Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Gánh họa vì chữa bệnh theo “truyền miệng”
Dương Ngân - 09/05/2022 09:31
 
Nhẹ thì nhập viện, sức khỏe suy giảm, nặng thì tử vong. Đó là các hệ lụy sức khỏe do chữa bệnh dựa theo các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng mà nhiều người đang gặp phải.
Một bệnh nhân phải cấp cứu vì tự mua thuốc điều trị bệnh theo “hướng dẫn” trên mạng
Một bệnh nhân phải cấp cứu vì tự mua thuốc điều trị bệnh theo “hướng dẫn” trên mạng

Tin nhầm “thánh nổ”

Đại diện Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, cách đây ít ngày, các bác sỹ của Bệnh viện đã tiến hành cấp cứu cho nam thanh niên D.A.T (17 tuổi), trú tại thị xã Đông Triều, bị ngộ độc sau khi uống một loại thuốc được quảng cáo trên mạng có thể điều trị Covid-19.

Theo đó, vào sáng 1/5, anh T. phát hiện mình bị mắc Covid-19 và nghe một số người mách uống loại thuốc có nhãn mác bằng chữ Trung Quốc sẽ kháng được virus. Bệnh nhân đã đi mua loại thuốc nói trên và uống được 15 phút thì có biểu hiện lơ mơ, sau đó hôn mê, gọi hỏi không biết.

Đại biện Bệnh viện cho hay, hiện nay có rất nhiều trường hợp người mắc Covid-19, nhưng không khai báo y tế để được hướng dẫn, chỉ định điều trị, mà tự uống thuốc theo truyền miệng hay theo toa thuốc trên mạng xã hội.

Theo bác sỹ Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K Trung ương, mỗi người cần phải thực sự tỉnh táo với những thông tin thuốc được quảng cáo trên mạng. Khi nghi ngờ hoặc có dấu hiệu bệnh tật phải đến các cơ sở y tế để thăm khám, chứ không tùy tiện tin tưởng vào các thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian ảo để “tiền mất, tật mang”.

Việc làm này rất nguy hiểm, vì trên thực tế có nhiều loại thuốc rất khó xác định được tác dụng của các thành phần thuốc, chưa được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và Bộ Y tế cấp phép. Do đó, khi uống các loại thuốc nói trên không điều trị được bệnh, mà còn khiến bệnh trở lên nghiêm trọng và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) vừa xử trí cấp cứu, can thiệp lọc máu liên tục, cứu sống bệnh nhân V.A.P (41 tuổi).

Theo lời người nhà, bệnh nhân P. đã từng đi khám tuyến trung ương, được kết luận suy thận cấp cần điều trị chạy thận nhân tạo. Thế nhưng, thay vì đến viện điều trị, bệnh nhân ở nhà uống thuốc Nam theo các lời quảng cáo “có cánh” trên mạng.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ (39 tuổi, trú tại tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng vỡ loét, hoại tử vùng ngực do tự ý đắp thuốc Nam để điều trị ung thư vú.

Việc tự ý dùng thuốc phổ biến với các bệnh của trẻ em. Theo các bác sỹ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều phụ huynh khi thấy con bị ốm liền lên mạng tìm kiếm đơn thuốc về sử dụng. Trong số các tên thuốc mà “bác sỹ Google” đưa ra có rất nhiều loại kháng sinh, hậu quả khiến cho tình trạng kháng thuốc ở trẻ trở nên trầm trọng.

Có bà mẹ còn nghe theo lời mách bảo của “bác sỹ mạng” là rắc thuốc bột trị viêm tai cho trẻ. Trong khi đó, theo bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, việc rắc bột vào tai của trẻ có thể gây biến chứng viêm não. Vì khi rắc thuốc bột vào tai, những tá dược có trong thuốc viêm sẽ gây bít tắc dẫn lưu dịch, dẫn tới tình trạng dịch viêm không thoát được ra ngoài sẽ phá hủy sang phần xương chũm của tai giữa, gây viêm xương chũm, hay thậm chí gây biến chứng nội sọ.

Dùng phải chất cấm

Mới đây, một phụ nữ 75 tuổi có tiền sử đái tháo đường 15 năm và dùng thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ, song thời gian gần đây, người bệnh nghe theo các “lang băm” trên mạng mà tự ý bỏ điều trị, sử dụng thuốc Nam, dẫn đến ngộ độc chất cấm. Sau 1 tháng sử dụng thuốc Nam nói trên, cụ có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân, nên gia đình đã đưa đến cấp cứu tại bệnh viện. Qua quá trình thăm khám, bác sỹ chẩn đoán cụ bà bị ngộ độc phenformin - một loại thuốc đái tháo đường cũ đã bị cấm cách đây 30 năm. Sau khi xét nghiệm, viên thuốc Nam người bệnh sử dụng có thành phần phenformin.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ, 32 tuổi, ngộ độc chì mạn tính, phải nhập Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Theo lời người nhà, trước đây nữ bệnh nhân chưa phát hiện bệnh lý. Khoảng 5 tháng nay, chị xuất hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau bụng vùng thượng vị từng cơn, đặc biệt hay đau ban đêm, ăn uống kém, có lúc buồn nôn và nôn. Bệnh nhân đã đi khám tại một số nơi được chẩn đoán viêm dạ dày, cho đơn thuốc ngoại trú về uống, nhưng không đỡ.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chì mạn tính/viêm dạ dày, được điều trị theo phác đồ, bệnh tiến triển tốt lên.

Bác sỹ Vũ Xuân Diệu - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, nguyên nhân ngộ độc chì thường do sử dụng thuốc cam, thuốc sài không rõ nguồn gốc. Về điều trị, tùy mức độ bệnh, mức độ nặng sẽ có điều trị hồi sức, điều trị đặc hiệu (thuốc gắp chì) còn mức độ nhẹ sẽ được điều trị triệu chứng và theo dõi nồng độ chì trong máu, đặc biệt phải xác định được nguyên nhân gây tình trạng nhiễm độc để khắc phục. Vì thế, người dân không nên dùng các thuốc cam, thuốc Nam, thuốc Bắc không rõ nguồn gốc.

Với thói quan dùng thuốc theo “truyền miệng” hay “bác sỹ Google”, bác sỹ Quang Hải, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết, tự dùng thuốc luôn hàm chứa mối đe dọa nguy hiểm vì nó có thể trở thành sự lạm dụng thuốc với các tác hại khôn lường. Khi ấy, bệnh nhẹ trở thành nặng vì không được chữa trị đúng cách. Bên cạnh đó, dùng thuốc không đúng còn che lấp dấu hiệu “cấp cứu ngoại khoa” (tức là phải được nhập viện để được mổ gấp).

Trường hợp dùng đơn thuốc của người khác (nhất là đơn thuốc tham khảo trên mạng) để tự chữa bệnh cũng là việc làm nguy hiểm, bởi mỗi đơn thuốc chỉ dành cho một cá nhân trong một thời điểm cụ thể, không dùng được cho người khác.

Nỗi lo thuốc giả, thuốc kém chất lượng
Nhu cầu thuốc điều trị tăng cao trong khối cảnh dịch bệnh phức tạp dường như đã tạo cơ hội cho các đối tượng kinh doanh chụp giật, trục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư