Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giới phân tích: Mỹ sẽ ưu tiên hợp tác kinh tế và an ninh với Đông Nam Á
Lê Quân - 21/08/2021 17:45
 
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến đến Singapore vào ngày mai 22/8 để bắt đầu chuyến thăm chính thức Đông Nam Á, và sau đó bà Kamala Harris sẽ tới Việt Nam, theo đài CNBC.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: AFP
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: AFP

Trong ưu tiên tăng cường vị thế của Mỹ ở châu Á, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông Nam Á như một phần quan trọng trong mục tiêu của Washington nhằm đối phó sức ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này.

Đông Nam Á có quy mô dân số hơn 660 triệu người và một số nền kinh tế ở khu vực này phát triển với tốc độ nhanh. Tầm quan trọng chiến lược của Đông Nam Á gắn liền với vị trí chiến lược gần Biển Đông, là tuyến đường vận chuyển thương mại quan trọng cho hàng ngàn tỷ USD giá trị hàng hóa toàn cầu mỗi năm.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Singapore trong 3 ngày từ 22/8, trong đó dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Lý Hiển Long vào ngày 23/8 và có bài phát biểu vào ngày 24/8 với nội dung nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ đối tác và những lĩnh vực hợp tác cần thúc đẩy. Điểm dừng tiếp theo sau đó của bà Kamala Harris là Việt Nam.

Chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris diễn ra sau một số cuộc gặp gỡ cấp cao của Mỹ với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó đã tham dự các cuộc họp trực tuyến của ASEAN vào đầu tháng này, còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm một số quốc gia Đông Nam Á vào tháng 7, bao gồm: Singapore, Việt Nam, và Philippines.

Bà Angela Mancini, Trưởng Bộ phận thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty tư vấn rủi ro Control Risks cho rằng, so với chính quyền Trump, Tổng thống Biden và cộng sự tỏ ra "chu đáo và có thể đoán định" hơn nhiều trong sự hiện diện và tham gia của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á.

Nữ chuyên gia này cho biết, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là vấn đề chính sách đối ngoại lưỡng đảng "số một" ở Mỹ, và chính quyền Biden nhận thức được rằng các nước Đông Nam Á sẽ không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Chính quyền trước đây (chính quyền Trump) đã rất rõ ràng về một thực tế rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là vấn đề quan trọng số một ở khu vực này. Điều đó đôi khi đặt các quốc gia vào tình thế mà họ cảm thấy phải chọn bên", bà Mancini bình luận.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã bị chỉ trích vì vắng mặt tại một số hội nghị cấp cao khu vực quan trọng ở Đông Nam Á, khiến một số nhà quan sát chính trị đặt dấu hỏi về cam kết của Mỹ đối với khu vực này. Và vấn đề này dường như không được Mỹ quan tâm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, cùng với việc Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng của mình tại khu vực này, thông qua các chương trình như đầu tư cơ sở hạ tầng theo sáng kiến "Vành đai và con đường".

Trong khi đó, "chính quyền Biden rất muốn làm rõ rằng sự tham gia của Mỹ ở Đông Nam Á là nhiều hơn, rộng hơn so với một chuyện... rằng có rất nhiều vấn đề khác cần giải quyết, bao gồm cả Covid-19, và những vấn đề đó là tốt nhất được giải quyết bằng quan hệ đối tác và sự tham gia tích cực", bà Mancini nhận định.

Trong một tuyên bố vào tháng trước, Nhà Trắng cho biết Phó tổng thống Harris sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo của Singapore và Việt Nam về nhiều vấn đề, từ an ninh khu vực, đại dịch Covid-19 đến biến đổi khí hậu.

Hai ưu tiên của Mỹ ở Đông Nam Á

Theo bà Angela Mancini, bằng cách chọn Singapore và Việt Nam cho chuyến đi chính thức đầu tiên của Phó tổng thống Harris tới Đông Nam Á, Mỹ cho thấy họ ưu tiên các cơ hội hợp tác kinh tế và an ninh tại khu vực này.

Mỹ có quan hệ đối tác quốc phòng với Singapore và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở đảo quốc này. Trong khi đó, Mỹ cũng có mối quan hệ thương mại ngày càng phát triển với Việt Nam, là nước phản đối mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Về mặt kinh tế, bà Mancini cho rằng hợp tác thương mại lẽ ra là cách "tự nhiên nhất" để Mỹ can dự sâu hơn vào Đông Nam Á, nhưng chính trị nội bộ nước Mỹ là một cản trở lớn đối với vấn đề này.

Ông Trump vào năm 2017 đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước thương mại quy mô lớn với sự tham gia của 11 quốc gia khác, bao gồm hai quốc gia Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam. Sau đó, các nước còn lại đã đàm phán lại thỏa thuận và ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3/2018.

Ông Alex Feldman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho biết Mỹ không có khả năng tham gia CPTPP trong ngắn hạn. TPP đã bị chỉ trích nhiều và đã không được Quốc hội Mỹ thông qua.

Bình luận trên đài CNBC vào tuần trước, ông Feldman cho rằng Mỹ có thể đạt được các thỏa thuận về kinh tế số với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về vấn đề này, Singapore lại là quốc gia đang phát triển mạnh các nền tảng số và đã có các thỏa thuận kinh tế số với một số nước khác như Australia, Chile, và New Zealand.

Một thỏa thuận thương mại số mới có thể sẽ tập trung vào phát triển nền kinh tế số dựa trên các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại số giữa các quốc gia tham gia, chẳng hạn như lưu trữ dữ liệu xuyên biên giới và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho rằng, một thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Singapore rất có ý nghĩa, giúp thiết lập các quy tắc cho lộ trình kinh tế số, đồng thời mở ra cánh cửa đi đến một thỏa thuận đa phương lớn hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành Tổ chức tư vấn thương mại châu Á Asian Trade Centre lại đánh giá, dù có nhiều "lý do hợp lý" để theo đuổi và dẫn dắt một thỏa thuận (kinh tế) số mới, nhưng Washington có thể gặp khó khăn để thuyết phục các quốc gia khác tham gia.

Chuyên gia này lý giải trong một báo cáo tuần trước rằng các thỏa thuận số như vậy không phải là mới mẻ và Mỹ sẽ bước vào "một lĩnh vực đông đúc" các bên tham gia, bởi lẽ các hiệp định thương mại lớn như CPTPP và RCEP đã bao hàm cả những sáng kiến kỹ thuật số.

Cho nên, Mỹ sẽ cần có một cơ sở lý luận rõ ràng và thuyết phục để khởi xướng một hiện định thương mại khác và quốc gia này sẽ cần đem lại giá trị gia tăng cho các thành viên tiềm năng. 

Nước Mỹ chính thức có nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử
Bà Kamala Harris đã đi vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ, người da màu và người gốc Nam Á đầu tiên đảm nhận cương vị Phó Tổng thống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư