Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 28/3-1/4: Khó đột phá ngắn hạn, chờ thời cơ bứt phá trở lại
Phan Hằng - 27/03/2022 12:28
 
Nhà đầu tư mua vào khi thị trường test vùng hỗ trợ 1.425- 1.450 điểm phiên 14/3-15/3 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại, cân nhắc chốt lời nếu tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 1.520 điểm.

Thị trường có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp trong bối cảnh mà căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thể chấm dứt bằng một thỏa thuận trên bàn đàm phán. Và giá dầu trong tuần qua cũng biến động mạnh khi giảm vào đầu tuần, tăng trở lại vào giữa tuần và lại điều chỉnh giảm về cuối tuần sau khi EU ra quyết định không cấm vận dầu Nga.

Điểm tích cực là thanh khoản có sự cải thiện cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường gia tăng. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 29,4 điểm (+2%) lên 1.498,5 điểm; HNX-Index tăng 10,54 điểm (+2,3%) lên 461,75 điểm. Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng trong tuần qua.

Dù thanh khoản khớp lệnh trong tuần qua được cải thiện cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường nhưng sự thận trọng đã xuất hiện khi thị trường vượt ngưỡng 1.500 điểm. Tình hình trên thế giới trong tuần qua cũng không có diễn biến mới khi mà giới đầu tư vẫn đang quan sát tình hình chiến sự tại Ukraine cũng như lo ngại về lạm phát gia tăng.

Trên HoSE, khối ngoại mua ròng với giá trị ròng 2.500,69 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng ròng 40,18 triệu cổ phiếu. Trên HNX, khối ngoại bán ròng với giá trị ròng 34,46 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng ròng 920.000 cổ phiếu.

Trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia SHS cho rằng, thị trường sẽ khó có thể bứt phá trong ngắn hạn, mà có lẽ sẽ thiên về giằng co và tích lũy nhiều hơn. Do đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 28/3-1/4, VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.480-1.520 điểm để tích lũy nền giá chờ thời cơ bứt phá trở lại. Các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào khi thị trường test vùng hỗ trợ 1.425- 1.450 điểm trong phiên 14/3 và 15/3 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc chốt lời nếu thị trường tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 1.520 điểm. Quyết định mua thêm chỉ hợp lý nếu thị trường có nhịp giảm mạnh về vùng hỗ trợ 1.425-1450 điểm một lần nữa.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết Việt Nam nhận định, nếu nhìn về chỉ số thì lình xình suốt giai đoạn vừa qua, trong ngắn hạn thì chịu áp lực chốt lời, đặc điểm thị trường đang không lên bằng bluechip, VN30 sideway trong nền giá tương đối thấp, trong khi penny và midcap lên nhiều. Nhìn lại mà cuối năm trước VN30 nhiều hơn VN-Index 70-100 điểm, nay thì gần bằng nhau.

Thị trường lình xình, chỉ số lình xình, điều chỉnh và hồi phục cũng nhẹ nhàng vì vẫn nằm trong biên độ vì cổ phiếu lớn chưa tăng. Tiền quấn ở cổ phiếu vừa và nhỏ, phải chờ khi nào bluechip nổi sóng thì thanh khoản và chỉ số mới tăng cao.

Dòng tiền phân tán hết nhóm này nhóm khác, như xây dựng vật liệu, bất động sản hồi phục tốt, còn phân bón, dầu khí, thủy sản, cảng biển… tăng rất nhiều trong 1-2 tháng nay.

Thị trường thế giới, như Mỹ giảm rất mạnh, chỉ 2 tuần qua hồi phục mạnh, phá trend giảm hình thành từ đầu năm đến nay. Tức bình diện thế giới xấu và chỉ mới hồi phục, còn VN-Index giảm thấp nhất chỉ 7%, trong khi quý I đón nhận quá nhiều tin xấu từ thế giới (lạm phát phi mã, thắt chặt tiền tệ, Fed tăng lãi suất, chiến sự Nga phức tạp…), ở trong thị trường Việt Nam thì đáo hạn phái sinh và cơ cấu ETF.

Sắp tới mùa ĐHĐCĐ, dự báo dòng tiền midcap, penny sẽ rút bớt, chảy vào bluechip vì liên quan cổ phiếu đầu ngành thì có nhiều tin tốt hơn, khi đó thị trường rõ ràng sôi động và tăng cao.

Cần lưu ý, so với cùng kỳ, thì ở quý I/2021 lãi suất thấp, cả thế giới bơm tiền, và không thấy được thời điểm nào Fed tăng lãi suất. Bối cảnh hiện nay đã khác, như ở Mỹ thì gói QE đã không còn, lãi suất đã tăng lần đầu và dự báo có 6 lần tăng nữa (kỳ tháng 12 chỉ dự báo tăng 3-4 lần), chính sách tiền tệ thắt chặt, cung tiền giảm rất rõ, và tháng 5 tới có thể thông báo giảm bảng cân đối kế toán – đó mới là thủy triều của các thị trường tài chính.

Trước khi có khủng hoảng dịch bệnh xảy ra, bảng CKĐT của Fed duy trì ổn định trong 10 năm, chỉ hơn 4.000 tỷ USD, nhưng khi có dịch bệnh thì liên tục đẩy cao gần 9.000 tỷ USD trong 2 năm .Điều này cho thấy cung tiền cực lớn, giờ thắt lại thì bối cảnh hoàn toàn khác

Thứ hai, sau 1 năm tăng trưởng mạnh, nên nền giá trên thị trường đang ở mức cao, trong khi chính sách tiền tệ thắt lại thì đương nhiên sideway, đi chậm ở vùng này, đây là gốc rễ liên quan dòng tiền trên thị trường.

Thị trường quý I/2022 có tăng được thì cũng đang ở nền cao, nếu cùng kỳ năm 2021 tăng được 20% thì năm nay tăng được 5% đã là mừng. Nguồn lực dành cho thị trường cũng bị hạn chế, vì yếu tố cung tiền giảm, chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt và vấn đề lớn của các nền kinh tế là rủi ro lạm phát. Trên thế giới, rủi ro này thể hiện khá rõ ràng và hiện hữu, ở mức cao nhất lịch sử 10 năm nay. Ở Viêt Nam thì chậm hơn 1 chút nhưng các bên tham gia có góc nhìn sẽ tăng lãi suất thì về cơ bản họ sẽ thận trọng, không còn hồ hởi như năm ngoái là ôm rất nhiều tiền đi đầu tư. 

Góc nhìn TTCK tuần 14-18/3: Không sớm lấy lại mốc 1.470, VN-Index có thể chỉnh về 1.425-1.450 điểm
Vậy là sau 4 tuần liên tiếp giao dịch giằng co và rung lắc với biên độ 1.470-1.520 điểm, thị trường đã đánh ngưỡng 1.470 điểm sau tuần qua....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư