát từ vai trò thù cũng như cấu trúc nội tại của vùng. 

.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng- Cần Thơ cuối tháng 11/2020 (Ảnh: Hồng Phúc).

Theo Báo cáo nói trên, vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, việc ngừng xuất khẩu gạo có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào.  Chính sách này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá thu mua nông sản và sinh kế của người dân ĐBSCL.

Về chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Chi phí logistics vốn đã bị đánh giá là cao so sẽ tăng thêm do phát sinh chi phí liên quan đến an toàn phòng chống dịch bệnh. 

Ngoài ra làn sóng hồi hương của người ĐBSCL đang lao động ở Đông Nam Bộ hay người đi xuất khẩu lao động có thể trở thành gánh nặng của vùng. 

Cùng với dịch bệnh, tình trạng hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng nghiêm trọng làm môi trường kinh tế - xã hội trở nên bấp bênh, gánh nặng về tâm lý và kinh tế đối với cả doanh nghiệp, người dân và chính quyền trong vùng ngày càng lớn…

Báo cáo cũng chỉ ra các số liệu đáng lo ngại như 10 năm qua ĐBSCL có hơn 1,3 triệu dân đã bỏ xứ đi, tương đương dân số của 1 tỉnh; 40% học sinh phải bỏ học khi hết cấp 2; 13 tỉnh trong khu vực chiếm gần 20% dân số nhưng doanh nghiệp chỉ chiếm 8% của cả nước,…

“Vùng giàu tài nguyên và cạnh TP.HCM nhưng trình độ lao động của miền Tây là thấp nhất cả nước, km đường cao tốc ít nhất, chi cho đầu tư nhỏ nhất.... và người dân có mức sống dưới mức trung bình cả nước, cùng nhiều con số giật mình khác nữa. Việc tạo ra lương thực sẽ khác với trách nhiệm phải tạo ra lương thực”, giám đốc VCCI trăn trở. 

Hiến kế phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long
Trước thách thức quá lớn về biến đổi khí hậu, đã đến lúc, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu long cần thống nhất quan điểm từ “Sống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư