Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Hạ đường huyết nguy hiểm thế nào?
D.Ngân - 25/05/2024 08:18
 
Chị N. lên cơn co giật, mất ý thức, gia đình nghĩ “ma nhập” nên đeo 10 vòng trừ tà vào tay. Đến khi chị sùi bọt mép, đi cấp cứu, bác sĩ phát hiện đột quỵ giả (stroke mimic) do hạ đường huyết, nguy cơ tử vong.

Chợp mắt tỉnh dậy sau 1 đêm, chị P.T.H. (30 tuổi, Long An) thấy mình đang nằm ở bệnh viện, chị cố gắng gọi bác sĩ để hỏi nhưng miệng không thể nói, tay chân không cử động được.

Ảnh minh họa.

Chị nhìn thấy 2 tay đeo khoảng 10 vòng đủ loại màu sắc mà gia đình chị thường dùng để trừ tà (tránh ma nhập). Gia đình chị H. kể lại, sau khi “trừ tà” không hiệu quả, gia đình đưa chị H. đến bệnh viện, lúc này, gia đình mới biết hiện tượng này do tụt đường huyết.

Bác sĩ CKII Trương Thị Vành Khuyên, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải thích chị nhập viện do bị hạ đường huyết nặng.

Đột quỵ giả được định nghĩa là tình trạng người bệnh nhập viện với các triệu chứng giống bệnh đột quỵ trong thời gian vàng cấp cứu (3 giờ đầu).

Tuy nhiên, phim chụp MRI lại không ghi nhận các tổn thương thiếu máu não cấp như ở bệnh nhân đột quỵ. Có khoảng 20% - 50% người bệnh đột quỵ cấp tính đi cấp cứu được chẩn đoán ra đột quỵ giả chứ không phải bệnh đột quỵ thật.

Trường hợp của chị H., chị nhập viện trong tình trạng co giật, hôn mê, mất ý thức, đường trong máu hạ thấp chỉ còn 47 mg/dL (bình thường đường huyết đói trên 80mg/dL).

Bác sĩ Khuyên giải thích các triệu chứng của hạ đường huyết rất giống với đột quỵ não như co giật, hôn mê, liệt tay chân, nhưng sau khi được điều trị kịp thời, các triệu chứng này lui dần và hình chụp sọ não không phát hiện tổn thương não mới do nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Tình trạng này gọi là chứng đột quỵ giả trong y khoa.

Hạ đường huyết ở người tiểu đường không chỉ xảy ra ở người có đường huyết kiểm soát tốt, mà còn thường xảy ra ở người đường huyết cao.

Chị H. là một trường hợp điển hình. Trả lời câu hỏi vì sao chị H. bị tiểu đường có mức HbA1c 12.31% (chỉ số bình thường từ 5.7%) cao mà lại nhập viện vì hôn mê hạ đường huyết, bác sĩ Khuyên giải thích, hạ đường huyết ở người tiểu đường thường do tiêm quá liều insulin; dùng sai liều thuốc; bỏ bữa hay ăn quá ít, tập luyện gắng sức, gặp các tình trạng cấp tính khác như chấn thương, nhiễm khuẩn…

Chị H. vốn bị tiểu đường, đường huyết cao nhưng do sợ bị tăng đường huyết, chị hạn chế ăn uống nhưng vẫn dùng liều insulin cũ. Vì liều insulin cũng như các loại thuốc viên hạ đường huyết khác được sử dụng để điều chỉnh đường huyết ở trạng thái sức khoẻ bình thường, ăn uống bình thường. Khi người bệnh ăn kém, bỏ bữa, quên ăn… thường có nguy cơ bị hạ đường huyết.

Đây không phải là lần đầu tiên chị H. cấp cứu do hạ đường huyết, nhưng đây là lần đầu chị bị co giật và mất ý thức. Phát hiện tiểu đường vào tháng 3/2023, chị H. được điều trị bằng insulin.

Trong 5 tháng đầu điều trị, đường huyết chị luôn cao, có khi cao hơn 500mg/dl. Chị phải cấp cứu 2 lần do tăng đường huyết và 1 lần bị nhiễm toan ceton (biến chứng cấp tính nguy hiểm do tiểu đường, đe dọa đến tính mạng).

Gần đây chị không dám ăn nhiều, mỗi lần chỉ ăn 2 thìa cơm gạo lứt, ăn nhiều rau, ngoài bữa chính thì chị không ăn gì thêm, luôn kết thúc ăn tối trước 19 giờ. Trước nhập viện 1 tháng, chị đã đi cấp cứu 1 lần do hạ đường huyết với triệu chứng mệt, run người, nhưng vì sợ đường huyết tăng nên gần đây chị vẫn cố gắng ăn rất ít.

Nhớ lại lúc trước nhập viện, chị H. kể: “Tờ mờ sáng, gia đình tôi nghe tiếng động trong phòng, bước vào thấy tôi đang co giật, mắt trợn ngược. Nghĩ do ma nhập nên đeo gần chục vòng trừ tà vào tay. Nhưng khi thấy tôi ngày càng co giật mạnh hơn, sùi bọt mép nên đưa đi cấp cứu”.

Tại bệnh viện, chị H. được bù dịch, truyền đường, giúp đường huyết trở về mức ổn định. Chị H được tiếp tục ở lại bệnh viện để điều chỉnh liều thuốc và thói quen sinh hoạt, lối sống… tránh hạ đường huyết tái phát. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe chị H. ổn định nên chị được xuất viện.

Bác sĩ Khuyên khuyến cáo nhiều trường hợp bị hạ đường huyết, người nhà phát hiện chỉ cho ăn uống hoặc truyền đường, sau đó lại tiếp tục toa thuốc cũ. Hậu quả là ngày hôm sau người bệnh lại tiếp tục bị tụt đường dẫn đến tổn thương não, hôn mê sâu.

Bác sĩ Khuyên cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ giả. Hơn nữa đường huyết bị tụt thấp quá hay tăng cao quá đều gây ra đột quỵ giả.

Đường huyết dưới 70mg/dL được coi là hạ đường huyết và khi đường huyết dưới 50mg/dL là hạ đường huyết nặng (trường hợp của chị H. là 47.7mg/dL). Tình trạng hạ đường huyết nặng nếu không được xử lý kịp thời có thể gây tổn thương não.

Hơn nữa, người bệnh bị đột quỵ giả do tăng hay hạ đường huyết có thể gặp một số vấn đề khác như té chấn thương, tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim cấp…

Do đó, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý phòng ngừa nguy cơ hạ đường huyết như dùng thuốc đều đặn đúng liều, ăn uống đầy đủ, theo dõi đường huyết thường xuyên và khi bị ốm hoặc ăn kém cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn điều chỉnh liều thuốc phù hợp. Khi đường huyết tăng cao trên 250 mg/dL, người bệnh cũng cần nhanh chóng liên lạc với bác sĩ để điều chỉnh thuốc kịp thời.

Bác sĩ Khuyên khuyến nghị người tiểu đường nên có tâm lý thoải mái khi điều trị bệnh nhằm kiểm soát đường huyết tốt hơn. Người tiểu đường cần có hiểu biết cơ bản về chế độ ăn, đặc biệt chú ý lượng tinh bột, trái cây, đồ ngọt để tránh đường huyết tăng quá cao hoặc tụt quá thấp như trường hợp của chị H.

Đột quỵ giả có liên quan đến đường huyết ở người tiểu đường hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ vào chế độ ăn điều độ và phác đồ điều trị phù hợp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư