Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Giá tăng mạnh, nhập khẩu xăng dầu cả năm 2021 vọt lên 4,1 tỷ USD
Thế Hoàng - 25/01/2022 14:34
 
Giá xăng dầu nhập khẩu trong năm 2021 đạt trung bình 593 USD/tấn, tăng 191 USD/tấn so với giá nhập khẩu cùng kỳ năm trước, đã kéo chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu lên trên 4,1 tỷ USD.
Những thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất trong năm 2021.
Những thị trường Việt Nam nhập khẩu xăng dầu lớn nhất trong năm 2021.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 12/2021 tăng 12% về lượng và tăng 10,6% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 644.493 tấn, trị giá 457,09 triệu USD, giá nhập khẩu trung bình 709,2 USD/tấn, giảm 9 USD/tấn với tháng 11/2021.

Tính chung năm 2021, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 6,96 triệu tấn, trị giá 4,14 tỷ USD, giảm 15,5% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với năm 2020; giá trung bình 593 USD/tấn, tăng 191 USD/tấn so với giá nhập khẩu cùng kỳ năm trước.

Năm qua, 4 thị trường cung cấp xăng dầu lớn nhất cho nước ta lần lượt là Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Ngôi vị này đã có sự thay đổi, bởi năm 2020, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất, Malaysia xếp thứ 2 và Singapore ở vị trí thứ 3. Năm nay, Thái Lan cũng thế chỗ Trung Quốc là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn thú 4 của Việt Nam.

Cụ thể, năm 2021, nhập khẩu từ thị trường Malaysia đạt 2.269.559 tấn, trị giá 1,27 tỷ USD, giá trung bình 563 USD/tấn, tăng 198 USD/tấn so với năm 2020. Malaysia là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất, chiếm 32,4% về lượng và 30,8% về tổng trị giá.

Lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 1,62 triệu tấn, trị giá gần 1 tỷ USD, giảm 33,3% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so với cùng kỳ 2020. Nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc chiếm 23% về lượng và 23,8% về trị giá trong tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu.

Nhập khẩu xăng dầu từ Singapore đạt gần 1,3 triệu tấn, trị giá 781 triệu USD, giảm 6,2% về lượng nhưng tăng 50% về trị giá so với cùng kỳ.

Thị trường Thái Lan cung cấp cho nước ta 1,2 triệu tấn trị giá 734 triệu USD, tăng 2% về lượng và tăng 63,% về trị giá.

Giá xăng dầu tăng kỷ lục trong năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến chi ngoại tệ nhập nhóm hàng vọt lên trên 4 tỷ USD. Còn nhớ, năm 2020, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập để tái xuất của nước ta là 8,27 triệu tấn, trị giá khoảng 3,33 tỷ USD, giảm 17,9% về lượng và giảm 45,7% về trị giá so với năm 2019.

Bộ Công thương lý giải, lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2020 tiếp tục giảm so với năm 2019 do sản xuất trong nước đã đáp ứng một phần đáng kể, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu xăng dầu năm 2020 nội địa giảm mạnh dưới tác động của dịch Covid-19. Giá xăng nhập khẩu bình quân năm 2020 giảm khoảng 33,8% so với năm trước cũng là yếu tố kéo nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh so với năm 2019.

Còn trong năm 2021, dù đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề và giá xăng dầu lập kỷ lục mới đã tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam và đà tăng của giá xăng dầu vẫn chưa dừng lại.

Trước diễn biến tăng giá của thị trường thế giới, trong kỳ điều hành hôm 21/1/2022, liên Bộ Tài chính-Công thương đã tiếp tục tăng giá xăng dầu trong nước. Cụ thể: Xăng E5RON92 tăng 436 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 484 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 664 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 655 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 631 đồng/kg.

Đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ tăng thứ 2 trong năm 2022 trước tác động của giá thế giới tăng.

Xăng dầu “đè nặng” lên kiểm soát lạm phát năm 2022
Với mức giá 23.660 đồng/lít với xăng E5 và 24.990 đồng/lít đối với xăng RON 95, giá xăng dầu đứng trước “cơ hội” phá kỷ lục được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư