Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Giá dầu thô Brent áp sát mốc 85 USD/thùng
Lê Quân - 12/10/2021 16:25
 
Giá dầu thô Brent và dầu thô WTI của Mỹ tiếp tục tăng và áp sát mốc 85 USD/thùng trong bối cảnh châu Âu và châu Á vẫn loay hoay tìm nguồn cung năng lượng cho mùa đông.
Dầu Brent giao dịch theo giờ châu Á chiều nay vững giá ở mức 83,61 USD/thùng. Ảnh: AFP
Dầu Brent giao dịch theo giờ châu Á vững giá ở mức 83,61 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều 12/10. Ảnh: AFP

Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á chiều nay 12/10 sụt giảm, nhưng không đáng kể. Dầu thô Brent giao sau vững giá ở mức 83,61 USD/thùng, còn dầu WTI giao sau của Mỹ trượt giá 0,15% xuống còn 80,40 USD/thùng.

Giá dầu gần đây vọt tăng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) tuần trước đã có quyết định đi ngược kỳ vọng của các nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu mỏ, bởi liên minh này nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong như cũ.

Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu phục hồi góp phần gây ra tình trạng thiếu điện ở các nền kinh tế lớn, nhất là tại Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng điện và than ở Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn bởi giá than giao sau ở nước này đạt kỷ lục mới vào ngày 11/10 sau khi 60 mỏ than ở cứ điểm sản xuất than hàng đầu của nước này buộc phải đóng cửa do mưa lớn, lũ lụt, và lở đất.

Cụ thể, giá than giao sau (chủ yếu dùng để sản xuất điện) trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay khi tăng 12% lên 1.408 nhân dân tệ/tấn (tương đương 219 USD/tấn) trong ngày giao dịch 11/10. Mức giá này cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm.

Diễn biến thời tiết bất lợi cho hoạt động sản xuất than tại Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt than cho các nhà máy điện, và kéo theo nguy cơ làm chậm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Mặt khác, sau khi trượt nhẹ vào cuối tuần trước, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng trở lại trong ngày giao dịch đầu tuần 11/10 khi xuất hiện những dự báo rằng thời tiết sẽ lạnh hơn và nhu cầu khí đốt sưởi ấm sẽ gia tăng.

Theo dữ liệu mới nhất mà Tập đoàn tài chính Hà Lan ING trích dẫn từ báo cáo của Tổ chức hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), các địa điểm lưu trữ khí đốt trên toàn châu Âu hiện chỉ đạt mức 76%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm qua là gần 91%.

Nguồn cung than và khí đốt tự nhiên trên thế giới hạn hẹp đã làm gia tăng triển vọng dịch chuyển từ sử dụng khí đốt sang dầu mỏ. Xu hướng này càng đẩy nhu cầu dầu mỏ lên cao và giá dầu vì thế cũng leo thang.

Các nhà phân tích chiến lược tại Ngân hàng Saxo cho rằng thị trường dầu thô "khởi động tuần này đầy mạnh mẽ khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tiếp tục làm gia tăng triển vọng chuyển đổi nhu cầu từ sử dụng khí sang dầu mỏ, trong bối cảnh OPEC+ vẫn duy trì tốc độ tăng sản lượng hàng tháng ở mức khiêm tốn".

Nhóm chuyên gia này dự đoán, khi dầu WTI đã được giao dịch ở đỉnh giá của 7 năm qua, thì dầu Brent rất có thể nhắm đến mức cao nhất năm 2018 là 86,74 USD/thùng.

Ở góc độ kinh tế vĩ mô, ông Tapas Strickland, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cảnh báo, giá năng lượng gần đây tăng vọt đang làm dấy lên lo ngại rằng sự gia tăng tạm thời của lạm phát thời Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài.

OPEC+ duy trì mức tăng sản lượng dầu mỏ theo thoả thuận
Bất chấp nhu cầu tiêu thụ và giá dầu tăng mạnh, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) nhất trí duy trì mức tăng sản lượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư