Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Giá vàng miếng SJC gần chạm mức 67,3 triệu đồng/lượng, ngược đà giảm của thế giới
Phạm Anh - 29/07/2023 17:43
 
Giá vàng trong nước đều tăng trong tuần này bất chấp vàng quốc tế có tuần lễ giao dịch kém nhất kể từ ngày 12/7.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,65 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 250.000 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với tuần trước. Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng.

Giá vàng DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,55 - 67,25 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với tuần trước.

Tại TP.HCM, giá vàng DOJI đang được niêm yết ở 66,5 - 67,5 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với tuần trước.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng hơn 11 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đã không thể giữ được mốc 1.960 USD/ounce để hướng đến tuần lễ giao dịch kém triển vọng nhất trong vòng 5 tuần trở lại đây. Nguyên nhân được đưa ra là do dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã khiến giới đầu tư không khỏi lo lắng về việc chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khó có thể kết thúc sớm.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.958,81 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,65% xuống 1.998,2 USD/ounce.

Giá vàng đang hướng đến mức giảm 0,2% theo tuần và được ghi nhận là mức giảm lớn nhất kể từ ngày 12/7.

Edward Gardner, chuyên gia kinh tế lĩnh vực hàng hóa của Capital Economics nhận định, dữ liệu kinh tế tích cực đã góp phần làm tăng triển vọng về việc lãi suất cao sẽ được kéo dài hơn so với kỳ vọng, điều này sẽ khiến USD tăng giá đồng thời tạo ra áp lực lớn lên vàng.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố thông tin về tình hình kinh tế, tăng trưởng GDP quý II của đầu tàu kinh tế thế giới đạt 2,4%; tăng 0,4% so với quý trước đó và cao hơn ước tính của các chuyên gia kinh tế Dow Jones.

Cùng với đó, tình hình lạm phát cũng đã được kiếm soát tốt trong vòng 3 tháng vừa qua. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tăng 2,6% trong quý II, giảm so với mức 4,1% trong quý I và thấp hơn dự báo của Dow Jones là 3,2%. Mặc dù lạm phát còn cách xa mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng một số nhà phân tích đã lưu ý rằng nó tiếp tục giảm đúng hướng. Điều này có thể thuyết phục Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 9. Khả năng ngân hàng trung ương ngừng thắt chặt chính sách tiếp tục hỗ trợ giá vàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, tình hình lạm phát có thể đảo ngược và tăng trở lại sau vài tháng do giá dầu cao hơn ảnh hưởng đến nền kinh tế, giao thông vận tải và hầu hết hàng hóa trong các cửa hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) quyết định nâng lãi suất lần thứ chín liên tiếp với bước tăng 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất chính sách lên mức 3,75% sau cuộc họp ngày 27/7. Tuy nhiên, có khả năng ECB sẽ tạm dừng thắt chặt tiền tệ vào tháng 9 khi áp lực lạm phát hạ nhiệt và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng.

ECB đã không chia sẻ bất kỳ tín hiệu nào về các động thái sắp tới, nhưng có một vài dấu hiệu cho thấy khả năng lộ trình nâng lãi suất sẽ tạm dừng trong cuộc họp tháng 9 tới đây.

Phát biểu tại họp báo ngày 27/7, Chủ tịch ECB Christine Lagarde để ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo và nhấn mạnh, quyết định được đưa ra phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế.

Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 27-28/7. Đây là động thái được các nhà đầu tư coi là bước đầu cho sự thay đổi cuối cùng khỏi chính sách kích thích tiền tệ.

BoJ cho biết sẽ đề nghị mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định là 1%, thay vì mức lãi suất 0,5% trước đó, báo hiệu rằng giờ đây ngân hàng này sẽ chấp nhận mức tăng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên tới 1%.

Cả Ngân hàng Trung ương Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều tăng lãi suất trong tuần này và để ngỏ khả năng thắt chặt hơn nữa. Lãi suất cao hơn khiến việc nắm giữ vàng trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư vì kim loại này là tài sản không mang lãi suất.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,06% xuống 101,71 điểm; tăng 0,63 điểm so với tuần trước.

Tỷ giá trung tâm cuối tuần này  23.744 VND/USD, tăng 10 đồng so với tuần trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.557 - 24.929 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.520 VND/USD (mua vào) và 23.860 VND/USD (bán ra).

Vàng "bốc đầu" sau quyết định tăng lãi suất lên cao nhất 22 năm của Fed
Giá vàng trong nước có vẻ như chưa bắt kịp đà tăng của vàng quốc tế trong phiên giao dịch ngày hôm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư