Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
"Fintech Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng… hoang dã"
Hồng Phúc - 31/10/2019 17:26
 
Chia sẻ tại Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam (VIO 2019), ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM (HCA) cho rằng, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng… hoang dã khi môi trường tốt cho công ty fintech phát triển với quy mô thị trường đạt khoảng 7.8 tỷ USD vào cuối năm 2020 nhưng các chính sách lại thiếu giải pháp cụ thể thúc đẩy fintech.

Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam (VIO 2019) do HCA, Học viện Fintech Singapore, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng- ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức sáng nay tại TP.HCM.

Phát  biểu tại Hội thảo, ông Phan Tâm, Thứ Trưởng Bộ TT&TT cho biết, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Chỉ thị phát triển doanh nghiệp công nghệ số với nhiều giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ. 

.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại VIO 2019 (Ảnh: HP).

Bên cạnh Chỉ thị này, Bộ cũng đang triển khai nhiệm vụ quan trọng là thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 liên kết với Diễn đàn kinh tế Thế giới- WEF.

"Chúng tôi tin tưởng, doanh nghiệp fintech Việt Nam sẽ hiện thực hoá chủ trương Make in Vietnam với nội hàm là sáng tạo của Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, phát triển tại Việt Nam. Đây là con đường tất yếu để Việt Nam có ngành tài chính ngân hàng không chỉ mạnh mà còn tự chủ”, ông Phan Tâm nói.

TP.HCM cũng được kỳ vọng trở thành Trung tâm fintech của cả nước khi tại đây tập hợp nhiều công ty phần mềm, doanh nghiệp công nghệ, khu công nghệ và trung tâm ươm tạo công nghệ; nơi khởi nghiệp của nhiều fintech; nơi có sẵn sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên cũng như lớn nhất ở Việt Nam; có 15 ngân hàng (4 ngân hàng quốc tế) đặt trụ sở và nhiều quỹ đầu tư quốc tế,...

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đang triển khai một số giải pháp trọng tâm như xây dựng đề án TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Bởi sự phát triển của chính quyền Thành phố không theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ sẽ cản trợ sự phát triển của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Thành phố cũng đang tìm cách phát huy nguồn lực tài chính, không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách, bởi đây chỉ là vốn mồi. 1 đồng ngân sách của Thành phố có thể thu hút được khoảng 12 đồng đóng góp của xã hội. Trong tương lai, con số này được kỳ vọng có thể tăng.

Việc xây dựng Trung tâm tài chính trước hết để phục vụ sự phát triển kinh tế của TP.HCM, sau đó, phục vụ yêu cầu vốn của cả nước.

“Doanh nghiệp và ngân hàng triển khai mạnh fintech nhưng người dân vẫn chưa sử dụng nhiều. Còn nhiều lãnh đạo các cấp cũng chưa quyết tâm, chưa mong muốn áp dụng công nghệ”, ông Trần Vĩnh Tuyến nói.

Giá trị thị trường fintech Việt Nam năm 2017 khoảng 4.4 tỷ USD và dự kiến tăng 77%, ước khoảng 7.8 tỷ USD vào năm 2020.

Từ 120 công ty vào năm 2018 và tăng lên 154 công ty fintech tính đến tháng 06/2019, với tổng số vốn gọi đầu tư tại thị trường nội địa là 117 triệu USD (trong đó, lĩnh vực thương mại điện tử là 104 triệu USD).

Dù vậy, ông Lâm Nguyễn Hải Long cho rằng, hệ sinh thái fintech Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng cũng vừa non trẻ và hoang dã.

“Dù Việt Nam có môi trường tốt cho các công ty fintech phát triển. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại thiếu giải pháp cụ thể. Hiện chỉ có 2 trong 6 nước đang phát triển fintech ở khu vực là Việt Nam và Philippines chưa có cơ chế thử nghiệm (sandbox). Đây là điểm cần cải thiện trong khi các nước khác có chính sách rất cụ thể để triển khai", ông Lâm Nguyễn Hải Long chia sẻ.

Tỷ lệ sử dụng internet 69% và 72% sử dụng điện thoại thông minh, tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng thấp, chỉ 59%.
Giao dịch không dùng tiền mặt tính theo đầu người là 5,9%, trong khi Thái Lan gần 60%, Malaysia 89%,...

Theo kế hoạch đề ra, Việt Nam sẽ giảm giao dịch tiền mặt từ 01/2017 đến 2020 như giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt xuống dưới 10% tổng giao dịch; 70% thanh toán tiền điện nước, viễn thông của các cá nhân/hộ gia đình không dùng tiền mặt và 50% hộ gia đình thành thị dùng thanh toán điện tử trong các giao dịch hàng ngày.

Chủ tịch Hội tin học TP.HCM cũng đưa ra 4 rào cản của fintech Việt Nam về chính sách, vốn, kiến thức quản trị và nhận thức/tín nhiệm.

Hạn chế về chính sách như NAPAS là kênh độc quyền cho mọi giao dịch thanh toán, vay ngang hàng (P2P landing) chưa cho phép hoàn toàn bởi chỉ có ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép. 

Chia sẻ thêm về đề xuất thúc đẩy fintech cũng như ngân hàng số tại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho rằng, cơ quan Nhà nước cần sớm ban hành pháp lý và cho phép cơ chế thử nghiệm (sandbox) cụ thể về các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng số; Hệ thống đại lý uỷ thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không tiền mặt, hỗ trợ nạp tiền,…

Theo Vụ Thanh toán- Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 150 công ty fintech hoạt động đầy đủ trên các lĩnh vực tài chính như trung gian thanh toán (chiếm khoảng 60,5%), gọi vốn cộng đồng (khoảng 10,5%),...Trong lĩnh vực thanh toán, có 5 công ty chiếm đến 95% thị phần.  72% các mô hình kinh doanh của fintech Việt Nam chọn kết hợp với các ngân hàng. 

Loạt điều kiện để Fintech được áp dụng cơ chế sandbox
Sandbox là cơ chế cũng vừa được áp dụng ở Anh từ năm 2016 và có khoảng 30 quốc gia khác đang áp dụng. Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nghiên cứu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư