Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
FPT Telecom né đóng phí viễn thông
Hữu Tuấn - 04/08/2017 10:11
 
Hai năm liên tục, FPT Telecom tuy đạt doanh thu tới 12.234 tỷ đồng, nhưng vẫn nại nhiều lý do để không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Duy nhất FPT Telecom chây ỳ nộp phí

Báo cáo của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (Quỹ), từ năm 2015 đến hết tháng 6/2017 cho thấy, các doanh nghiệp viễn thông đã đóng góp 4.150 tỷ đồng vào Quỹ. Trong đó, năm 2015 có 28/29 doanh nghiệp hoàn thành xác nhận quyết toán với Quỹ, chỉ duy nhất Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) không đăng ký kế hoạch, không thực hiện báo cáo số liệu và xác nhận quyết toán, mà mới chỉ tạm nộp 210 triệu đồng vào Quỹ cho khoản đóng góp năm 2015.

Năm 2017, theo kế hoạch đã được phê duyệt, có 27 doanh nghiệp đăng ký thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Quỹ và trong 6 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp đã thực hiện nộp tiền về Quỹ. Duy nhất có trường hợp FPT Telecom là không thực hiện báo cáo số liệu, xác nhận quyết toán theo đúng quy định.

Dù doanh thu mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng, nhưng FPT Telecom vẫn chây ỳ nộp phí viễn thông công ích. Ảnh: Đ.T
Dù doanh thu mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng, nhưng FPT Telecom vẫn chây ỳ nộp phí viễn thông công ích. Ảnh: Đ.T

Đại diện Quỹ cho hay, do FPT Telecom không thực hiện kê khai doanh thu dịch vụ viễn thông, nên Quỹ này chưa xác định chính xác số tiền mà FPT Telecom còn nợ. Nhưng với kết quả doanh thu như trên, nếu bóc tách phần doanh thu kinh doanh dịch vụ viễn thông từ năm 2015 đến hết quý I/2017, thì số tiền mà FPT Telecom còn nợ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích chắc chắn cao hơn hàng trăm lần con số 210 triệu đồng mà FPT Telecom đã tạm nộp (năm 2015, FPT Telecom đạt doanh thu 5.568 tỷ đồng, năm 2016 đạt 6.666 tỷ đồng).

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam cho biết, Quỹ đã nhiều lần gửi công văn trao đổi và cử đoàn cán bộ sang làm việc để lắng nghe, cùng tháo gỡ vướng mắc, nhưng phía FPT Telecom liên tục lấy lý do lãnh đạo bận, đi vắng và xin hoãn làm việc.

Ông  Dũng cho rằng, trong khi các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ, thì FPT Telecom cố tình không thực hiện, tạo ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Kiến nghị bỏ nộp phí

Trong phiên đối thoại về "Kinh tế số - thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà bắt kịp cách mạng công nghệ 4.0" tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017 (VPSF) diễn ra đầu tuần này, ông  Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc FPT đã đề xuất  bỏ thu phí viễn thông công ích.

Theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015, phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ quy định, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, mức đóng góp là 1,5% tổng doanh thu các dịch vụ viễn thông.

Quỹ sẽ dành tiền thu được từ các doanh nghiệp viễn thông để đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, Quỹ sẽ thực hiện nhiệm vụ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích, bảo đảm quyền truy cập bình đẳng, hợp lý cho mọi người dân, hộ gia đình.

Nguồn tiền từ Quỹ còn dùng để bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai… bảo đảm các trường học, bệnh viện, UBND cấp xã trên toàn quốc đủ khả năng sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng…

Trước đó,  FPT Telecom cũng đã nêu quan điểm khi từ chối thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Quỹ theo quy định của Chính phủ. Theo ông Bùi Quang Ngọc, FPT Telecom đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng, giải trình và đề xuất bỏ quy định này, hoặc nếu duy trì thì nên áp dụng trên tinh thần tự nguyện đóng góp của doanh nghiệp.

Trả lời đề xuất này, ngay tại Diễn đàn VPSF, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, chưa thể xoá bỏ phí viễn thông công ích vì Quỹ đang được sử dụng để xây dựng hạ tầng viễn thông vào tất cả vùng sâu, vùng xa, tạo ra sự hài hoà, cân bằng, giúp xoá bỏ khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

“Phí viễn thông công ích không thể bỏ, chỉ tạo điều kiện giảm tối đa cho các doanh nghiệp. Nhà nước cần có Quỹ để cân đối lại chênh lệch giữa thành phố và nông thôn” ông Hưng khẳng định.

Trước đó, ngày 3/10/2016, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đã ký công văn gửi Hiệp hội Internet Việt Nam và Công ty FPT Telecom. Nội dung văn bản này khẳng định, các quy định về thành lập, cơ chế hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích được thể hiện rõ ràng, đầy đủ tại Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP. Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 khi xây dựng đã được gửi đến nhiều bộ, ngành tham gia nghiên cứu xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia khác và đã lấy ý kiến các doanh nghiệp viễn thông.

“Chương trình Viễn thông công ích là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã thực hiện từ nhiều năm nay, vì vậy FPT Telecom cần thực hiện nghiêm túc các quy định về đóng góp cho Quỹ”, văn bản khẳng định.

Sẽ bán vốn, sắp xếp nhiều doanh nghiệp của SCIC trong thời gian tới
Việc sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước nhằm tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư