Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Giá ngô tăng mạnh, chi nhập khẩu ngô 5 tháng vọt lên 1,14 tỷ USD
Thế Hoàng - 15/06/2021 14:31
 
Việt Nam đã tiêu 1,14 tỷ USD để nhập khẩu 4,37 triệu tấn ngô trong 5 tháng đầu năm 2021, chủ yếu từ 3 thị trường chủ lực là Argentina, Brazil và Ấn Độ.
5 tháng 2021, 4,4 triệu tấn ngô, kim ngạch đạt 1,14 tỷ USD, tăng 39,1% về lượng và 72,7% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020
5 tháng 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 4,4 triệu tấn ngô, trị giá 1,14 tỷ USD, tăng 39,1% về lượng và 72,7% về trị giá  với cùng kỳ 2020

Tổng cục Hải quan cho biết, chi nhập khẩu ngô tiếp tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Trong tháng 5 cả nước nhập khẩu hơn 1 triệu tấn ngô, kim ngạch đạt 296,5 triệu USD tăng 45% về lượng và 46,9% về kim ngạch so với tháng 4/2021.

Lũy kế 5 đầu năm tháng 2021, nhập khẩu ngô của cả nước đạt 4,37 triệu tấn, tương đương 1,14 tỷ USD, tăng 33,4% về lượng và tăng 65,6% về kim ngạch. Tính ra, 5 tháng đầu năm mỗi tấn ngô có trị giá bình quân 260 USD/tấn (chưa thuế) tăng tăng khoảng 50 USD (tương đương 24%) so với cùng kỳ 2020.

Ngô nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ 3 thị trường Achentina, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, Achentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam, với 1,61 triệu tấn, tương đương 450,77 triệu USD, giá 280 USD/tấn. Giá nhập khẩu tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường lớn thứ 2 là Brazil đạt 1,36 triệu tấn, tương đương 300,31 triệu USD, giá nhập khẩu đạt 220,6 USD/tấn, tăng 10,7% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Ngô nhập khẩu từ Ấn Độ 5 tháng qua tăng rất mạnh tới 84.000% về lượng và tăng 65.336% về kim ngạch, đạt 648.126 tấn, tương đương 175 triệu USD.

Như vậy, đà tăng nhập khẩu ngô đã duy trì suốt năm 2020 đến nay. Tổng lượng nhập khẩu ngô cả năm 2020 đạt gần 12,1 triệu tấn, tương đương 2,39 tỷ USD, mức tăng lần lượt là 5,0% về lượng và 2,8% về kim ngạch. Giá nhập khẩu ngô năm 2020 bình quân đạt 198 USD/ tấn, giảm 2,1% so với năm trước.

Trong đó, Argentina và Brazil vẫn là hai thị trường chính mà ta nhập khẩu ngô, chiếm 90,2% tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước. nhập khẩu ngô từ Argentina đạt 1,57 tỷ USD, tăng 8,6%, chiếm 65,7% tổng nhập khẩu ngô của cả nước; từ Brazil đạt 584,2 triệu USD, giảm 29,8%, chiếm 24,4%; còn lại là nhập khẩu từ Thái Lan, Ấn độ, Lào...

Theo thống kê của FAO, khoảng 21% sản lượng ngô trên thế giới được sử dụng làm lương thực cho người, nhiều nơi sử dụng ngô là lương thực chính như các nước thuộc khu vực châu Mỹ La-tinh.

Ở Việt Nam, ngô là cây lương thực đứng thứ hai sau lúa, được trồng phổ biến ở hầu hết các vùng, miền. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác, cây ngô được trồng tại 8 vùng sinh thái nông nghiệp trên cả nước, gồm đồng bằng sông Hồng, đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, ở nước ta, ngô không chỉ là lương thực cho người mà còn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh cơ cấu nông nghiệp đang chuyển dịch từng bước bền vững, hiệu quả theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của FAO, năng suất và sản lượng ngô của nước ta vẫn thuộc loại thấp so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, do đó, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu.

Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn hóa chất nhập khẩu
Ngành công nghiệp hóa chất trong nước có hơn 1.800 doanh nghiệp, nhưng nghịch lý là nhiều sản phẩm hóa chất quan trọng phục vụ phát triển sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư