Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dược phẩm châu Âu tăng tốc vào Việt Nam
Hải Yến - 11/03/2021 06:22
 
Con đường nhập khẩu dược phẩm từ khu vực thị trường EU càng mở rộng hơn kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi.
.
.

Dược phẩm châu Âu áp đảo

Chi nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam không ngừng gia tăng trong những năm qua. Với hơn 97 triệu dân, mức chi trả cho chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng, thị trường Việt Nam hấp dẫn các tập đoàn, doanh nghiệp dược phẩm lớn từ nhiều quốc gia, trong đó có khối Liên minh châu Âu (EU).

Sau khi EVFTA có hiệu lực, xu hướng tăng nhập khẩu dược phẩm đã rõ nét hơn. Điều này thể hiện ở con số trên 1,73 tỷ USD mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập từ khối EU trong năm 2020, tăng gần 16% so với năm 2019. Nhập khẩu dược phẩm từ EU đã chiếm gần 53% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam.

Sở dĩ dược phẩm châu Âu áp đảo tại Việt Nam là do phần lớn thuốc sản xuất tại EU là các loại thuốc biệt dược khó thay thế, thuốc có bản quyền phát minh (patent drug) mà hầu như các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ tiềm lực để sản xuất và tiếp cận.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, ngay trong tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực (tháng 8/2020), nhập khẩu dược phẩm từ EU đã tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng nhập khẩu từ EU của cả năm 2020 là 15,4%. Dự kiến, con số này sẽ liên tục tăng mạnh trong những năm tới.

Theo cam kết trong EVFTA, Việt Nam loại bỏ thuế quan cho dược phẩm, dược liệu nhập khẩu từ EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với khoảng 71% các sản phẩm dược phẩm, dược liệu nhập từ EU. Loại bỏ thuế quan dần trong vòng 5 - 7 năm (cá biệt có trường hợp 10 năm) kể từ khi EVFTA có hiệu lực đối với các dược phẩm, dược liệu còn lại (các dòng sản phẩm này hiện có mức thuế MFN thông thường dao động trong khoảng 5 - 8%).

Mặc dù thuế MFN mà Việt Nam đang áp dụng với dược phẩm, dược liệu nhập khẩu thực hiện đối xử tối huệ quốc MFN phần lớn đã là 0%, nhưng với EVFTA, nhập khẩu dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng, trực tiếp hơn, đặc biệt đối với những loại thuốc Việt Nam chưa sản xuất được.

Bên cạnh đó, mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sẽ được tăng cường, khiến một số loại dược phẩm có thể chậm được giảm giá hơn; đồng thời, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam.

Sức ép cạnh tranh tích cực

Dược phẩm nhập khẩu từ EU tăng nhanh nhờ hiệu ứng EVFTA tạo ra sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp dược phẩm trong nước. Từ đây, thị trường cũng chứng kiến thêm nhiều cái bắt tay giữa các doanh nghiệp nội với các tập đoàn đa quốc gia nhằm tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh phân phối dược phẩm.

Ông Halssam Chralteh, Giám đốc Điều hành nhóm thuốc tổng quát khu vực châu Á, kiêm Tổng giám đốc Sanofi Đông Dương nhận định, EVFTA thực thi là cơ hội lớn để các tập đoàn sản xuất dược phẩm đa quốc gia gia nhập và phát triển tại thị trường Việt Nam.

Trước thời điểm EVFTA có hiệu lực một tháng, AstraZeneca Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn AstraZeneca - Anh) đã công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam khi ký kết hợp tác phân phối dược phẩm với Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma). Trước đó không lâu, Tập đoàn cam kết đầu tư 5.000 tỷ đồng (khoảng 220 triệu USD) vào Việt Nam trong 5 năm (2020 - 2024).

Tại Việt Nam, dược phẩm xuất xứ châu Âu luôn được ngành y tế và người dân đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả, đặc biệt các loại thuốc tân dược được nhập từ các thị trường Pháp, Đức, Italia… Đó là lý do tỷ trọng nhập thuốc từ các thị trường này luôn đứng đầu trong rổ nhập khẩu thuốc từ EU.

Đơn cử, trong hơn 1,7 tỷ USD nhập khẩu thuốc thành phẩm từ EU, Pháp đứng vững chắc ở vị trí thị trường cung cấp thuốc số 1 của Việt Nam với kim ngạch 503 triệu USD năm 2020, tiếp đến là Đức với 386 triệu USD, Italia 184 triệu USD, Bỉ 145 triệu USD… Các nhóm thuốc được nhập khẩu nhiều nhất từ Pháp là các mặt hàng thuộc mã HS 300490 (chủ yếu là các loại thuốc khử trùng, thuốc gây tê, gây mê, giảm đau); mã HS 300220 (nhóm thuốc vắc-xin cho người); mã HS 300410 (nhóm thuốc kháng sinh chứa penicillin, ampicillin amoxycillin) và mã HS 300450 (tập trung chủ yếu là các loại siro uống bổ sung vitamin).

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, thời gian tới, hoạt động nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam từ các thị trường EU dự kiến tiếp tục tăng cả về quy mô và giá trị nhờ được hỗ trợ bởi các cam kết thuế quan trong EVFTA.

Với mức tăng của năm 2020, ước chi nhập khẩu dược phẩm từ EU sớm vượt 2 tỷ USD.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư