Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Nỗi lo thuốc giả, thuốc kém chất lượng
Dương Ngân - 18/12/2021 06:32
 
Nhu cầu thuốc điều trị tăng cao trong khối cảnh dịch bệnh phức tạp dường như đã tạo cơ hội cho các đối tượng kinh doanh chụp giật, trục lợi có “đất sống”.
Nhiều loại thuốc giả ghi xuất xứ nước ngoài để đánh lừa người tiêu dùng
Nhiều đối tượng làm giả, nhập lậu thuốc điều trị Covid-19, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhiều chiêu trò

Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều đối tượng làm giả, nhập lậu thuốc điều trị Covid-19, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây dạng này và cảnh báo người dân cẩn trọng.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), vừa qua, lực lượng quản lý thị trường tại Hà Nội, Hà Nam, Lạng Sơn liên tiếp triệt phá nhiều vụ sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh với số lượng, quy mô lớn. Đáng chú ý, từ những nguyên liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, các cơ sở này đã cho ra thị trường những sản phẩm thuốc điều trị ho, huyết áp, đau đầu, viêm họng, mất ngủ…, bán chủ yếu qua kênh trực tuyến, với vỏ bọc “thuốc chữa bệnh gia truyền” hòng đánh lừa người tiêu dùng.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo người dân khi mua thuốc cần quan sát kỹ thuốc, kiểm tra hạn sử dụng của thuốc để tránh dùng thuốc hết hạn, cảnh giác với những thuốc có giá thấp bất thường. Nếu có nghi ngờ, nên nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.

Bác sĩ Nguyên cũng đề xuất các cơ quan quản lý cần làm mạnh hơn nữa trong việc thanh, kiểm tra chất lượng dược phẩm ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm, tạo hàng rào ngăn chặn sản phẩm giả, kém chất lượng tiếp cận người dùng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro về sức khỏe có thể gặp phải.

Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường và công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp triệt phá thành công tụ điểm sản xuất, kinh doanh thuốc đông y trên địa bàn. Khám xét cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng đã thu giữ 4.000 lọ thuốc đông y trị viêm xoang, chữa phụ khoa; hơn 2.000 hộp thuốc đông y trị viêm họng, mất ngủ; hơn 1.500 gói đông y thảo dược trị bệnh trĩ, xương khớp; các loại thuốc trị viêm mũi, giảm cân, tiểu đường và gần 500 kg bột nguyên liệu, viên nén các loại đã bào chế sẵn không rõ nguồn gốc hoặc trên bao bì có in tiếng nước ngoài, cùng nhiều vỏ hộp đã in sẵn, ghi nhãn bằng tiếng Việt Nam.

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 29C - 447.75 chở hàng từ kho ALS, Cảng hàng không Nội Bài về ki ốt 12, chung cư Vinaconex 3 (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có vận chuyển 299.900 đơn vị thuốc chữa bệnh có xuất xứ Hàn Quốc, gồm thuốc trị ho, huyết áp, đau đầu, thực phẩm chức năng giảm cân, miếng dán vết thương và các viên nén nhiều màu chưa rõ công dụng được đóng trong túi nilon.

Ngoài ra, gần đây, các bệnh viện còn liên tục phản ánh về tình trạng nhiều website, tài khoản mạng xã hội đã mạo danh một số bác sĩ để tư vấn bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng.

Cuối tháng 11/2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lên tiếng cảnh báo về tình trạng giả danh thuốc của Bệnh viện. Theo phản ánh, một người đàn ông tên là T.V.Đ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có vợ bị tăng huyết áp. Ông Đ. xem quảng cáo trên YouTube, thấy giới thiệu thuốc chữa bệnh cao huyết áp, chỉ dùng 1 liều là khỏi vĩnh viễn. Người bán hàng tự xưng là bác sĩ làm việc tại Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), nên ông Đ. tin tưởng và đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận thuốc, trên vỏ hộp lại ghi trị bệnh tiểu đường. Để làm rõ sự việc, ông Đ. liên hệ với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thì mới phát hiện mình bị lừa.

Ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tình trạng sản xuất hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, trong đó có thuốc chữa bệnh, thuốc đông y diễn ra phức tạp. Những tụ điểm sản xuất thường nằm sâu trong ngõ, khu vực xa dân cư, nên việc kiểm tra, phát hiện, bắt giữ gặp nhiều khó khăn.

Ở một số vụ việc, các đối tượng mua bao bì, chai, lọ, dán nhãn mác sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài nhằm đánh lừa người tiêu dùng, cũng như lợi dụng tâm lý “sính hàng ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng để thu lợi bất chính.

Tuyệt đối không mua thuốc online

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế TP. Hà Nội cho biết, theo quy định, thuốc là mặt hàng không được bán online và việc quảng cáo thuốc dưới hình thức lấy hình ảnh nhân viên nhà thuốc, thư mời, bác sĩ giới thiệu cũng bị nghiêm cấm. Do đó, người dân phải cảnh giác với những website hay trang mạng xã hội rao bán thuốc; tìm hiểu kỹ về chất lượng thuốc, tình trạng pháp lý của cơ sở kinh doanh dược phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, gây nguy hại đối với sức khỏe.

Để kiểm soát tốt chất lượng thuốc chữa bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao nhận thức về thuốc, luôn khám bệnh và nhận tư vấn, kê đơn của bác sĩ; chọn mua thuốc ở những cơ sở lớn, có tên tuổi, địa chỉ tin cậy; xem kỹ thời hạn sử dụng ghi trên sản phẩm; ghi nhớ thông tin về những loại thuốc đã bị làm giả, thuốc kém chất lượng do cơ quan quản lý dược công bố để tránh “tiền mất tật mang”. Người dân tuyệt đối không mua thuốc “xách tay”, thuốc được bán qua mạng Internet...

Cựu tổng giám đốc Vinaca lĩnh 22 năm tù vì sản xuất thuốc giả
Nguyễn Xuân Thu phủ nhận mọi cáo buộc, khai được trả 10 tỷ USD để nghiên cứu thuốc chữa ung thư Vinaca.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư