Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Giá hàng hóa không ngừng “nhảy múa”
Thế Hoàng - 18/11/2021 08:36
 
Nhiều loại hàng hóa thiết yếu đang chịu sức ép tăng giá, mà nguyên nhân chính là sự leo thang của giá nhiên liệu (xăng, dầu, gas) và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Ảnh minh họa
Đến nay giá xăng A95 tăng 9.390 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 9.010 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 7.500 đồng/lít.

Sức ép tăng giá

Mặt bằng giá cả nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong những ngày qua liên tục “nhảy múa”. Dễ thấy nhất là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, rau củ, gạo, dầu ăn… đều tăng 10-20% so với tháng trước.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu. Đặc biệt, giá cước vận tải biển tăng “phi mã”, lập tức tác động đến giá thành sản xuất, buộc doanh nghiệp phải tăng giá.

Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Minh (Nam Định), chuyên cung cấp các loại thực phẩm chế biến cho hay, sức ép điều chỉnh tăng giá hàng hóa với doanh nghiệp là rất lớn. Nếu không tăng sẽ không bù đắp được chi phí sản xuất đã tăng quá cao.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung - cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính điều hành linh hoạt giá xăng dầu theo diễn biến giá thế giới, cần linh hoạt, hợp lý trong việc tính toán mức trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu.

Theo ông Hoàng Mạnh Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Bình Minh, tăng giá là điều doanh nghiệp không hề muốn, nhưng nếu duy trì giá bán cũ, doanh nghiệp sẽ không thể trụ nổi do chi phí sản xuất đè nặng.

Một hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội cho hay, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều nhà cung ứng hàng hóa thiết yếu đã đề nghị tăng giá bán, trong đó chủ yếu là nhóm hàng nhập khẩu, thực phẩm tươi sống với mức tăng 8-9%.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, xu hướng tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và khiến giá thành phẩm cao hơn, qua đó đẩy giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngoại trừ thịt lợn giảm giá do lượng cung tồn đọng nhiều từ những tháng trước, khiến người chăn nuôi muốn bán nhanh để cắt lỗ, thì mặt bằng giá trong tháng 10 của nhiều nhóm hàng đều tăng. Chẳng hạn, bơ, sữa, phô mai tăng 0,16% so với tháng trước; chè, cà phê, cacao tăng 0,12%; giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,44% so với tháng trước.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nhưng nhiều mặt hàng tăng giá, đặc biệt xăng dầu, than, giá vận chuyển… nên ảnh hưởng tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI tháng 10 đã tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 8 nhóm tăng giá. Cụ thể, nhóm giao thông tăng cao nhất với 16,52% so với tháng 10/2020, chủ yếu do từ tháng 11/2020 đến nay giá xăng A95 tăng 9.390 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 9.010 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 7.500 đồng/lít. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,14% so cùng kỳ năm trước…

Đà tăng của giá nhiên liệu thế giới chưa dừng lại. Theo số liệu từ Bộ Công thương, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tính đến ngày 2/11 tăng khoảng 3 - 4% so với ngày 26/10, lên khoảng 98 - 100 USD/thùng. Theo đó, ngày 10/11,  Liên bộ Tài chính - Công thương tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ với mức tăng 310-500 đồng/lít.

Gắng sức chặn đà tăng

Mặc dù bình quân 10 tháng của năm 2021, CPI chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, dự báo về CPI của 2 tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là khoảng thời gian tập trung vào sản xuất, lưu thông và mua sắm phục vụ cho các ngày lễ Noel, Tết Dương lịch và sau đó là Tết Nguyên đán, do đó, duy trì giá các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, giá các nguyên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than không ngừng tăng cao, tác động tới giá của nhiều hàng hóa tiêu dùng. Những yếu tố này có thể làm CPI 2 tháng cuối năm tăng cao so với mức tăng giá bình quân 10 tháng năm 2021, tăng áp lực giữ CPI ở dưới mức 4%.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, các bộ, ngành sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả, diễn biến, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới.

“Chúng ta có sự tham khảo kịp thời để đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn, để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp”, ông Hải nói.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hoá, qua đó giảm áp lực lạm phát.

Trong một diễn biến nhằm kìm đà tăng bất hợp lý của giá thực phẩm, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội vừa đề nghị Sở Công thương thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường đối với thực phẩm, nhất là giá các loại thịt gia súc, gia cầm. Chủ động và kịp thời có biện pháp nhằm điều hòa, cân đối cung, cầu, ổn định giá ở mức hợp lý, nhất là dịp cuối năm nay và dịp Tết Nguyên đán 2022.

Thống đốc: Nguy cơ lạm phát tăng cao, áp lực với chính sách tiền tệ đang rất lớn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đang tính toán quy mô, liều lượng gói kích cầu để đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư