Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Giá dịch vụ khám chữa bệnh: Đại biểu lo, Bộ trưởng "hứa" có lộ trình phù hợp
Nguyễn Lê - 06/01/2023 19:27
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình cuối phiên thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh chiều 6/1 của Quốc hội.
.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại nghị trường.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ giao Chính phủ quy định lộ trình cụ thể của việc tính đúng, tính đủ giá khám chữa bệnh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm xã hội, của ngân sách và khả năng của người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định như trên khi giải trình cuối phiên thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh chiều 6/1 của Quốc hội.

Tại đây, khá nhiều ý kiến còn lo ngại về quy định tự chủ bệnh viện và giá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Ở báo cáo gần nhất gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đề xuất chỉnh lý quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại điều 110.

Theo đó, khoản 2 điều này quy định giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các chi phí sau đây:

a) Chi phí nhân công, bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định;

b) Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác;

c) Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định;

d) Chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định; chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin; chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; chi phí quản lý chất lượng; lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 110 cũng quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Dự thảo cũng quy định những bệnh viện được gọi là tự chủ cao nhất thì được quyền xác định giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong phạm vi khung giá hay mức giá cao nhất của Bộ Y tế quy định.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu quy định như thế có 2 điều mâu thuẫn.

Thứ nhất, nếu tất cả các dịch vụ y tế của bệnh viện tự chủ đều được xác định ở một mức giá cao hơn là giá do Nhà nước ấn định thì đã loại bỏ cơ hội cho những người thu nhập thấp sẽ không thể nào tiếp cận được những bệnh viện tự chủ.

Thứ hai, vì giá dịch vụ này cao nhưng lại không vượt quá khung của Nhà nước quy định và như vậy có một số dịch vụ cần có thể sử dụng những biện pháp kỹ thuật cao, cần có chất lượng cao hơn, cần phải có chi phí nhiều hơn nữa thì cũng không thực hiện được.

Như vậy, những người dân có khả năng chi trả, muốn được sử dụng những dịch vụ cao hơn hẳn cũng không đáp ứng được và người ta phải sang khu vực bệnh viện tư nhân.

Do vậy, đại biểu Cường đề nghị nên quy định đối với giá dịch vụ y tế các bệnh viện tự chủ thì phải phân thành 2 loại. Loại thứ nhất là giá dịch vụ cơ bản là đáp ứng cho phần đông mọi đối tượng khám, chữa bệnh và mức giá này không được vượt quá mức giá quy định của Nhà nước theo một tỷ lệ nhất định, để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận những bệnh viện có chất lượng cao.

Loại thứ hai là giá dịch vụ theo yêu cầu thì không nên giới hạn nằm trong mức giá cao nhất của nhà nước, mà tùy theo đơn vị đó cung cấp chất lượng ra sao, khách hàng mong muốn như thế nào thì đưa mức giá hoàn toàn theo khả năng đáp ứng của bệnh viện.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn còn đang rất loay hoay.

Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định nếu giải quyết được nội dung về giá dịch vụ khám chữa bệnh thì sẽ giải quyết được những vấn đề căn cơ, khó khăn đối với các bệnh viện trong thời gian vừa qua.

Dự thảo luật, theo Bộ trưởng đã được chỉnh lý theo hướng quy định về các yếu tố hình thành giá theo hướng tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, luật sẽ quy định giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể của việc tính đúng, tính đủ.

"Hiện nay, chúng ta mới tính được 2/4 yếu tố là nhân công và chi phí trực tiếp. Còn các chi phí liên quan đến khấu hao và quản lý thì chưa được tính trong giá thành. Nội dung này thì cũng đã được tiếp thu để làm sao cố gắng giao cho Chính phủ có một lộ trình cụ thể để giải quyết vấn đề này phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm xã hội, của ngân sách và khả năng của người dân", bà Lan cho biết.

Trên cơ sở lộ trình do Chính phủ quy định thì Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán như là giá thanh toán đối với khám, chữa bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua của Bộ Y tế và các bộ khác. HĐND cấp tỉnh sẽ quy định giá dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn của tỉnh quản lý nhưng không được vượt qua mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh tương ứng do Bộ Y tế quy định.

Cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thì được tự quyết định giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu và cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì được quyết định giá theo luật hiện hành. Nhưng sẽ quy định các vấn đề liên quan đến kê khai, niêm yết công khai giá theo quy định của pháp luật về giá và tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đối với pháp luật về giá, Bộ trưởng thông tin.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu, chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư