Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
F0 có bệnh nền có thể được cách ly tại nhà
D.Ngân - 08/02/2022 17:57
 
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, F0 có bệnh nền có thể được cách ly tại nhà nếu tình trạng ổn định, không có dấu hiệu viêm phổi và đủ khả năng tự chăm sóc.

Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế quy định, F0 có bệnh nền nhưng đang điều trị ổn định là một tiêu chí lâm sàng để được cách ly tại nhà. Cụ thể, F0 phải đảm bảo 3 tiêu chí lâm sàng sau:

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, F0 có bệnh nền có thể được cách ly tại nhà nếu tình trạng ổn định, không có dấu hiệu viêm phổi và đủ khả năng tự chăm sóc.

Là người mắc Covid-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị.

Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô-xy, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời, không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

Không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Ngoài ra, F0 phải có khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

Trường hợp người mắc Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng 2 yêu cầu trên.

Trước đây, tại Quyết định 4038/QĐ-BYT để được tự cách ly tại nhà, ngoài việc không có dấu hiệu viêm phổ, khó thở... người mắc Covid-19 còn phải đáp ứng các tiêu chí khác như: Đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc không có bệnh nền, không đang mang thai...

Như vậy, theo Hướng dẫn mới, kể cả người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ liều vắc xin... cũng có thể được tự điều trị Covid-19 tại nhà nếu có đáp ứng cấc tiêu chí lâm sàng và khả năng tự chăm sóc.

Được biết, theo báo cáo về tác động của Covid-19 công bố ngày 7/2 cho thấy, 2 năm sau đại dịch, các hệ thống y tế vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu.

Có tới 92% trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ được WHO khảo sát ghi nhận tình trạng gián đoạn trong tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, bao gồm sức khỏe sinh sản, bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em và vị thành niên, tiêm chủng, dinh dưỡng, điều trị ung thư, rối loạn tâm thần, thần kinh, HIV, viêm gan, lao, sốt rét, các bệnh nhiệt đới và chăm sóc người cao tuổi.

Ngoài ra, ngay cả khi các chương trình tiêm phòng Covid-19 được đẩy mạnh, các dịch vụ tiêm chủng thông thường khác bị gián đoạn vẫn ngày càng tăng.

Được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12/2021, kết quả cuộc khảo sát cho thấy, hệ thống y tế ở tất cả các khu vực và các quốc gia thuộc mọi mức thu nhập tiếp tục “bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, “ít hoặc không có cải thiện” so với cuộc khảo sát trước đó vào đầu năm 2021.

Tại hơn một nửa số quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, nhiều người vẫn chưa thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc tại các tuyến chăm sóc ban đầu và cộng đồng.

Sự gián đoạn đáng kể cũng đã được báo cáo trong chăm sóc khẩn cấp, đặc biệt liên quan đến những người có nhu cầu sức khỏe khẩn cấp. Trong đó, 36% các quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo tình trạng gián đoạn đối với dịch vụ xe cứu thương; 32% cho dịch vụ phòng cấp cứu 24 giờ; và 23% đối với các ca phẫu thuật khẩn cấp.

Dịch vụ phẫu thuật theo yêu cầu, như thay khớp háng và đầu gối, cũng bị gián đoạn ở 59% quốc gia và vùng lãnh thổ, và theo WHO, điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe bệnh nhân khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn.

Những gián đoạn đối với các dịch vụ liên quan giảm đau và phục hồi chức năng cũng được báo cáo ở khoảng một nửa số quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.

Thời điểm tiến hành khảo sát mới nhất trùng với thời điểm gia tăng mạnh các ca nhiễm Covid-19 ở nhiều quốc gia vào cuối năm 2021 do biến thể mới Omicron dễ lây lan, gây thêm áp lực cho các bệnh viện.

Trong khi phải tiếp tục đối mặt với những thách thức để duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu, 92% các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng báo cáo những nút thắt nghiêm trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19 thiết yếu, bao gồm chẩn đoán, phương pháp điều trị, vaccine và đồ bảo hộ.

WHO cho rằng, rào cản chính đối với phục hồi dịch vụ y tế là do các vấn đề về hệ thống y tế tồn tại từ trước đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan nhân lực y tế cũng gây cản trở cho việc tiếp cận các công cụ phòng, chống Covid-19, thí dụ như nhân viên y tế đối mặt với tình trạng kiệt sức, bị nhiễm Covid-19 hoặc bỏ việc.

Bên cạnh đó, những thách thức từ phía cộng đồng tiếp nhận, chẳng hạn như thiếu sự chấp nhận của cộng đồng, hay không có khả năng tiếp cận và chi trả, là những trở ngại lớn đối với các chương trình tiêm ngừa Covid-19.

WHO nhấn mạnh, kết quả của cuộc khảo sát lần này càng khẳng định tầm quan trọng của các hành động khẩn cấp để giải quyết những thách thức lớn đối với hệ thống y tế toàn cầu, cũng như nhằm phục hồi các dịch vụ y tế và giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19.

Tổ chức Y tế của Liên hợp quốc cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia giải quyết những nhu cầu cấp bách của hệ thống y tế để chuyển đổi theo hướng phục hồi, kết thúc giai đoạn “cấp tính” của đại dịch Covid-19, và chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp về y tế trong tương lai.

Hơn 1 triệu viên Molnupiravir tài trợ cho chương trình thí điểm điều trị F0 tại nhà
Thông qua Bộ Y tế, Công ty DB - cổ đông sáng lập Tập đoàn Ecopark tài trợ thêm 1,1 triệu viên thuốc cho chương trình thí điểm mở rộng sử dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư