Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Gia hạn thời hạn sử dụng vắc-xin Abdala từ 6 tháng lên 9 tháng
D.Ngân - 28/02/2022 14:02
 
Ngày 28/2, Bộ Y tế thông tin về việc gia hạn sử dụng vắc-xin Abdala từ 6 tháng lên 9 tháng. Đây là loại vắc-xin được các nhà khoa học Cuba phát triển.

Trước đó, ngày 8/10/2021 Bộ Y tế đã có Quyết định số 4749/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vắc-xin Abdala cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, hạn dùng theo hướng dẫn sử dụng là 6 tháng ở điều kiện bảo quản 2 - 8 độ C.

Gia hạn vắc-xin Abdala từ 6 tháng lên 9 tháng.

Bộ Y tế thông tin, cũng như các vắc-xin phòng Covid-19 khác, vắc-xin Abdala được nghiên cứu và phê duyệt theo hình thức cuốn chiếu, nghĩa là phê duyệt cho những phần đã hoàn thiện trong khi nhà sản xuất vẫn tiếp tục nghiên cứu bổ sung.

Trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá độ ổn định liên quan đến hạn dùng của vắc-xin được bổ sung, các cơ quan chuyên môn đã xem xét thẩm định, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1299/QLD-KD ngày 23/2/2022 về việc đồng ý tăng hạn dùng của vắc-xin Abdala từ 6 tháng lên 9 tháng ở điều kiện bảo quản 2 - 8 độ C.

Bộ Y tế khẳng định việc tăng hạn dùng đối với vắc-xin Abdala không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vắc-xin.

Trước đó, việc gia hạn vắc-xin Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của một số người dân do việc cung cấp thông tin chưa rõ ràng của Bộ Y tế. Chỉ đến khi thông tin được khẳng định lại và giải thích rõ ràng từ những người có trách nhiệm và các chuyên gia y tế thì người dân mới yên tâm.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vắc-xin phòng Covid-19 Abdala sẽ được tiêm cho người từ 19 đến 65 tuổi. Chống chỉ định được đưa ra đối với người dưới 19 tuổi, người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc-xin...

Người tiêm vắc-xin sẽ nhận 3 liều, tiêm cách nhau 14 ngày. Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm vắc-xin Abdala bao gồm những người có bệnh nền mãn tính, người mắc bệnh tự miễn hoặc chuyển hóa nội tiết, tăng huyết áp, nhiễm trùng cấp tính. Phụ nữ có thai cần cân nhắc lợi ích của việc tiêm vắc-xin Abdala trong thai kỳ so với rủi ro tiềm ẩn đối với thai phụ và thai nhi. 

Abdala là vắc-xin thứ 8 được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp hôm 17/9 trong điều kiện cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, Việt Nam đã phê duyệt 7 loại vắc-xin là AstraZeneca, Pfizer, Sputnik V, Moderna, Janssen, Sinopharm, Hayat-Vax; sau Abdala là Covaxin của Ấn Độ.

Đây là loại vắc-xin được các nhà khoa học Cuba phát triển và trực tiếp tiêm phòng cho đội ngũ nhân viên y tế nước này gồm 141.000 người từ tháng 3 vừa qua. Tới tháng 5/2021, chương trình vắc-xin của Cuba đã được mở rộng cho tất cả người dân nước này.

Sau khi tiêm vắc-xin Abdala, phản ứng thể nhẹ chiếm 97% và không phải điều trị bằng thuốc. 

Các phản ứng như đau, đỏ cứng tại chỗ tiêm, nhức đầu, nhức toàn thân, buồn ngủ, tăng huyết áp, và mệt mỏi thường xuất hiện từ 24 đến 48 giờ sau khi tiêm. Rất ít biến chứng bất lợi; các phản ứng như buồn nôn, đau khớp xảy ra ít, chỉ khoảng 0,1%.

Bộ Y tế Cuba ngày 27/2 cho biết, nước này vừa đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp không có ca tử vong nào do Covid-19. 

Theo thống kê chính thức, 1.058.160./1.069.387 bệnh nhân trong số này đã được chữa khỏi, đạt tỷ lệ 99%. Cuba hiện chỉ còn 2.674 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị.

Trong những tuần gần đây, các chỉ số dịch tễ học chính thức trùng khớp với dự báo của các chuyên gia Cuba, phản ánh xu hướng giảm các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát hiện tại do sự hiện diện của biến thể Omicron.

Chính phủ Cuba nhận định yếu tố lớn nhất đóng góp vào thành công của nước này trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 tính tới thời điểm hiện tại là các vắc-xin do Cuba tự sản xuất.

Gần 90% trong số 11 triệu 180 nghìn người dân Cuba đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa Covid-19, trong đó khoảng 6 triệu người đã được tiêm liều thứ tư.

Cuba sẽ cung ứng lượng lớn vaccine Abdala cho Việt Nam, sẵn sàng chuyển giao công nghệ
Cuba nỗ lực từ nay tới cuối năm 2021 cung ứng số lượng lớn vaccine Abdala phòng Covid-19 của Cuba và sẵn sàng cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư