Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 10-14/4: Cần vài phiên tích lũy trong biên độ 1.055 - 1.075 điểm
Hải Trần - 10/04/2023 07:38
 
Trên đồ thị tuần, VN-Index vẫn giữ được trên mốc MA20 (tương ứng vùng 1.050 điểm). Đây sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn nhà đầu tư nên lưu ý.

Đà tăng ngắn hạn có dấu hiệu chững lại trong tuần giao dịch đầu tháng 4. Kết phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.070 điểm, tương ứng tăng 0,5% so với tuần trước. Đáng chú ý, thanh khoản bình quân phiên cải thiện đáng kể khi tăng 34%, đạt khoảng 15.700 tỷ đồng.

Về diễn biến các nhóm ngành, nhóm dịch vụ tài chính; xây dựng và vật liệu; hóa chất là top 3 nhóm tăng giá mạnh nhất tuần qua với mức tăng lần lượt là 4,47%; 3,24% và 3;04%. Ngược lại nhóm bảo hiểm giao dịch ảm đạm với mức giảm 1,64%.

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng mạnh vào nhóm Bất động sản, Xây dựng và vật liệu, Hóa chất, giảm ở nhóm Ngân hàng, Tài nguyên cơ bản, Bán lẻ.

Khối ngoại bán ròng hầu như cả tuần qua với tổng giá trị trên cả 3 sàn đạt 780 tỷ đồng tập trung vào các mã STB; VND; VNM. Chiều ngược lại mua ròng mạnh các mã VIC; HPG; HDB.

Tự doanh mua bán khá cân bằng, song vẫn nghiêng về bán ròng nhẹ 8 tỷ đồng. Top các mã tự doanh bán ròng chủ yếu bao gồm SSI; ACB; CEO. Trái lại VPB; C4G; GMD được mua ròng nhiều nhất.

Ngược chiều với khối tổ chức, cá nhân trong nước tuần này tích cực vào ròng với giá trị đạt khoảng 670 tỷ đồng.

 Theo số liệu của FiinRatings, tính đến ngày 17/3/2023, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94,43 nghìn tỷ đồng (bao gồm 4.157,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chậm trả đã đáo hạn từ 2022), chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong đó, có 43 tổ chức phát hành là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nợ ở mức 78,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

Sắp tới giai đoạn quý II và quý III/2023 là đỉnh điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp của nhóm bất động sản. Tuy nhiên, động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý cũng như hoạt động triển khai và mở bán dần được khôi phục.

Thông tin thế giới đáng chú ý, OPEC+ (Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và đối tác) - vốn chiếm hơn 40% sản lượng dầu thô của thế giới, thông báo cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày.

Việc cắt giảm sản lượng dầu được các nhà phân tích cho là tạo cân bằng chặt chẽ giữa cung và cầu Song điều này sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ chống lạm phát của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Quan ngại hơn, giá dầu cao có thể gây suy yếu nhu cầu, đồng thời khiến lạm phát dai dẳng ở mức cao và tạo ra nguy cơ suy thoái kinh tế lớn hơn.

Với các diễn biến trên,  Agriseco Research nhìn nhận, sau chuỗi tăng 10 phiên liên tiếp, VN-Index xuất hiện tín hiệu điều chỉnh trong 2 ngày cuối tuần với tổng mức giảm khoảng 1% kèm khối lượng giao dịch ở mức cao trong 1 tháng gần đây.

Agriseco Reseach cho rằng, áp lực bán xuất phát từ tâm lý chốt lời của nhà đầu tư khi nhiều cổ phiếu đã cho tỷ suất sinh lời từ 10 - 20% trong giai đoạn thị trường tăng giá vừa qua. Song với việc hình cây nến rút chân từ vùng giá 1.063 điểm (tương ứng hỗ trợ MA150) trong phiên cuối tuần cho thấy đà giảm có dấu hiệu chững lại. Trên đồ thị tuần, VN-Index vẫn giữ được trên mốc MA20 (tương ứng vùng 1.050 điểm). Đây sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn nhà đầu tư nên lưu ý. 

Dự báo thị trường tuần tới, Agriseco Reseach nghiêng về kịch bản, VN-Index sẽ cần một vài phiên tích lũy trở lại trong biên độ 1.055 - 1.075 điểm trước khi chinh phục lại các vùng giá mục tiêu phía trên.

Về xu hướng dòng tiền, dòng tiền tuần qua có sự chuyển dịch từ nhóm vốn hóa lớn sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ và chỉ tập trung vào một số ngành có câu chuyện như chứng khoán, bất động sản, khu công nghiệp. 

Trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I dần được hé lộ, Agriseco Reseach cho rằng, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục phân hóa vào các cổ phiếu có lợi nhuận tăng trưởng và triển vọng kinh doanh tích cực. Tại vùng hỗ trợ của chỉ số, nhà đầu tư có thể thăm dò với các nhóm cổ phiếu sau:

(1) Nhóm có triển vọng kết quả kinh doanh quý I và bán niên tăng trưởng bao gồm một số nhóm như xây dựng, vận tải dầu

(2) Nhóm có kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2022 kém khả quan và kỳ vọng phục hồi trong năm 2023 như chứng khoán, thép, chăn nuôi

(3) Các cổ phiếu có kế hoạch kinh doanh năm 2023 khả quan và tỷ lệ chi trả cổ tức hấp dẫn

Agriseco Reseach ưu tiền lựa chọn các doanh nghiệp đầu ngành, tài chính lành mạnh, kết quả kinh doanh quý I và bán niên dự kiến cải thiện hoặc có câu chuyện tăng trưởng giai đoạn tới và đang có mức định giá phù hợp.



Tìm điểm cân bằng để ngân hàng rót “tiền tươi” giải cứu trái phiếu doanh nghiệp
Thông tư số 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đang được nghiên cứu sửa đổi theo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư