Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Game Việt tăng tốc, cơ hội làm giàu cho giới trẻ
Hữu Tuấn - 12/03/2022 11:06
 
Game là ngành công nghiệp nội dung số trị giá hàng tỷ USD và tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người Việt.
Năm 2021, Việt Nam nổi lên như một “thủ phủ” của game ứng dụng blockchain, game NFT.

Quy mô hàng tỷ USD

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Tuy nhiên, doanh thu thực tế có liên quan tới ngành này của người Việt lớn hơn rất nhiều. 

Quy mô thị trường game toàn cầu năm 2020 là 110 tỷ USD, tăng trưởng 15,8%/năm. Vậy quy mô cao nhất của thị trường mobile game Việt Nam là bao nhiêu? Câu trả lời: đó chính là thị trường toàn cầu, bởi mobile game không có biên giới. Một game được phát hành tại Việt Nam có thể có hàng chục triệu game thủ trên toàn thế giới tải về chơi, tiền quảng cáo cũng từ khắp nơi trên thế giới, người phát hành game sẽ được chia % theo số tiền quảng cáo trên game.

“Việt Nam được xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. Nếu phát huy hết tiềm năng, chúng ta có thể đưa thị phần xây dựng mobile game Việt Nam từ 1,2% hiện nay lên 3-4% thị phần toàn cầu. Điều này có nghĩa là ngành công nghiệp phát hành mobile game của Việt Nam có thể có quy mô 3,5 - 4,5 tỷ USD/năm”, ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập, ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT phân tích.

Năm 2021, Việt Nam nổi lên như một “thủ phủ” của game ứng dụng blockchain, game NFT với hàng loạt tựa game do người Việt sản xuất, phát hành, như Axie Infinity, My DeFi Pet, Theta Arena, Mytheria…, vốn hóa hàng tỷ USD. “Ngày càng nhiều dự án game ra đời và được các quỹ đầu tư quốc tế rót vốn. Thông qua game, Việt Nam có thể xuất khẩu văn hóa ra thế giới và hoàn toàn có thể trở thành thủ phủ game thế hệ mới”, bà Lynn Hoàng,  Giám đốc Binance Đông Nam Á nhận định.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, CEO Công ty Sky Mavis, Việt Nam là một trong những thị trường màu mỡ cho ngành công nghiệp game, với lợi thế về dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới. Năm 2021 cho thấy những tác động mạnh mẽ của game blockchain và mang đến làn gió mới để đưa game Việt Nam ra toàn cầu.

Trong khi đó, ông Dương Vi Khoa, Phó chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nhận định, thị trường game Việt Nam đang phát triển bứt phá nhờ công nghệ livestream, bắt đầu phát triển lên hệ thống game thi đấu và dần được công nhận là một môn thể thao điện tử tại nhiều cuộc thi lớn trên thế giới và khu vực như SEAGames, ASIAD…

Một khảo sát của Vero tiết lộ, Việt Nam có tỷ lệ người trưởng thành chơi game thuộc nhóm cao nhất thế giới, đạt 85%. Ước tính nhân sự phục vụ ngành game khoảng 23.000 - 28.000 người, gồm cả full-time, part-time, freelancer... Có thể thấy, ngành công nghiệp game đang mở ra vô vàn cơ hội việc làm, làm giàu cho giới trẻ và các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam.

Tạo ra thế hệ làm giàu từ sáng tạo nội dung số

Với sự phát triển mạnh của ngành nội dung số game, các doanh nghiệp Việt Nam đang vô cùng thiếu nhân sự liên quan tới game. “Hiện có khoảng 300 game NFT đang triển khai xây dựng game, nhưng các studio tốt tại Việt Nam không thể kham nổi. Chúng tôi phải dời kế hoạch phát hành vào quý IV/2022, trễ 6 tháng so với kế hoạch”, giám đốc một dự án game NFT cho biết.

Hiện tại, nhân sự phục vụ ngành game rất khiêm tốn và chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của ngành. Các doanh nghiệp Việt buộc phải tuyển dụng nhân sự tại các thị trường nước ngoài hoặc thuê nước ngoài gia công game.

Còn trong nước, các studio sản xuất game liên tục ở các vị trí tuyển dụng như Systems Designer, UI Designer, Game Developer, Game Designer... Trong đó, các vị trí có mức lương hấp dẫn phải kể đến như Game Programmer (lập trình game), Game Designer (nhà thiết kế game) với mức lương 449 triệu đồng/năm, Game Developer (nhà phát triển game) với 187 triệu đồng/năm, Game Artist (nghệ sĩ thiết kế game) khoảng 389 triệu đồng/năm…, nhưng luôn trong tình trạng không đủ người.

Ngoài việc đào tạo chưa theo kịp nhu cầu bùng nổ, theo ông Đỗ Cao Bảo, nguyên nhân còn là định kiến của xã hội, của các cơ quan quản lý còn nặng nề, dẫn đến các công ty sản xuất mobile game khó thu hút nhân tài. Định kiến game là xấu, chơi game là có hại đã khiến các trường đại học không có chương trình đào tạo chính quy nguồn lực cho phát triển ứng dụng mobile game, các phụ huynh không ủng hộ con đi theo con đường phát triển các mobile game, nhiều bạn trẻ chỉ dám làm âm thầm, không cởi mở chia sẻ công việc của mình.

“Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa công nhận trên báo cáo chính thức mobile game là một ngành công nghiệp trong các ngành kinh tế số, dù nó tạo ra cả tỷ USD ngoại tệ cho đất nước. Không công nhận thì tất nhiên không có hỗ trợ, không có chiến lược phát triển, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực”, ông Bảo chia sẻ.

Bên cạnh việc tạo hàng chục ngàn việc làm, ngành game cũng đang tạo ra một ngành sáng tạo, khai thác nội dung số từ game. Đó là các game thủ, stremer như ViruSs, Dũng CT, Thầy Giáo Ba, PewPew, Xemesis, Linh Ngọc Đàm, Nam Blue, Độ Mixi, Cris Phan…, với doanh thu đến từ chơi game, livestream, quảng cáo… có thể đạt 3-10 tỷ đồng/năm/người (3,6-5 tỷ đồng/năm).

Báo cáo Tổng quan Gaming Creators Việt Nam của Appota nhận định, các Creators (nhà sáng tạo nội dung) khi livestream trên các nền tảng, ngoài việc nhận được lương stream cố định, có thể nhận được phần doanh thu chia sẻ từ các quảng cáo ad-break chạy trên livestream. Có đến 40% Creators trả lời rằng, họ đã nhận được doanh thu cộng hưởng từ công việc và danh tiếng. Nguồn doanh thu đó có thể đến từ các hợp đồng quảng cáo, tham gia sự kiện hoặc từ các nhà tài trợ, với con số từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, game đang trở thành một ngành mới nổi trong kinh tế số, vì vậy, cần thay đổi cách nhìn, có chiến lược phát triển và đầu tư cho ngành công nghiệp số này.

Năm 2021, tổng doanh thu ngành game toàn thế giới ước đạt 180,3 tỷ USD.

Dự báo năm 2024, toàn ngành sẽ đạt tổng doanh thu 218,8 tỷ USD, trong đó:

- Game di động ước đạt 116,4 tỷ USD

- Trò chơi điện toán đám mây 6,5 tỷ USD

- Thể thao điện tử 1,6 tỷ USD

Các ông lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc “cày xới” thị trường game Việt
Thị trường game Việt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng chiếc bánh khổng lồ này vẫn do các ông lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư