Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giá dầu đẩy lạm phát Mỹ tăng cao nhất trong 40 năm
Lê Quân - 11/03/2022 14:10
 
Lạm phát Mỹ tiếp tục tăng cao trong tháng 2 trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang khiến nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn và áp lực giá cả ngày càng lớn.
Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng dầu trung bình tuần này đã vượt 4,170 USD/gallon. Ảnh: AFP
Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng dầu trung bình tuần này đã vượt 4,170 USD/gallon. Ảnh: AFP

Theo Cơ quan Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 40 năm qua. Tháng 2 chứng kiến lạm phát Mỹ tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/1982 do nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với mối đe dọa kép là lạm phát tăng cao còn tăng trưởng kinh tế thấp đi.

So với tháng 1, CPI tháng 2 của Mỹ tăng thêm 0,8%. Trước đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát đã dự đoán lạm phát toàn phần của Mỹ trong tháng 2 sẽ tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,7% so với tháng trước.

Theo Bộ Lao động Mỹ, giá thực phẩm đã tăng 1% trong tháng 2 còn giá thực phẩm giao tại nhà tăng 1,4%. Đây là hai mức tăng hàng tháng nhanh nhất kể từ tháng 4/2020 - thời điểm Mỹ mới chớm đại dịch Covid-19.

Đáng nói, năng lượng dẫn đầu các mặt hàng mức giá tăng 3,5% trong tháng 2 và đóng góp khoảng 1/3 mức tăng lạm phát toàn phần trong tháng. Trong khi đó, chi phí lưu trú, chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng CPI, tăng thêm 0,5% trong tháng 2 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 5/1991.

Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát lõi của Mỹ trong tháng 2 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,5% so với tháng 1. Mức tăng này khớp với dự đoán của Phố Wall.

Ông Mike Loewengart, Giám đốc điều hành chiến lược đầu tư tại Công ty dịch vụ tài chính E-Trade cho rằng: "Lạm phát đang tăng nóng nhưng thực tế là không có bất ngờ nào đối với thông tin này". "Thị trường có thể đã lường trước được việc lạm phát tăng cao hơn, nên đang dồn sự chú ý vào khủng hoảng Ukraine và các tác động đến hạ nguồn chuỗi cung ứng hàng hóa, một vấn đề đã gây ra những chấn động thị trường".

Công bố lạm phát tháng 2 của Bộ Lao động Mỹ trái ngược với kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách, bởi trước đó họ dự đoán lạm phát sẽ thuyên giảm do các vấn đề về chuỗi cung ứng đã phần nào được giải quyết. Đơn cử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York đã nhận định trong báo cáo chỉ số chuỗi cung ứng rằng áp lực chuỗi cung ứng năm nay đã giảm bớt, nhưng trên thực tế áp lực này vẫn đang ở gần mức cao nhất trong lịch sử.

Chiến sự Nga - Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở châu Âu, đồng thời dội những áp lực giá cả đối với Mỹ, nhất là mặt hàng xăng dầu. Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng dầu tại các trạm bơm đã tăng khoảng 24% trong tháng qua và 53% trong năm qua. Tuần này, giá xăng dầu tại Mỹ đã vượt 4,173 USD/gallon. Kỷ lục trước đó là 4,114 USD/gallon được thiết lập vào tháng 7/2008.

Để ngăn chặn lạm phát, Fed dự kiến công bố lần đợt tăng lãi suất đầu tiên trong năm 2022 vào tuần tới và đây cũng sẽ là lần đầu tiên cơ quan này tăng lãi suất trong hơn 3 năm qua kể từ khi đưa lãi suất cơ bản về 0 và tung ra các gói kích thích tài khóa lớn chưa từng có để giúp nền kinh tế Mỹ chống đỡ tác động của đại dịch.

Lạm phát Mỹ tiếp tục tăng trong năm 2022
Mỹ kết thúc năm 2021 với mức lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư