Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ECB tung gói QE, TTCK Việt Nam có hưởng lợi?
Hoàng Anh - 27/01/2015 08:38
 
Ngày 22/1/2015, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã thông báo chính thức về chương trình nới lỏng định lượng (QE). Gói kích thích kinh tế này trị giá 60 tỷ euro/tháng, dự kiến triển khai từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2016.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Một nửa doanh nghiệp quên công bố thông tin
1.100 tỷ Euro giúp vực dậy Eurozone
VN-Index có thể tăng lên 640 điểm
Lo giảm phát, ECB "bơm" 1.000 tỷ Euro cho Eurozone

Tổng giá trị của gói QE là hơn 1.000 tỷ euro, cao hơn so với kỳ vọng trước đó của các nhà đầu tư. Nhìn lại hiệu ứng từ các gói QE của các nền kinh tế lớn trước đó cho thấy, TTCK thế giới cũng như TTCK Việt Nam hầu hết đều giao dịch tích cực.

Về cơ bản, động thái bơm tiền vào thị trường sẽ giúp dòng vốn “rẻ” được tăng cường. Theo đó, thị trường cổ phiếu được đánh giá là một trong những kênh đầu tư được hưởng lợi đầu tiên, khi tâm lý nhà đầu tư hưng phấn, kỳ vọng vào một lượng tiền mới sẽ tìm đến thị trường.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Phân tích vĩ mô, CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đánh giá, đây là thông tin lạc quan và sẽ tạo ra sự hỗ trợ lớn cho TTCK Việt Nam trên ba khía cạnh. Thứ nhất, dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tích cực hơn khi Việt Nam luôn là một trong các thị trường có mức tăng trưởng hấp dẫn. Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư trong nước được cải thiện. Thứ ba, một số doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng đồng euro hoặc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ khu vực châu Âu sẽ được hưởng khoản chênh lệch tỷ giá lớn do động thái bơm tiền kể trên tạo sức ép khiến đồng euro mất giá.

Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý, euro mất giá sẽ khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU (như dệt may, thủy sản...) mất đi một khoản lợi nhuận đáng kể.

Việt Nam là thị trường cận biên nên độ hút vốn sẽ thấp và chậm hơn các thị trường mới nổi

Việt Nam là thị trường cận biên nên độ hút vốn sẽ thấp và chậm hơn các thị trường mới nổi

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, CTCK BSC cho rằng, quyết định của ECB không quá bất ngờ, bởi xu hướng nới lỏng định lượng của các nền kinh tế lớn là rất rõ ràng. Sau nhiều tranh cãi, Liên minh châu Âu (EU) đã không có nhiều lựa chọn khác và quyết định nối tiếp Mỹ, Nhật Bản sử dụng chính sách nới lỏng định lượng để giúp nền kinh tế không lún sâu vào suy thoái.

Xét ở phương diện đầu tư, ông Long nhận định, tương tự gói QE của Mỹ, việc ECB thực hiện chương trình nới lỏng định lượng sẽ có tác động tích cực tới dòng tiền đầu tư nói chung và TTCK toàn cầu đang có phản ứng khá tốt. Gói QE của ECB sẽ đẩy dòng tiền tìm kiếm cơ hội đầu tư không chỉ ở EU, mà cả các thị trường mới nổi và thị trường đường biên. Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều tổ chức tài chính EU đầu tư thông qua các quỹ ETF.

Cụ thể hơn, nhóm cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi? EU là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Do vậy, việc ECB thực hiện chương trình nới lỏng định lượng trong thời gian tới sẽ giúp cải thiện nhu cầu tiêu dùng tại EU, hiện đang trong tình trạng trì trệ. Qua đó, tác động tích cực tới các ngành xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Ngoài ra, theo BSC, cổ phiếu của các doanh nghiệp có vay nợ ngoại tệ bằng đồng euro sẽ được hưởng lợi.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và đề cập đến vấn đề này nhiều lần. Các doanh nghiệp xi măng (HT1, BCC, BTS) và nhiệt điện (NT2) sẽ có lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá. Dự báo, kết quả kinh doanh năm 2015 và 2016 của các doanh nghiệp này sẽ có sự cải thiện mạnh”, đại diện BSC nói.

Thời gian qua, nhiều nền kinh tế lớn đã triển khai các gói QE, tổng cộng gói QE của Mỹ trị giá 4.500 tỷ USD, gói QE của Anh trị giá 375 tỷ bảng, gói QE của Nhật Bản trị giá 125.000 tỷ yen. Gói QE của ECB hiện tại tương đương 1.300 tỷ USD, lớn thứ 3 sau Mỹ và Nhật Bản. Con số này có thể mới chỉ là giai đoạn ban đầu của chương trình QE, thực tế có thể sẽ lớn hơn nhiều. Nhìn lại hiệu ứng của các gói QE cho thấy, TTCK thế giới cũng như TTCK Việt Nam hầu hết đều giao dịch tích cực, dòng tiền từ các quỹ đầu tư vào thị trường đều tăng.

Ở góc nhìn thận trọng, ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, xét một cách tổng quan, gói QE của ECB nêu trên tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhưng TTCK Việt Nam sẽ không được lợi nhiều như các thị trường khác, do Việt Nam chưa đạt những tiêu chuẩn cao để hút vốn.

“Việt Nam mới chỉ là thị trường cận biên, độ hút vốn của chúng ta sẽ thấp hơn và chậm hơn các thị trường mới nổi như Thái Lan, Malaysia, Indonesia”, ông Lân dự báo.

Tháng “củ mật” theo quy luật là... tăng

TTCK có sự suy giảm mạnh kéo dài hơn 3 tháng cuối năm 2014, nguyên nhân chính là do những tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và sự suy giảm đột ngột của giá dầu thế giới. Bước sang năm 2015, thị trường hồi phục trở lại khi chỉ số VN-Index có 3 tuần tăng điểm khá tốt từ mức thấp nhất 526 điểm cuối năm 2014 lên mức cao nhất 574,81 điểm tại ngày 16/1/2015.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư