Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Giám đốc điều hành IAE: Công nghệ chưa bao giờ là cứu cánh cho một nền giáo dục
Hồng Phúc - 13/10/2019 06:58
 
Ông Nguyễn Quốc Toàn, giám đốc điều hành tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE) đưa ra định nghĩa về một cách học mới, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những phương pháp học/rèn luyện đỉnh cao thông qua sự hiểu biết thấu đáo về não bộ và tâm lý người học. Với cách học mới này, công nghệ chỉ là công cụ giúp người Thầy- thành tố rất quan trọng có thể tập trung vào việc phản hồi, nâng đỡ và truyền cảm hứng cho người học.

Ông Nguyễn Quốc Toàn hiện là giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (Institution American Education - IAE). IAE tự giới thiệu là tổ chức được thành lập dựa trên nguyên tắc đổi mới, vượt trội và cống hiến bởi các nhà giáo dục là cựu du học sinh từ Mỹ, Anh, Úc, Đức.

Hiện, có hơn 60.000 học viên theo học mỗi năm tại 9 đơn vị thành viên, bao gồm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, phổ thông, dạy ngoại ngữ và viện thiết kế thuộc IAE như Ivyprep Education, iSmart Education, EQuest Academy, Đại học Phú Xuân,…

Hơn 80% thời gian của giáo viên phải làm những việc “không hiệu quả”

“Để việc học trở nên hiệu quả hơn, giáo viên cần được giải thoát khỏi những lo toan thường nhật, bớt làm những công việc đơn điệu, mất thời gian. Tính trung bình, hơn 80% thời gian của giáo viên phải làm những việc “không hiệu quả” như cập nhật thông tin, soạn bài, chấm bài, viết báo cáo, nhận xét”, ông Nguyễn Quốc Toàn chia sẻ quan điểm về giải phóng giáo viên và công nghệ 4.0.

Vậy thời gian chính của giáo viên nên làm gì? 

Họ nên hoàn thiện trình độ chuyên môn, học những phương pháp dạy hiệu quả nhất, giúp cá nhân hoá việc học của từng học sinh bằng cách phản hồi kịp thời, tác động đến những chỗ yếu nhất trong kiến thức của từng bạn, thay vì dạy kiểu “đồng nhất” cho tất các bạn trong một lớp. 

.
Ông Nguyễn Quốc Toàn, giám đốc điều hành IAE chia sẻ tại Hội nghị Giáo dục của Forbes Việt Nam vừa được tổ chức  tại TP.HCM (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Lý giải cụ thể hơn về chủ đề này trên trang cá nhân, ông Toàn cho rằng, quan trọng hơn nữa là giáo viên nên hưởng thụ cuộc sống cá nhân của chính mình. 

Khi được giải phóng khỏi những việc thường nhật, vô ích, giáo viên có thể tập trung làm một việc cực kỳ quan trọng là truyền cảm hứng (inspire) cho học sinh.

Lớp học không thể hiệu quả, trường học không thể là nơi đáng học nếu những người giáo viên không hạnh phúc. 

“Thay vì dành quá nhiều thời gian dạy hay thúc ép con trẻ học quá nhiều nên dành 1/4-1/5 thời gian dạy Bố mẹ. Bởi não khó có thể tập trung quá 25 phút trong khi phụ huynh ép con học quá nhiều”, ông Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc điều hành IAE nói và chia sẻ ví dụ về quy trình tuyển sinh của hệ thống trường Alpha khi Bố mẹ cũng phải trải qua bài kiểm tra. 

Bởi hệ thống trường Alpha đưa ra quan điểm, một đứa trẻ hạnh phúc khi con được lớn lên từ một môi trường có sự đồng nhất về quan điểm giáo dục, đúng định hướng và năng lực, dựa trên nền tảng văn hóa ứng xử bền vững, con người văn minh và sống có trách nhiệm.

Do vậy, tuyển cha mẹ là một cách nhà trường sàng lọc và lựa chọn những người bạn đồng hành có chung một đích giáo dục.

“Thay vì dành quá nhiều thời gian dạy hay thúc ép con trẻ học quá nhiều nên dành 1/4-1/5 thời gian dạy Bố mẹ", ông Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc điều hành IAE nói.

Ngoài ra, các nền tảng công nghệ hiện có thể ra đề trong kho dữ liệu hàng trăm ngàn câu hỏi đã được kiểm tra chất lượng, cho học sinh thi online qua máy tính, điện thoại. 

Bài thi được xuất ra file, chấm điểm, thống kê kết quả, so sánh với hàng trăm ngàn học sinh trên toàn quốc. 

“Tất cả chỉ trong vài phút, so với hàng tiếng đồng hồ bò ra soạn bài, chấm bài, in bài trước đây. Nhưng công nghệ không thể làm giảm vai trò của con người”, ông Nguyễn Quốc Toàn chia sẻ.

“Công nghệ chưa bao giờ là cứu cánh cho một nền giáo dục”

Theo Nguyễn Quốc Toàn, bản chất của cách học mới chia thành 2 phần, một là trải nghiệm của người học và cá nhân hoá trong giáo dục. 

Học 1:1, học tích hợp, học trực tuyến và học thích ứng là 4 phương pháp học tập tập trung vào trải nghiệm của người học và cá nhân hoá giáo dục theo nhu cầu của từng học sinh. 

Trong 4 cách học này, công nghệ có thể là công cụ giúp hoạt động trở nên dễ dàng hơn như mang đến thực hành, mô phỏng, game hoá và tích hợp như học mổ, học y có cấu trúc 3D để mô phỏng, thực hành, vừa chơi game vừa học lịch sử. 

“Công nghệ chỉ là phương cách rút cách ngắn khoảng cách cho sự phát triển và chưa bao giờ là cứu cánh cho giáo dục, mà chỉ giúp đỡ thầy cô truyền tải kiến thức dễ dàng hơn. Giáo dục phải có bền bỉ và đam mê”, ông Nguyễn Quốc Toàn chia sẻ và đánh giá, công nghệ chắc chắn không bao giờ thay thế được vai trò của người Thầy, cũng như học online không thể thay thế cho các phương pháp giáo dục truyền thống.  

.
Giáo viên được kỳ vọng có thể đưa ra định hướng, theo sát và liên tục đưa ra phản hồi cho học trò. (Ảnh minh hoạ: IvyPrep).

Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học New York năm 2004 Nguyễn Quốc Toàn dẫn lại quan điểm của ông Robert Slavin- nhà tâm lý học người Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề giáo dục và học thuật rằng: “Đào tạo thành công không dẫn đến từ việc cá nhân hoá sự học mà đến từ sự kết hợp của cá nhân hoá việc học sự nuôi dưỡng và quan tâm”. 

Từ đó, vị tiến sĩ này cho rằng, điều quyết định thành công trong đổi mới phương pháp học tập là kết hợp những kiến thức ở nhiều lĩnh vực, lý thuyết làm việc hiệu quả, và sử dụng công nghệ một cách thông minh. 

Nói cách khác, cách học mới đòi hỏi cả phụ huynh, giáo viên cũng cần được giáo dục trước khi trở thành người thầy của học sinh. Bởi trách nhiệm của người học không chỉ tập trung mà họ còn cần nhận được sự quan tâm, nâng đỡ,…

Một câu nói mang tính khái quát thường được nhắc đến là thành công bằng 10 nghìn giờ luyện tập có chủ đích.

Con số 10 nghìn giờ chỉ mang tính chất tương đối, tuy nhiên cần tập trung vào 3 điểm quan trọng trong câu nói trên là: đủ thời gian, luyện tập và có chủ đích. 

Có chủ đích có thể được hiểu là tập trung cao độ, cải thiện kết quả và nhận hướng dẫn của bậc thầy. Từ đó, có các cuộc tranh luận bởi “đến trường phải có khổ luyện, vất vả chứ không phải để vui”. 

Trong đó, người Thầy đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra định hướng, tập trung vào phần quan trọng cần học, theo sát và liên tục đưa ra phản hồi cho học trò. 

Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ "bắt tay" chiến lược với Trường Newton
Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) vừa ký thỏa thuận hợp tác đầu tư vào Trường tiểu học - THCS - THPT Newton (Trường Newton) tại Hà Nội. Theo thỏa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư