Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Giờ là lúc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng
Phương Thu - 08/10/2018 13:44
 
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chọn Việt Nam là nhà và tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Eurocham, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chia sẻ về sự hấp dẫn, kết quả trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cũng như các thách thức của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông đánh giá thế nào về lợi ích và thành công của Việt Nam trong thu hút FDI thời gian qua?

Chúng ta đang chứng kiến ​​sự thành công lớn của Việt Nam khi dòng chảy đầu tư nước ngoài ngày càng tăng nhanh. Nhờ đó, Việt Nam đã bắt kịp các đối tác ASEAN lớn khác với tư cách là nước xuất khẩu lớn. FDI góp phần tăng trưởng GDP, nguồn ngoại tệ, công nghệ, giải quyết việc làm, thuế, tạo ra sản phẩm cũng như dịch vụ cho các địa phương và góp phần cải thiện hạ tầng.

.
Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Eurocham, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác đã mở rộng việc cung cấp ODA cho Việt Nam để hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ các công ty của họ đang đầu tư tại đây.

Chất lượng FDI liên tục tăng và các sản phẩm xuất khẩu như điện tử đã trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Cùng với đó, xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày dép và đồ nội thất đã vượt qua xuất khẩu dầu mỏ. Có được kết quả đó là nhờ sự chăm chỉ học hỏi của người Việt, sự nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế - xã hội, cũng như quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các nước khác trên thế giới trong 3 thập kỷ qua, kể từ khi Việt Nam chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chọn Việt Nam là nhà của họ và tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Đây chính là minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Bây giờ chính là lúc nhìn về tương lai, làm thế nào để giữ chân các nhà đầu tư, cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chất lượng hơn cho đến năm 2030 cũng như các năm sau đó.

Theo ông, thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là gì để đạt được mục tiêu thu hút FDI?

Hầu hết các công ty đến Việt Nam bởi chi phí lao động, các ưu đãi về thuế, nhưng tiền lương cũng đang tăng nhanh so với năng suất. Xu hướng này sẽ kết thúc khi các công ty đó dịch chuyển sang quốc gia khác, nếu lợi thế về nhân công không còn. Việc giữ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày vẫn là cần thiết để tạo việc làm, cũng như làm cơ sở cho việc nâng cấp các nhà máy, công nghệ trong tương lai, khi Việt Nam có dân số đông và trẻ, nhưng trình độ lao động còn thấp.

Giải pháp cho điều này là cải thiện kiến ​​thức và kỹ năng của người lao động. Ngoài chương trình đào tạo của doanh nghiệp, các chương đào tạo nghề độc lập cần được nhân rộng và được chủ động về chương trình đào tạo, cũng như cơ cấu tổ chức, giúp họ có thể nhanh chóng thích nghi với nhu cầu thay đổi của thị trường. Tất cả các nước thành công đều có hệ thống giáo dục tốt và Việt Nam có thể tiếp tục cải thiện hệ thống giáo dục của mình.

VBF có những kiến nghị nào cho Chính phủ để vượt qua các thách thức?

Điểm quan trọng là Việt Nam cần gỡ bỏ gánh nặng về thuế và thủ tục hải quan, thanh tra, quyết toán thuế, không chỉ quan tâm nguồn thu, mà còn cần quan tâm đến việc hoàn thuế... Cần loại bỏ tiền mặt trong thanh toán, lưu giữ các chứng từ thông quan để đảm bảo tính minh bạch. Thủ tục hải quan cần có quy định rõ ràng hơn. VBF đang phối hợp với các bộ, ngành đảm bảo cách hiểu duy nhất trong một vài vấn đề.

Đối với lĩnh vực năng lượng, Chính phủ cũng nên có chính sách khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, giảm chi phí sản xuất.

Trong tương lai, các công ty trong và ngoài nước cần hợp tác nhiều hơn. Một trong những hạn chế hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực và kỹ năng. Chính phủ có thể khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn rời khỏi mảng địa ốc, chuyển sang ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Việt Nam cần tích cực tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nông nghiệp, dịch vụ công nghệ; khuyến khích công nghệ mới như xe chạy bằng điện hay ngành công nghiệp tạo nên giá trị gia tăng cao. Chúng tôi không chắc rằng, các nhà sản xuất ô tô sẽ lựa chọn Việt Nam, trừ khi có điều gì đó mới, như cam kết đối với xe điện.

Xe điện có sự tăng tốc đáng kinh ngạc. Một khi xe điện được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, pin kết hợp kết nối với lưới điện có thể được sử dụng để cải thiện thị trường điện. Bí quyết của pin cho xe ô tô sẽ cho phép xây dựng các loại pin lớn hơn cho các tòa nhà và thành phố, giúp đầu tư rộng rãi vào năng lượng mặt trời trên mái thậm chí nhiều khả năng thành công hơn.

Để làm được hiệu quả các điều trên, Việt Nam cần một hệ thống bảo hộ trí tuệ, giải quyết tranh chấp nhanh và hiệu quả giữa các bên, như trọng tài...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI cần đến thị trường Việt Nam, nhưng cần một nền tảng sản xuất. Tuy có các hiệp định thương mại tự do, nhưng quá trình thực thi còn hạn chế. Nếu không có công nghệ và hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông, thì sẽ không thu hút được nguồn FDI mới.

Cần tạo một bước đột phá để cân bằng rủi ro, minh bạch về đấu thầu, đem đến cho Việt Nam nhiều nguồn lực, giảm thiểu rủi ro cho Chính phủ từ mô hình hợp tác công - tư (PPP), mô hình đã được áp dụng hiệu quả và thành công ở các quốc gia khác.

Thu hút FDI trong kỷ nguyên mới (Bài 2)
Nếu như 30 năm qua, cùng với hành trình Đổi mới, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư