Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giảm sở hữu chéo: Khó cũng phải làm triệt để
Vân Linh - 20/09/2015 08:37
 
Sau gần 9 tháng áp dụng, các ngân hàng thương mại gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giảm sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại tại tổ chức tín dụng khác.
.
SouthernBank đã sáp nhập vào Sacombank trong "chiến dịch" tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thời gian qua

Điều 20, Thông tư 36 quy định, một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải  dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho tổ chức tín dụng gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận, hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật. Vì thế, theo lộ trình các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong  1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1/2/2015).

Thế nhưng, sau gần 9 tháng, tiến trình thực hiện các quy định tại Thông tư 36 vẫn còn khá khiêm tốn. Chỉ một vài “cặp” ngân hàng có cùng dáng dấp chủ sở hữu đã tiến hành M&A để xóa sở hữu chéo như: Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) sáp nhập Ngân hàng Mê Kông (Mekong Bank). Maritime Bank nắm 10% cổ phần Mekong Bank và đến nay, việc sáp nhập trên đã được hoàn tất sau khi NHNN chính thức thông qua. Ngoài ra, Maritime Bank sáp nhập thêm Công ty Tài chính cổ phần Dệt may – đơn vị Maritime Bank nắm giữ hơn 10% cổ phần nên M&A đáp ứng quy định Thông tư 36.

Trường hợp của Sacombank sáp nhập SouthernBank không phải vì mục đích đáp ứng quy định của Thông tư 36, mà do cổ đông lớn của 2 nhà băng này có cùng dáng dấp chủ sở hữu là gia đình ông Trầm Bê nắm giữ trên 20% tại SouthernBank và hơn 6% tại Sacombank. Vì vậy, M&A là giải pháp tốt nhất để xóa sở hữu chéo và đáp ứng nội dung dự thảo lần 3 hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định.

Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng dễ thực hiện được việc trên để đáp ứng đúng lộ trình. Trong số đó phải kể đến là Vietcombank - ngân hàng có vốn tại nhiều tổ chức khác nhất. Hiện tại, Vietcombank sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Trong đó, 4/5 tổ chức tín dụng này, Vietcombank đang có tỷ lệ sở hữu vượt 5%. Cụ thể, hiện Vietcombank đang nắm 9,59% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và 8,24% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank). Ngoài ra, Vietcombank còn giữ 5,07% tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và trên 8% tại Ngân hàng Saigonbank.

Với Saigonbank, Vietcombank đã từng có ý định sáp nhập thêm nhà băng này để đáp ứng lộ trình trên, song cổ đông lớn của Saigonbank là Thành ủy (UBND TP.HCM) không đồng ý chuyện “về chung một nhà”. 

Trong tình thế ngược lại, Eximbank cũng đang nắm giữ cổ phần tại 4 đơn vị, trong đó nắm giữ 10,3% cổ phần tại Sacombank. Trước đó, Eximbank cũng đã tính đến chuyện thoái vốn khỏi Sacombank khi điều kiện thuận lợi. Chủ tịch Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho biết, nếu phải đáp ứng theo quy định, Ngân hàng cũng sẽ tính đến việc thoái vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin gì mới về việc triển khai kế hoạch trên. Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) hiện đang sở hữu 10,4% cổ phần Saigonbank, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) sở hữu 8,4% cổ phần EVN Finance…

Một trong những nguyên nhân khiến cho việc thoái vốn gặp khó theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa tài chính – Ngân hàng Trường đại học mở TP.HCM, là do giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm, cổ đông không còn mặn mà trong việc nhận chuyển nhượng.  Thêm vào đó, việc M&A những tổ chức tín dụng có cùng dáng dấp chủ sở hữu cũng không thể tiến hành trong một sớm một chiều. 

Trước thực trạng trên, một số ngân hàng đã xin gia hạn và đề xuất với NHNN, cụ thể là trường hợp của Vietcombank. Ngân hàng này đã có văn bản gửi NHNN về việc xử lý phần vốn góp tại Eximbank và MBB. Trong đó, Vietcombank đề xuất giữ phần vốn góp tại MBB, vì cổ phiếu MBB là cổ phiếu tốt và đã được NHNN chấp thuận cho phép Vietcombank nắm giữ cổ phiếu MBB với tỷ lệ như hiện tại 9,59%.

Còn với phần vốn tại Eximbank, theo yêu cầu của NHNN, Vietcombank sẽ tiếp tục nắm giữ phần vốn tại Eximbank cho tới hết năm 2015. Trong khi, nếu theo quy định của Thông tư 36 thời gian còn lại để thoái vốn chỉ vẻn vẹn 5 tháng. M&A được xem là con đường ngắn và giải pháp tốt để các NHTM có cùng dáng dấp chủ sở hữu về chung một nhà để xóa được tình trạng sở hữu chéo theo quy định của Thông tư 36.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, Thông tư 36 là quy định quan trọng để “kiểm soát hoạt động của công ty sân sau” trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần. Các quy định của Thông tư 36 là cần thiết áp dụng để tái cấu trúc ngành ngân hàng, xóa được sở hữu chéo. Vì vậy, theo TS. Hiếu, cần thực hiện triệt để.

Mạnh tay sáp nhập ngân hàng để xóa sở hữu chéo
Sau thương vụ sáp nhập giữa MekongBank vào MaritimeBank (2 ngân hàng cùng dáng dấp chủ sở hữu) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua, trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư