Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
dẫn nước sông Hồng về Tô Lịch
Hà Nội dành 550 tỷ đồng dẫn nước sông Hồng về Tô Lịch
Linh Nguyễn - 10/01/2025 14:20
 
UBND thành phố Hà Nội vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư xây dựng công trình cấp nước khẩn cấp, bổ cập từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường và đảm bảo cảnh quan đô thị.

Sông Tô Lịch dài 13,4 km, bắt đầu từ mương Nghĩa Đô (đường Hoàng Quốc Việt) và thoát ra hai hướng: qua cửa điều tiết đập Thanh Liệt đến sông Nhuệ hoặc qua tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu đến trạm bơm Yên Sở, nơi nước được bơm cưỡng bức ra sông Hồng.

Việc khôi phục dòng chảy và cải thiện chất lượng môi trường sông Tô Lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Hà Nội. Hiện tại, vào mùa khô, sông Tô Lịch thường rơi vào tình trạng cạn kiệt, trơ đáy bùn, gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đô thị.

Với chiều dài 13,4 km, ngày nay Tô Lịch chỉ còn là hệ thống thoát nước thải của Thành phố, mỗi ngày hứng khoảng 150.000 m3 nước thải từ các khu dân cư.

Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 119 cống xả liên quan đến sông Tô Lịch, phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bờ sông trong khuôn khổ dự án Nhà máy Xử lý Nước thải Yên Xá. 

Tuy nhiên, vẫn còn 32 cống chưa được kết nối với hệ thống thu gom chung, nằm trên đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ, do thuộc các dự án khác. Sở Xây dựng đang nghiên cứu phương án trình UBND Thành phố để đưa các cống này vào hệ thống thu gom về nhà máy xử lý Yên Xá, đồng thời dự kiến bịt một số cống để dẫn nước về sông Nhuệ.

Dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý Nước thải Yên Xá được triển khai với mục tiêu chính là tách toàn bộ nước thải, nước mưa vào hệ thống thoát nước chung, qua đó cải thiện chất lượng nước các dòng sông, bao gồm cả sông Tô Lịch. Từ đầu tháng 12/2024, nhà máy này đã bắt đầu vận hành thí điểm, dự kiến hoàn thiện toàn bộ vào năm 2027.

Song song với Dự án Yên Xá, Hà Nội cũng đang triển khai các dự án khác nhằm phòng chống ngập úng và cải thiện môi trường lưu vực sông Tô Lịch gồm Dự án Trạm bơm Liên Mạc và hệ thống thu gom, xử lý nước thải lưu vực S3. Nhưng các dự án này mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa thể triển khai ngay.

Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị xây dựng công trình khẩn cấp với tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện thực tế. Theo quy định tại Luật Xây dựng sửa đổi ngày 17/6/2020, việc quyết định xây dựng các công trình khẩn cấp để giải quyết vấn đề môi trường thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án cấp nước bổ cập từ sông Hồng vào sông Tô Lịch dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng, sử dụng ngân sách thành phố. UBND thành phố Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9/2025. Đồng thời, Thành phố đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ để đảm bảo tiến độ và mục tiêu của dự án.

Sông Tô Lịch từng là một chi lưu quan trọng của sông Hồng, gắn bó sâu sắc với lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và gián đoạn nguồn nước bổ cập đã khiến chất lượng nước sông suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, sông chủ yếu tiếp nhận nước từ hồ Tây, nước mưa và nước thải.

Theo dự báo, đến hết nhiệm kỳ 2026 - 2030, các công trình bổ cập nước từ sông Hồng cho sông Tô Lịch và sông Nhuệ vẫn chưa thể hoàn thiện theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050. Việc đầu tư công trình khẩn cấp lần này sẽ là giải pháp ngắn hạn, góp phần duy trì dòng chảy và cải thiện môi trường sông Tô Lịch trong bối cảnh các dự án lớn hơn vẫn đang triển khai.

Hà Nội tính dùng phương án từ 40 năm trước để cứu sông Tô Lịch
Hà Nội đang lấy ý kiến các chuyên gia về đề án bơm nước sông Hồng vào hồ Tây sau đó xả vào sông Tô Lịch để làm sạch dòng sông chết này - một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư