Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Gỡ rối giúp dự án điện gió về đích
Thanh Hương - 27/06/2021 15:31
 
Để được hưởng giá mua điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, các dự án phải được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) trước 1/11/2021, khiến nhà đầu tư phải guồng chân mới hy vọng đáp ứng tiến độ.
Sẽ có không ít trong số 105 dự án điện gió, dù guồng chân, nhưng vẫn không thể được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.Trong ảnh: Vận chuyển cánh điện gió cho Dự án Nhà máy Điện gió Liên Lập (Quảng Trị) Ảnh: Thanh Hương

Nghiệm thu trước hay COD trước

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây có văn bản hỏi ý kiến Bộ Công thương về một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án điện gió.

Theo đó, để đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) với nhà đầu tư, EVN đang thực hiện theo Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công thương “quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió” và Văn bản số 3943/BCT-ĐL ngày 21/5/2018 về việc đấu nối, giải tỏa công suất các nhà máy điện gió, mặt trời; Văn bản số 736/BCT-ĐTĐL ngày 5/2/2021 về một số vấn đề cấp bách trong vận hành và đảm bảo an toàn hệ thống điện.

Cũng theo các văn bản trên, EVN đã bổ sung vào PPA mẫu ký với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo việc yêu cầu chủ đẩu tư cam kết dừng/giảm công suất nhà máy trong trường hợp quá tải, thừa nguồn và không có bất kỳ khiếu nại nào đối với EVN trong trường hợp này.

Đồng thời, trong quá trình rà soát các văn bản liên quan tới điện gió, EVN đã nhận thấy, theo khoản 9, Điều 1, Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện gió ban hành kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BCT, giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện là một điều kiện để công nhận COD.

Còn theo quy định tại khoản 1, Điều 29, Nghị định 137/2013/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực sửa đổi nêu rõ điều kiện cấp phép lĩnh vực phát điện là “có dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện khả thi, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được duyệt, có trang thiết bị, công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc theo thiết kế kỹ thuật được duyệt, xây dựng, lắp đặt, kiểm tra nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định”.

Căn cứ các văn bản pháp lý nêu trên, việc đàm phán, ký kết, công nhận COD và thanh toán đối với năng lượng tái tạo của EVN cho đến nay đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và hoạt động điện lực. Tuy nhiên, việc kiểm tra, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng không thuộc thẩm quyền của EVN, nên EVN không có đầy đủ thông tin về tính tuân thủ của các chủ đầu tư về hoạt động này.

Để đảm bảo chặt chẽ trong  đầu tư xây dựng và đưa công trình vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật cho các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian tới, EVN đã đề nghị Bộ Công thương bổ sung "văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng" vào điều kiện để công nhận COD cho các dự án điện gió được quy định trong các Hợp đồng mua bán điện mẫu hiện nay.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục để thực hiện Điều 8, Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công thương về thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió trên nguyên tắc các bên bán điện có trách nhiệm làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để công nhận công trình đủ điều kiện để đưa vào vận hành theo đúng quy định của pháp luật, cung cấp cho bên mua điện các tài liệu làm cơ sở để công nhận COD.

Đua tốc độ với gió

Cho tới đầu tháng 6/2021, EVN đã ký PPA với 130 dự án điện gió, tổng công suất 7.405,78 MW. Trong đó, có 12 dự án đã đi vào vận hành thương mại.

Các dự án dự kiến tiếp tục vào COD trước ngày 1/11/2021 là 105 dự án, với tổng công suất 5.671,7 MW. Ngoài ra, có 13 dự án với tổng công suất 1.152,13 MW không thể kịp COD trước ngày 1/11/2021.

Vì có 13 dự án điện gió không thể COD kịp hưởng giá tốt, thậm chí dự báo không ít dự án trong số 105 dự án điện gió dù guồng chân vẫn không thể kịp về đích trước ngày 1/11/2021, cũng như thực tế dự án điện mặt trời vận hành từ ngày 1/1/2021 mà vẫn chơi vơi không biết tính tiền điện ra sao, EVN đã đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn cơ sở pháp lý để đàm phán, ký kết PPA các dự án nhà máy điện gió có ngày COD sau 31/10/2021.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, EVN kiến nghị, đối với các dự án có công trình đấu nối không đảm bảo tiến độ trước ngày 1/11/2021 thì chỉ thực hiện công tác đóng điện, nghiệm thu, công nhận COD sau khi được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công thương phê duyệt phương án đấu nối tạm và cho phép công nhận COD khi đấu nối tạm.

Đối với các dự án vận hành sau thời điểm hết hiệu lực của Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thì tạm thời không thực hiện các thử nghiệm liên quan và không huy động cho đến khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Đối với việc thử nghiệm các dự án điện gió, điện mặt trời sau thời điểm COD, EVN kiến nghị cho phép Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia rà soát và phê duyệt các thử nghiệm lần lượt cho từng nhà máy khi có đăng ký, đảm bảo không ảnh hưởng đến công suất phát của các nhà máy điện khác. Trong trường hợp chưa bố trí được thử nghiệm do điều kiện hệ thống, cho phép kéo dài thời hạn quy định tại Quyết định số 25/QĐ-ĐTĐL ngày 26/3/2019 của Cục Điều tiết điện lực.

Giá mua điện gió sắp được điều chỉnh tăng
Giá mua điện gió - nút thắt lớn nhất trong việc phát triển điện gió của Việt Nam có thể sẽ được tăng lên vào cuối tháng này hoặc đầu 2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư