Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 12 năm 2024,
Giữ chính sách tiền tệ trung hòa đến đầu năm tới
Thùy Vinh - 08/12/2024 08:38
 
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ (Ngân hàng UOB Việt Nam) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ lãi suất chính sách như hiện nay trong chính sách tiền tệ trung hòa đến đầu năm 2025.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ (Ngân hàng UOB Việt Nam).

Nhận định của ông về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm nay?

Nhóm Nghiên cứu Ngân hàng UOB vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam. Theo đó, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan quản lý Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát ổn định vĩ mô trong năm 2024, tạo nền tảng cho các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025.

Với các kết quả phục hồi ấn tượng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút khách du lịch, chúng tôi dự báo, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt từ 6,4% trở lên.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi đang tăng do tín dụng tăng cuối năm. Liệu Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh lãi suất điều hành, thưa ông?

Về chính sách ổn định lãi suất VND, cơ quan quản lý đã quyết định không thay đổi các mức lãi suất chính sách kể từ tháng 6/2023. Thay vào đó, cơ quan quản lý linh hoạt thay đổi các mức lãi suất can thiệp mang tính thương mại (tín phiếu, mua bán giấy tờ có giá). Đây là bước đi hợp lý nhằm ổn định tâm lý thị trường.

Mặt bằng lãi suất VND trong vài tháng qua vẫn ở mức ổn định, với lãi suất huy động từ các ngân hàng thương mại cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng là 4-4,5% và 5-5,5% cho kỳ hạn 12 tháng. Đây là mức lãi suất phù hợp trong tổng thể lạm phát năm 2024 dưới 4% và lãi suất USD quốc tế quanh mức 4,5%.

Mức lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng cho các kỳ hạn cũng đang được giao dịch quanh 4% và có thể tăng cao hơn vào những tuần cuối năm và gần Tết Nguyên đán, nhưng vẫn sẽ nằm trong mức quản lý điều tiết từ cơ quan quản lý.

Tỷ giá có chịu áp lực cuối năm khi mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng?

Trong hơn 11 tháng qua, USD tiếp tục khẳng định giá trị vượt trội nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, đồng thời lãi suất USD tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Gần như toàn bộ các đồng tiền quan trọng trong thương mại và đầu tư toàn cầu đều chịu sức ép giảm giá từ 1 đến 10% so với USD, trong đó, VND nằm ở mức trung bình. Đây là một thành công lớn trong việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá lớn trên thị trường chứng khoán và chuyển vốn về nước.

Sự ổn định tỷ giá này được hỗ trợ mạnh mẽ nhất từ cán cân thương mại thặng dư lớn, dòng tiền giải ngân từ thu hút đầu tư trực tiến nước ngoài (FDI) tiếp tục ổn định, cùng nguồn cung từ kiều hối và du lịch. Bên cạnh đó, NHNN đã và đang sử dụng hài hòa các công cụ trên thị trường tiền tệ (phát hành tín phiếu, mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá, bán can thiệp…) nhằm điều tiết thanh khoản VND và nhu cầu ngoại tệ biến động trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, chu kỳ cắt giảm lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm hơn kỳ vọng. Điều này có thể tạo áp lực lên tỷ giá USD so với các đồng tiền khác. Bên cạnh đó, những bất ổn trên toàn cầu cũng là yếu tố ảnh hưởng tỷ giá USD.

Trên cơ sở nhận đó, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ có những biến động tỷ giá và lãi suất lớn hơn, khó đoán định hơn.

Hiện tại, chúng tôi giữ nguyên dự báo về đợt cắt giảm lãi suất USD là 0,25% vào kỳ họp ngày 17-18/12/2024; sau đó là các đợt cắt giảm tổng cộng 1% trong năm 2025, đưa lãi suất USD xuống quanh mức 3,5% vào cuối năm 2025. Dự báo này là cơ sở thuận lợi cho NHNN tiếp tục ổn định lãi suất VND và tỷ giá USD/VND như hiện nay.

Chúng tôi cũng tiếp tục đưa ra dự báo tỷ giá VND/USD ở mức 25.400 - 26.200 VND/USD trong 2025.

Với tình hình kinh tế tiếp tục hồi phục và tăng trưởng, theo ông, chính sách tiền tệ có tiếp tục duy trì nới lỏng?

Có thể nói, kể từ lần cắt giảm các mức lãi suất chính sách vào tháng 6/2023, NHNN duy trì chính sách tiền tệ trung hòa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chứ chưa sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng.

Chúng tôi cũng nhận thấy, Việt Nam thống nhất triển khai đồng loạt nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, mà không cần phải sử dụng đến việc nới lỏng tiền tệ. Có thể kể đến như việc cơ quan quản lý liên tục tập trung mở rộng quan hệ đối tác kinh tế, mở rộng thị trường thương mại, thực hiện giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, cải cách thể chế theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước. Tất cả các giải pháp này góp phần thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn, tạo cơ sở để tiếp tục ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối, từ đó ổn định lãi suất và tỷ giá.

Với đánh giá như trên, dự báo Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa trong vài tháng đầu năm 2025.

Còn dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng
PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có hành động cắt giảm lãi suất USD vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư