Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Forbes vinh danh 3 nữ doanh nhân Việt quyền lực
Hà Thu - 28/02/2014 18:07
 
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen). Việt Nam có 3 đại diện là Chủ tịch Vinamilk Mai Kiều Liên, Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh và Chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga. >

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen). Các đại diện năm nay đến từ hơn 13 quốc gia, thuộc nhiều lĩnh vực, từ sản xuất công cụ, đầu tư mạo hiểm đến xây dựng và thời trang.

Năm nay, Việt Nam có ba đại diện. Đó là bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SeAbank).

mai-kieu-lien-4916-1393572343.jpg

Bà Mai Kiều Liên đã 3 năm liên tục vào top doanh nhân nữ quyền lực châu Á. Ảnh: Forbes

Forbes bình luận Vinamilk là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất Việt Nam, đồng thời là blue-chip trên sàn chứng khoán. Kể từ khi niêm yết năm 2006, Vinamilk đã tăng trưởng đều đặn cả về doanh thu và lợi nhuận. Năm ngoái, doanh thu Vinamilk tăng 17% lên 1,5 tỷ USD. Bà Mai Kiều Liên đang nỗ lực nâng gấp đôi con số này cho đến năm 2017. Tháng 7/2013, Vinamilk đã được chấp thuận bán sản phẩm tại Mỹ, nâng số thị trường xuất khẩu lên gần 30 nước.

nguyen-thi-mai-thanh-4066-1393572343.jpg

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp REE tăng trưởng như ngày nay. Ảnh: REE

Tạp chí này cũng khen ngợi kể từ khi lãnh đạo công ty năm 1985, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ thương hiệu máy điều hòa Reetech. Đây cũng là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000. Bà Mai Thanh gia nhập REE năm 1982, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức).

Nguyen-thi-nga-1866-1393572343.jpg

Bà Nguyễn Thị Nga hiện là Chủ tịch SeAbank.

Đại diện cuối cùng của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Nga. Forbes cho biết bà là một trong những phụ nữ giàu nhất Việt Nam, nhờ tham gia vào các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, nghỉ dưỡng và bán lẻ. Bà trở thành Chủ tịch SeAbank từ năm 2007. Sau đó, bà thành lập và kiểm soát BRG - công ty điều hành 3 sân golf tại Việt Nam. Bà cũng sở hữu hai khách sạn tại Hà Nội - được điều hành bởi Hilton Hotels Worldwide, và Intimex - một công ty thương mại và bán lẻ.

Để chọn ra danh sách 50 phụ nữ quyền lực châu Á năm nay, Forbes đã dựa trên các tiêu chí: doanh thu công ty (hiếm khi dưới 100 triệu USD, thường là hàng tỷ USD), vị trí của ứng cử viên trong công ty và mức độ tham gia vào công việc. Bà Mai Kiều Liên đã lọt danh sách này từ năm 2012. Năm ngoái, Việt Nam có thêm một đại diện là bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang.

Bản lĩnh doanh nhân nữ
Số lượng doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ bị phá sản, tạm ngừng hoạt động ít hơn so với các đồng nghiệp nam giới!
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư