Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Hà Nội điều chỉnh 31 dự án dùng vốn đầu tư công; GRDP Hà Nội tăng trưởng 8,89%
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 10/12/2022 11:13
 
Năm 2022, tăng trưởng GRDP Hà Nội ước đạt 8,89%; Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh 31 dự án sử dụng vốn đầu tư công…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Nâng tầm hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

Việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện” nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước.

4 tỷ USD là số vốn mà Tập đoàn LG (Hàn Quốc) dự định đầu tư vào Việt Nam trong tương lai. Thông tin này được ông Kwon Bong Seok, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn LG đưa ra tại buổi tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với 9 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc, nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 4 đến ngày 6/12 của Chủ tịch nước.

Phó chủ tịch LG cho biết, Tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam 5,3 tỷ USD, trong nhiều lĩnh vực, như sản xuất máy ảnh, điện tử, điện gia dụng, thiết bị ô tô. LG có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam. Tương lai, LG sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD nữa. Tập đoàn mong muốn đưa Việt Nam là trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai.

Cùng với LG, các “ông lớn” của Hàn Quốc như Hyundai Motor, GS E&C, Doosan... cũng chia sẻ với Chủ tịch nước về kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch Daewoo E&C Hàn Quốc Jung Won-ju cho biết, Tập đoàn chuẩn bị tổ chức Diễn đàn hợp tác đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc sau chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước, dự kiến vào giữa tháng 12 này, qua đó, kết nối doanh nghiệp hàng đầu hai nước để đẩy mạnh hợp tác đầu tư.

Có thể nói, việc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam đã và đang góp phần củng cố vị thế đứng đầu của nhà đầu tư này tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến ngày 20/10/2022, Hàn Quốc duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với 80,611 tỷ USD. Đồng thời, Hàn Quốc đứng thứ 3 về hợp tác thương mại với Việt Nam, với kim ngạch song phương đạt 66,65 tỷ USD (2019), 65 tỷ USD (2020) và 78 tỷ USD (2021).

Hai bên đã triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), duy trì kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, hướng đến mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030. Việc tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thể mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây vào thị trường Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng.

Về tiềm năng hợp tác đầu tư trong thời gian tới, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng, du lịch, xây dựng các khu tổ hợp chuyên sâu, khu công nghiệp - nông nghiệp chất lượng cao, khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc khẳng định, sự phát triển của lĩnh vực tài chínhngân hàng là yếu tố cần thiết cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế, đề nghị Việt Nam hỗ trợ tích cực để các tổ chức tài chính của Hàn Quốc vào Việt Nam, qua đó hỗ trợ mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam.

Đặc biệt, với sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Với nhiều nội dung hợp tác quan trọng được hai bên thống nhất, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây sẽ là nền tảng để nâng tầm quy mô hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.

Đà Nẵng có 946 dự án vốn FDI, tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD

Ngày 6/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng đã thông tin về tình hình thu hút Dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Theo đó, tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2022, thành phố Đà Nẵng thu hút 133,462 triệu USD vốn đầu tư FDI. Trong đó, số dự án cấp mới toàn thành phố là 43 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 69,397 triệu USD, chỉ đạt 46,33%  so với cùng kỳ năm 2021. Cùng kỳ năm 2021, TP.Đà Nẵng thu hút 38 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 149,784 triệu USD.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng, dự án ngoài Khu công nghiệp là 40 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,353 triệu USD. Trong Khu công nghiệp có 3 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 65,043 triệu USD

Ngoài ra, dự án điều chỉnh vốn đầu tư có 34 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 5,725 triệu USD, đạt 56,02% so với cùng kỳ năm 2021.

Về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thì 51 lượt với tổng giá trị 58,340  triệu USD, tăng 509.3% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng kỳ năm 2021 có 49 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua phần vốn góp, góp vốn trong tổ chức kinh tế với giá trị là 11,454 triệu USD.

Như vậy, lũy kế đến 30/11/2022, thành phố Đà Nẵng có 946 dự án FDI đã cấp, với tổng vốn đăng ký 4,063 tỷ USD.

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, kết thúc quý III/2022, tổng sản phẩm (GRDP) Thành phố tăng đến 39,15% so với cùng kỳ 2021. So với cùng kỳ năm 2021, khu vực dịch vụ tăng trưởng cao nhất với mức tăng 48,35%; công nghiệp – xây dựng tăng 20,84%; nông lâm nghiệp thủy sản tăng 7,13% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 16,74%.

Kết quả tăng trưởng mạnh mẽ của quý III/2022 đã kéo GRDP thành phố Đà Nẵng 9 tháng năm 2022 tăng vọt đến 16,76% so với cùng kỳ năm 2021. 

Gần 1.100 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, cải tạo quốc lộ 8C tại Hà Tĩnh

Chiều ngày 6/12, ông Lê Anh Sơn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Tĩnh cho biết, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C đoạn từ Thiên Cầm - Quốc lộ 1 và đoạn từ Quốc lộ 8 đến đường Hồ Chí Minh được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 268/QĐ-BGTVT ngày 03/3/2022 giao Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Ngã tư giao Km5+500 quốc lộ 8C với tuyến đường ĐH.127 đoạn qua thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Ngã tư giao Km5+500 quốc lộ 8C với tuyến đường ĐH.127 đoạn qua thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Dự án có tổng chiều dài 27,7 km, gồm 02 đoạn: Đoạn 1, từ Thiên Cầm đến Quốc lộ 1 dài 11km, từ nút giao với Quốc lộ 15B tại thị trấn Thiên Cầm đến nút giao với Quốc lộ 1 tại thị trấn Cẩm Xuyên.

Các đoạn qua khu vực đô thị hiện trạng của thị trấn Thiên Cầm (Km0 - Km1+550), thị trấn Cẩm Xuyên (Km9+270 ÷ Km11) thiết kế đạt tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60km/h, rộng 19,42m với 4 làn xe cơ giới.

Đoạn ngoài khu vực đô thị từ Km1+550 ÷ Km9+270 thiết kế đạt tiêu chuẩn  đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Bề rộng nền đường 12,0m, bề rộng mặt đường 11,0m.

Đoạn 2, từ Quốc lộ 8 đến đường Hồ Chí Minh dài 16,7km, từ nút giao với Quốc lộ 8 tại xã Sơn Long đến nút giao với đường Hồ Chí Minh tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cấp III, miền núi; tốc độ thiết kế 60km/h. Bề rộng nền đường 9,0m, bề rộng mặt đường 8,0m.

Tổng mức đầu tư dự kiến 1.076 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước (nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh).

Hiện nay, Sở GTVT đang trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến dự án sẽ khởi công xây dựng vào năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025, ông Sơn cho biết.

Theo lãnh đạo Sỏ GTVT Hà Tĩnh, dự án này hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện Quốc lộ 8C theo quy hoạch được duyệt. Tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác trên đoạn tuyến kết nối Quốc lộ 1 với Khu du lịch Thiên Cầm.

Dự án cũng đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn giao thông, hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn vào mùa mưa lũ tại khu vực bờ tả ngạn sông Ngàn Phố; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực.

Quy hoạch Liên Khương là sân bay quốc tế, công suất 5 triệu khách/năm vào năm 2030

Cục Hàng không Việt Nam vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một trong những điểm nổi bật nhất tại tờ trình này là việc cơ quan Quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không kiến nghị điều chỉnh nhiều nội dung quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương để đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh Lâm Đồng.

Cảng hàng không Liên Khương. (Ảnh: A.T)
Cảng hàng không Liên Khương. (Ảnh: A.T)

Cụ thể, vị trí, chức năng của Cảng hàng không Liên Khương trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc là cảng hàng không quốc tế; tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương có cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm; tổng số vị trí đỗ tàu bay là tối thiểu 21 vị trí.

Loại tàu bay khai thác của Cảng hàng không Liên Khương trong giai đoạn đến năm 2030 là A320, A321, B747, B787, A350 và tương đương.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp I; công suất tối thiểu 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là A320, A321, B747, B787, A350 và tương đương.

Về hệ thống đường cất hạ cánh, trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hiện hữu kích thước 3.250m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng tối thiểu 7,5m. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Tây thêm 350m, kích thước đường cất hạ cánh lên thành 3600m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng tối thiểu 7,5m.

Trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ xây dựng nhà ga hành khách T2 công suất 3 triệu hành khách/năm ở phía Đông nhà ga hành khách T1 hiện hữu. Khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 5 triệu hành khách/năm. Có dự trữ quỹ đất để mở rộng khi có nhu cầu. Xây dựng nhà ga hàng không chung khi có nhu cầu ở phía Tây nhà ga T1 hiện hữu, gần khu vực đài chỉ huy. -Đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 lên công suất 5 triệu hành khách/năm. Khai thác đồng thời cả nhà ga T1 và T2 với tổng công suất 7 triệu hành khách/năm. Có dự trữ quỹ đất để mở rộng nhà ga T2 lên công suất 10 triệu hành khách/năm; nghiên cứu mở rộng hoặc xây dựng lại nhà ga T1 trên khu đất hiện hữu đạt công suất 5 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu. Tổng công suất 2 nhà ga có thể đạt 15 triệu hành khách/năm.

Cũng trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ ây dựng nhà ga hàng hóa trên khu đất khoảng 23.300m2, đáp ứng công suất tối thiểu 20.000 tấn hàng hóa/năm. Có dự trữ đất để phát triển.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021- 2030 là 340,84ha và sẽ tăng lên 486,84 ha giai đoạn đến năm 2050.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét, làm việc với Bộ Quốc phòng để thống nhất nhu cầu sử dụng đất quốc phòng.

Bên cạnh đó,  Bộ GTVT sớm làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về quy mô quy hoạch, phương án quy hoạch và đề nghị địa phương quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông kết nối đi/đến Cảng hàng không Liên Khương trong quy hoạch của tỉnh theo phương án đề xuất của tư vấn.

Quảng Ngãi sẽ rà soát dự án chậm tiến độ để chấm dứt chủ trương đầu tư

Theo bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 29/8/2022, trên địa bàn có 27 dự án đầu tư còn hiệu lực, với quy mô sử dụng đất hơn 588 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó: Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp có 9 dự án, quy mô sử dụng đất khoảng 213ha; tổng vốn đăng ký đầu tư trên 9.200 tỷ đồng; ngoài Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp còn có 18 dự án với quy mô sử dụng đất khoảng 375ha; tổng vốn đăng ký đầu tư 5.800 tỷ đồng.

https://Baodautu.vn/quang-ngai-se-ra-soat-du-an-cham-tien-do-de-cham-dut-chu-truong-dau-tu-d179673.html
https://baodautu.vn/quang-ngai-se-ra-soat-du-an-cham-tien-do-de-cham-dut-chu-truong-dau-tu-d179673.html

Trong số này, hiện có 7 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, 1 dự án đang triển khai, 3 dự án chưa hoạt động, 16 dự án chưa triển khai xây dựng và đang trong quá trình triển khai các thủ tục sau chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Phần lớn các dự án du lịch khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đất đai do liên quan đến đất công, tài sản công. Thực tế phần lớn các dự án du lịch được cấp chủ trương đầu tư trước năm 2018 nhưng đến thời điểm này chưa có luật quản lý tài sản công, dẫn đến việc trong quá trình thực hiện gặp rắc rối. Hơn nữa, việc tự thỏa thuận về đất với các hộ dân có trong dự án không đạt kết quả” - bà Ái cho biết.

Theo bà Ái còn có một số nguyên nhân khác như: Các quy định có liên quan giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư, đấu thầu còn có sự bất cập, nên các dự án chưa thể thuê đất và triển khai dự án theo tiến độ được phê duyệt. Năng lực dự báo thị trường, quản lý, vận hành của nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế, chưa có sự đột phá.

Bà Ái cho rằng, tỉnh chưa có quỹ đất để chủ động kêu gọi nhà đầu tư tham gia đấu giá, đấu thầu thực hiện dự án; các sản phẩm du lịch hiện nay chưa thật sự đa dạng, đủ sức hấp dẫn và tạo sự lan tỏa trong việc cạnh tranh để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.

 “Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là đánh giá về điều kiện tiếp cận đất đai để dự án được thuê đất, đảm bảo quy hoạch trước khi triển khai các bước tiếp theo. Đối với các dự án đầu tư không đảm bảo tính khả thi, chậm tiến độ sẽ được rà soát và kịp thời tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực của chủ trương đầu tư dự án để thực hiện lại theo hình thức đấu giá, đấu thầu” - bà Ái nói.

Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Không thể quy hoạch tồi mà có sản phẩm tốt. Trong thời gian qua, quy hoạch của Quảng Ngãi kém nên không có sản phẩm chất lượng, không có nhà đầu tư chuyên nghiệp và đủ mạnh”.

Ông Minh dẫn chứng, các tỉnh lân cận như Bình Định, Quảng Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vì có quy hoạch bài bản. Tại Quảng Ngãi, không có vị trí quy hoạch nào tầm 2.000 ha, chủ yếu nhỏ lẻ 5 - 7 ha. Đây là vấn đề cần phải khắc phục.

Năm 2022, tăng trưởng GRDP Hà Nội ước đạt 8,89% 

Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố Hà Nội và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, sáng 7/12, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu tổng quát của năm với 22/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch; tạo việc làm cho trên 56.000 lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua ngân hàng chính sách; 

Hỗ trợ trên 1.400 hộ thoát nghèo, 6.670 hộ thoát cận nghèo. Đồng thời, thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng cho trên 72.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế được giảm trên 13.000 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho gần 19.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 12.000 tỷ đồng;…

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng phát triển. Thành phố Hà Nội đã ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực văn hóa và con người của Thủ đô. 

Đến nay, ngân sách Thành phố đã bố trí trên 11.400 tỷ đồng để thực hiện 668 Dự án; ngân sách cấp huyện bố trí 677 tỷ đồng để đối ứng các dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng GRDP của Thành phố phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ, quý sau tăng cao hơn quý trước; lũy kế 9 tháng năm 2022, GRDP tăng 9,69% - là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (cả nước tăng 8,83%, TP.HCM tăng 9,97%) và cả năm 2022 dự kiến tăng 8,89%. 

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. 

Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 90,1% dự toán; chi thường xuyên đạt 95,5% dự toán.

Công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường được tăng cường. Thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 130 khu đất với tổng diện tích 136,5 ha. 

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai theo Nghị quyết số 04 của HĐND Thành phố Hà Nội; trong đó có 213 dự án đã xử lý, 191 dự án còn lại phân thành 9 nhóm, phân công các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện.

Trong năm 2023, Thành phố Hà Nội tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp và thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của Thành phố.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đồng bộ, thống nhất với hệ thống tiêu chuẩn, định mức, đơn giá của từng ngành, từng lĩnh vực.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển các động lực tăng trưởng mới với trọng tâm chọn chuyển đổi số là động lực phát triển; phát triển các mô hình kinh tế mới; đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án đường Vành đai 4; đánh giá, rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao chất lượng đầu tư công…

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. 

Dự báo năm 2023 tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động trực tiếp đến đất nước và Thủ đô; Bí thư Hà Nội đề nghị cần xác định rõ thứ tự ưu tiên, lộ trình giải quyết, cách thức tổ chức triển khai thực hiện, nhất là với các nhiệm vụ nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đã xác định được trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhất là, các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách, đầu tư công trung hạn, công trình trọng điểm; liên quan đến các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 

Đặc biệt, cần đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đột phá để tập trung vào một số chỉ tiêu đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, xem xét kỹ lưỡng những cơ chế, chính sách lớn, quan trọng liên quan trực tiếp tới việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; đời sống dân sinh; việc thực hiện các nhiệm vụ cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2025 và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Ngoài ra, cần quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tập trung vào 3 khâu đột phá. Đặc biệt, phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của Thành phố; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023; tập trung thực hiện GPMB đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

TP. Hà Tĩnh sẽ có đường vành đai phía Đông gần 950 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Hà Tĩnh, Dự án Đường vành đai phía Đông TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Trung ương được HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua tại Nghị quyết tháng 12/2020, nay đơn vị bắt đầu triển khai mời thầu.

Theo đó, trong giai đoạn 1 sẽ đấu thầu qua mạng chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu 06.XL Xây dựng đoạn K0+00 - K9+525; đoạn K14+145,54 - K15+775,47 và phần còn lại của nút giao đường Hải Thượng Lãn Ông. Gói thầu có giá dự toán 419,857 tỷ đồng; thời gian thực hiện 36 tháng; dự kiến mở thầu ngày 23/12/2022.

Theo thiết kế, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 16,4 km, điểm đầu giao với đường Tỉnh lộ 9 tại cầu Hộ Độ; điểm cuối giao quốc lộ 1 tại cầu Phủ (trên tuyến đầu tư mới 1 cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài khoảng 66 m); mặt ngang nền đường 35 m; dự kiến hoàn thành vào năm 2025…

Trước đó, Dự án Đường vành đai phía Đông TP. Hà Tĩnh được HĐND tỉnh Hà Tĩnh tại thông qua Nghị quyết số 254/NQ-HĐND ngày 8/12/2020. Dự án có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn Ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự án được đầu tư nhằm mục tiêu phát triến đô thị, kinh tế xã hội TP. Hà Tĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung; mở rộng không gian đô thị thành phố, khai thác hiệu quả quỹ đất vùng ven để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thành phố theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Trước đó, tháng 5/2022, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hà Tĩnh để nghe kết quả triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đối với địa phương trong thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Tại cuộc làm việc này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị TP. Hà Tĩnh phối hợp với các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, mở rộng không gian đô thị theo đề án vừa được phê duyệt.

Trong đó, Thường trực Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đặc biệt lưu ý đến việc đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch mở rộng không gian đô thị TP. Hà Tĩnh

Năm 2023, TP. HCM sẽ hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng

Chiều ngày 8/12, tại kỳ họp thứ 8, HĐND TP. HCM khóa X, một số đại biểu đã chất vấn Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi về tiến độ xây dựng và hoàn thành các Dự án giao thông trọng điểm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Phan Văn Mãi cho biết, năm 2023, TP. HCM sẽ khánh thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự kiến trong ngày 21- 22/12 Thành phố sẽ chạy thử một đoạn metro dài 10 km, đến tháng 3/2023 sẽ chạy thử toàn tuyến trước khi đưa vào vận hành thương mại.

Ngoài tuyến metro số 1, cũng trong năm 2023, TP. HCM sẽ hoàn thiện 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; đường Lương Định Của; tỉnh lộ 8; nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ.

Đối với các dự án khởi công mới, năm 2023 sẽ khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) để chuẩn bị mặt bằng đến năm 2025 khởi công tuyến metro này.

Nói thêm về cách đầu tư các tuyến metro hiện nay, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, Thành phố đang rà soát để tiến tới xây dựng hệ thống metro theo hướng tiếp cận và làm nhanh hơn bằng việc huy động các nguồn vốn vay, áp dụng mô hình TOD (Transit Oriented Development) để vừa phát triển giao thông và gia tăng giá trị đất nhằm tận dụng khai thác quỹ đất để có vốn đầu tư trở lại cho hạ tầng.

Đối với dự án khép kín đường Vành đai 2, hiện tại đã hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên do hai đoạn của đường Vành đai 2 vốn đầu tư lớn nên Thành phố đang cân đối nguồn.

“Dự kiến, trong năm 2023 Thành phố sẽ thông qua chủ trương đầu tư để khởi công sớm. Phấn đấu khép kín đường Vành đai 2 cùng thời điểm hoàn thành đường Vành đai 3 vào cuối năm 2025”, ông Mãi thông tin.

Đối với đường Vành đai 4, hiện đang chuẩn bị hồ sơ, trong tháng 12/2022, Thành phố sẽ họp thống nhất với các tỉnh, thành có dự đi qua để triển khai. Dự kiến, tháng 5/2023 sẽ báo cáo để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Một số dự án quan trọng khác như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cao tốc TP. HCM - Chơn Thành, Thành phố đang xem xét  bố trí vốn cho giải phóng mặt bằng, còn vốn xây lắp là vốn của nhà đầu tư.

Song song với việc đầu tư các dự án đường bộ, Thành phố sẽ đầu tư cho giao thông đường thủy như nâng tĩnh không cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước để vận tải đường thủy thông suốt, khi đó sẽ chia lửa cho đường bộ.

Năm 2023, TP.HCM xây dựng trung tâm logistics đầu tiên

Trung tâm logistics ở Khu Công nghệ cao TP.HCM đang thực hiện đến bước thứ 8 trong 12 bước, năm 2023 sẽ xây dựng trung tâm logistics chuyên nghiệp đầu tiên.

Thông tin này được Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ trả lời đại biểu HĐND TP.HCM tại phiên chất vấn sáng 8/12, kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X.

Đặt câu hỏi chất vấn Đại biểu Nguyễn Thị Nga đề nghị cho biết, hiệu quả triển khai Đề án logistic trên địa bàn TP.HCM? Sau khi thực hiện đề án chi phí logistic thay đổi như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, phát triển logistics là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành phố được xác định tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM.

Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện tại doanh thu logistics của TP.HCM chiếm khoảng 8,8% GRDP và chi phí logistics của Thành phố cũng thuộc nhóm có chi phí lớn.

Khi làm đề án chi phí logistics chiếm khoảng 20% GRDP, sau khi thực hiện đề án đánh giá sơ bộ chi phí logistics giảm xuống 18,6%.  “Mặc dù chi phí logistics có giảm nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra”, ông Búi Tá Hoàng Vũ đánh giá.

Về các giải pháp để thực hiện giảm chi phí logistics, ông Vũ cho hay, Thành phố đã tăng cường đào tạo nguồn nhân lực logistics; khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số; xây dựng trung tâm logistics; Thành lập Hiệp hội logistics TP.HCM;  tổ chức diễn dàn logistics hàng năm…

Công nhân đang vận hành thử đoàn tàu metro số 1 tại phường Long Bình, TP. Thủ Đức.  Ảnh: Lê Toàn
Công nhân đang vận hành thử đoàn tàu metro số 1 tại phường Long Bình, TP. Thủ Đức. Ảnh: Lê Toàn

Riêng việc xây dựng các trung tâm logistics đang thực hiện các bước để mời gọi đầu tư Trung tâm logistics ở Khu Công nghệ cao TP.HCM. Hiện tại, Dự án này đã thực hiện đến bước thứ 8 trong 12 bước. Theo kế hoạch năm 2023 sẽ xây dựng trung tâm logistics chuyên nghiệp đầu tiên tại Thành phố.

Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ xây dựng 7 trung tâm logistics để phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay Thành phố chưa xây dựng được trung tâm nào.

Nhiều doanh nghiệp logistics cho biết, để đầu tư một trung tâm logistics đúng chuẩn thì cần nguồn vốn rất lớn có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Bởi vì một trung tâm logistics phải có diện tích đủ rộng (vài chục ha), được đầu tư đầy đủ chức năng vận tải, phân phối hàng hóa, có khu vực quản lý nhà nước về hải quan, thuế, trung tâm kiểm định chuyên ngành để cung cấp chuỗi dịch vụ tích hợp hoàn chỉnh.

Bên cạnh nguyên nhân về vốn, vấn đề thủ tục hiện nay cũng khiến doanh nghiệp “nản lòng”. Theo phản ánh của doanh nghiệp để đầu tư một trung tâm logistics, quy trình phải qua 12 bước, trong đó có những bước mất rất nhiều thời gian như lập, thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500; thực hiện các thủ tục về đất đai; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi…

Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh 31 dự án sử dụng vốn đầu tư công 

Chiều 8/12, tại Kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI, các đại biểu đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết Về phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số Dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thànhphố Hà Nội.

Nghị quyết HĐND Thành phố Hà Nội đã thống nhất thông qua 31 dự án, trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 11 dự án sử dụng ngân sách cấp Thành phố và 12 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 7 dự án sử dụng ngân sách cấp Thành phố và 1 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện.

Tại Nghị quyết được thông qua,  ngoài thống nhất như tờ trình, HĐND Thành phố Hà Nội đã giao UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư; 

Đồng thời, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo không trùng lặp và tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Bên cạnh đó, xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành. Trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. 

Trong công tác lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần lưu ý thực hiện ý kiến của các sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án. 

Đặc biệt là tăng cường kiểm tra nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình. 

Hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.

Trước đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân đã trình bày Tờ trình của UBND Thànhphố Hà Nội tổng số 35 dự án trình phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có 6 dự án nhóm A; 24 dự án nhóm B; 5 dự án nhóm C; 24 dự án quyết định chủ trương đầu tư, 11 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, trên cơ sở thuyết minh của UBND Thành phố Hà Nội về đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn để triển khai các dự án theo tiến độ dự kiến và các nội dung giải trình, báo cáo bổ sung của UBND, các Ban HĐND đã thống nhất đề nghị HĐND Thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 11 dự án sử dụng ngân sách cấp Thành phố Hà Nội và 12 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 7 dự án sử dụng ngân sách cấp Thành phố Hà Nội và 1 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện.

Trong báo cáo thẩm tra về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố Hà Nội, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND Thành phố Hà Nội cho biết: UBND Thành phố Hà Nội trình tại Kỳ họp hồ sơ của 35 dự án, trong đó có 24 dự án quyết định chủ trương đầu tư và 11 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đến thời điểm thẩm tra, các Ban của HĐND Thành phố Hà Nội đã nhận được hồ sơ của 34 dự án, trong đó 1 dự án về tăng cường đô thị giao thông bền vững cho dự án đường sắt đô thị số 3 trình ngày 2/12/2022 sau khi các Ban đã thẩm tra nên không đủ điều kiện để xử lý. Hồ sơ của 34 dự án bảo đảm theo quy định tại Nghị định 40 năm 2020 của Chính phủ.

Về các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư có 22 dự án ngân sách Thành phố Hà Nội thuộc các lĩnh vực giáo dục đào tạo dạy nghề, dân số, y tế, thông tin… Với 13 dự án cấp thành phố sử dụng ngân sách cấp huyện thuộc các lĩnh vực giao thông, trụ sở cơ quan Nhà nước, đoàn thể, trên cơ sở thẩm tra tờ trình, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND Thành phố Hà Nội đề nghị UBND Thành phố Hà Nội rà soát, bổ sung báo cáo về nhu cầu vốn và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách Thành phố Hà Nội đến năm 2025 để triển khai đầu tư các dự án lớn; 

Làm rõ việc tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công đối với các dự án kéo dài sang kỳ trung hạn 2026-2030.

Trong báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị HĐND Thành phố Hà Nội chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 2 dự án tại kỳ họp này; giao cho UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. 

Đó là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng và dự án xây dựng đường Tây Thăng Long đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng, do dự án nhóm A chưa đáp ứng đủ yêu cầu của Thành phố Hà Nội.

Ban Kinh tế - Ngân sách cũng kiến nghị không xem xét 1 dự án Xây dựng khu tái định cư trên địa bàn khu Đồng Chằm, Đồng Vai, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ do chỉ đề nghị điều chỉnh tiến độ. 

Việc điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố Hà Nội theo điểm d, khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội.

Vốn FDI vào nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế

Tại Diễn đàn "Xúc tiến đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Thúc đẩy làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào phát triển nông nghiệp bền vững" do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại TP.HCM sáng 9/12, các chuyên gia nhận định, đầu tư nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong NN&PTNT như bổ sung nguồn vốn, tăng trưởng xuất khẩu, tạo việc làm cho người dân…

Từ giai đoạn 2010 đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản duy trì ổn định, đạt 2,83%/năm trong giai đoạn 2011-2020, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm 8 -10% trong 2011-2020, kim ngạch xuất khẩu 2010 - 2020 đạt 350,55 tỷ USD, tăng bình quân 8,05%/năm.

Tuy nhiên, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nông nghiệp Việt Nam.

Tổng số Dự án lũy kế còn hiệu lực trong ngành nông nghiệp 2009 - 2021 là 1.984 dự án, chiếm 5,7% trong tổng số dự án đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ trọng số dự án vào nông nghiệp chiếm 11,4%, tỷ trọng vốn đăng ký vào nông nghiệp chiếm 15,6% (tính đến 20/12/2021).

Ngoài ra, có hiện tượng chèn ép, thao túng của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước và nông dân. Tồn tại nguy cơ lợi dụng xuất xứ, đầu tư núp bóng tăng lên, có dấu hiệu nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam nhưng chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản, lắp ráp, rồi cho xuất khẩu dưới xuất xứ Việt Nam chứ không đầu tư máy móc hiện đại.

Nguyên nhân do chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; khó tiếp cận đất nông nghiệp với quy mô đủ lớn; dịch vụ logistic hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp còn hạn chế.

Đặc biệt, quy định doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp phát triển dự án nông nghiệp tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp nhu cầu đầu tiên của họ là đất đủ lớn và đất sạch hoặc là kết hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp trong nước hoặc hợp tác xã để cung cấp nguồn nguyên liệu. Đây là một trong những khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp đặt ra… Tuy nhiên quy định hiện nay không cho phép doanh nghiệp nước ngoài được hợp tác trực tiếp với các hợp tác xã hay người sản xuất”.

Theo ông Phong, để đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp nhà nước cần phải cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng và logistics ngành nông nghiệp, xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đổi mới công tác xúc tiến và quản lý đầu tư nông nghiệp.

Quảng Trị sẽ xem xét nguồn vốn dự phòng để hoàn thiện tuyến tránh Đông Hà

Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Trị ngày 9/12, lãnh đạo tỉnh này cho biết đang xem xét dùng nguồn vốn dự phòng, cân đối vốn đầu tư công trung hạn để trình HĐND cho chủ trương đầu tư hoàn thiện tuyến tránh Quốc lộ 1A phía đông Thành phố Đông Hà.

Ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Trị cho biết, Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A phía đông TP. Đông Hà dài 22,4km, từ Dốc Miếu huyện Gio Linh đến giáp phía Bắc Trạm thu phí BOT Quốc lộ 1A xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018.

Do thiếu nguồn vốn nên đến nay mới hoàn thành được 5 km đoạn phía Nam.

Theo vị lãnh đạo này, năm 2022, tỉnh Quảng Trị đề xuất các bộ ngành Trung ương bố trí vốn để hoàn thiện đoạn còn lại. Thế nhưng, Bộ Giao thông Vận tải chỉ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, bố trí gần 400 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đoạn phía Bắc từ Dốc Miếu huyện Gio Linh đến cầu Sông Hiếu. Riêng đoạn 4,2km còn lại ở giữa tuyến từ cầu Sông Hiếu đến phía Nam thành phố Đông Hà chưa có nguồn vốn.

Nguồn vốn này theo đại diện Sở GTVT Quảng Trị, vẫn đang chờ ý kiến từ các bộ, ngành.

Trong khi chờ nguồn vốn của Trung ương bố trí, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Quảng Trị tham mưu tỉnh tái cấu trúc lại Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây và đưa đoạn 4,2 km còn lại của tuyến tránh Quốc lộ 1A phía đông thành phố Đông Hà vào dự án này.

Giám đốc Sở KHĐT Quảng Trị Trương Chí Trung, cho biết “Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây có tổng nguồn vốn 2.060 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2021-2026. Theo đó, sẽ giãn tiến độ một số hạng mục Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây, ưu tiên nguồn vốn thực hiện đoạn còn lại tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông TP. Đông Hà.

Quốc lộ 1A đi qua trung tâm TP Đông Hà chỉ "một đoạn" nhưng được ví là “cung đường tử thần” vì thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, cướp đi mạng sống nhiều người.

Và điều đặc biệt, TP. Đông Hà hiện là đô thị duy nhất cả nước có Quốc lộ 1A đi qua nhưng chưa có đường tránh. 

Cử tri Quảng Trị đã nhiều lần ý kiến, Dự án đường tránh thực hiện chậm trễ ngày nào thì xung đột giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A qua thành phố Đông Hà càng nghiêm trọng, tai nạn giao thông luôn rình rập.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1A phía Đông Thành phố Đông Hà là cấp bách, không thể chờ đợi lâu hơn nữa.

Các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành Trung ương đề nghị hỗ trợ nguồn vốn hoàn thiện đoạn còn lại tuyến tránh này. Phương án cuối cùng, nếu Trung ương không bố trí vốn, tỉnh cũng nên xem xét sử dụng nguồn vốn dự phòng, cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm tới của tỉnh, điều chuyển vốn từ công trình khác ưu tiên cho tuyến tránh tránh Quốc lộ 1A phía Đông thành phố Đông Hà, ông Quang cho ý kiến.

Gia Lai ưu tiên thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao

Ông Lê Tiến Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, có khí hậu đa dạng và diện tích lớn, thích hợp phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

“Để phát huy những lợi thế này, Gia Lai đã và đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Do vậy, Gia Lai đang ưu tiên thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn”, ông Lê Tiến Anh nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai, hiện nay, một số dự án nông nghiệp công nghệ cao thuộc danh mục thu hút đầu tư chưa có nhà đầu tư đăng ký, tỉnh đang kêu gọi một số nhà đầu tư lớn, có năng lực và kinh nghiệm để đầu tư: Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất rau, hoa, cây ăn quả với quy mô 500 ha tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông; Dự án trồng rau an toàn; Hoa chất lượng cao với quy mô 100 - 200 ha tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, huyện Đăk Đoa, huyện Đăk Pơ, huyện Chư Pưh, huyện Phú Thiện, huyện Ia Pa…

Ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các ban, sở, ngành tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có chứng nhận như: VietGAP, 4C, GlobalGAP, UTZ, Organic, Rainforest Alliance...

Đồng thời, tập trung phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động, thông minh. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án đường trục phía Nam Hà Nội sẽ hoàn thành trước năm 2025

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, sáng 9/12, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (tổ huyện Phú Xuyên) đặt câu hỏi về tiến độ Dự án đường trục phía Nam. Theo đại biểu, tại Kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội cam kết đến ngày 15/7/2022 sẽ chỉ đạo Thanh tra Thành phố rà soát tổng thể dự án và đến tháng 9/2022 Thành phố sẽ quyết định các nội dung liên quan triển khai dự án. 

Bên cạnh đó, theo các báo cáo chỉ đạo của Thành phố Hà Nội yêu cầu đến trước ngày 30/11/2022 nhà đầu tư và doanh nghiệp phải thống nhất phương án giải quyết. Sau thời gian trên không thống nhất được, Thành phố Hà Nội sẽ rà soát và chấm dứt dự án BT, chuyển sang dự án đầu tư công. Nội dung này giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, báo cáo tham mưu Thành phố Hà Nội.

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tuân đề nghị Thành phố cho biết việc thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội đến nay như thế nào? 

Trả lời chất vấn của đại biểu huyện Phú Xuyên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, dự án trục phía Nam Cienco theo cơ chế BT trước đây từ giai đoạn tỉnh Hà Tây chuyển về Thành phố Hà Nội, có một thời gian khá dài. 

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, đây cũng là vấn đề Thành phố Hà Nội rất bức xúc. Trên cơ sở có mâu thuẫn giữa chủ đầu tư là Tổng Công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) và doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần địa ốc Cienco 5 Land, quá trình này có đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phán ảnh, Thanh tra Chính phủ, cơ quan an ninh vào điều tra... nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã giao cho Thanh tra Thành phố Hà Nội thanh tra dự án. 

Đến ngày 24/8/2022, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 3271 báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát tổng thể dự án trục phía Nam Hà Tây và các dự án khác. Trên cơ sở này, Thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo các vấn đề về đất đai, giao thông.

Ngày 25/10/2022 UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản thông báo, theo đó để đảm bảo quyền, lợi ích của của Nhà nước, Thành phố và Nhân dân, đưa dự án vào khai thác không thể chờ được nữa. 

UBND Thành phố Hà Nội đề nghị trước ngày 30/11/2022 nhà đầu tư và doanh nghiệp có phương án thống nhất đảm bảo cơ sở pháp lý để giải quyết vướng mắc và cam kết tiến độ thực hiện dự án đầu tư BT, tuân thủ các quy định của pháp luật và có tính kế thừa.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho hay, tại thời điểm này nếu nhà đầu tư và doanh nghiệp không đạt được thoả thuận tiến độ, không đảm bảo cam kết đầu tư, Thành phố sẽ thu hồi dự án để đảm bảo lợi ích của Thành phố và Nhân dân. 

UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chuẩn bị sẵn phương án để dừng. Với sự quyết liệt của UBND Thành phố Hà Nội, mong mỏi của các huyện, trước ngày 30/11/2022 Tổng Công ty và Công ty đã đạt được thỏa thuận và có cam kết triển khai dự án trong thời gian tới.

Nhà đầu tư đã cam kết trước năm 2025 sẽ hoàn thành và chứng minh năng lực tài chính để đầu tư xây lắp ngay. Với đoạn trên 19km giai đoạn 2 khu Phú Mỹ Hưng. Đoạn 21km giai đoạn 1 đã xong, Thành phố sẽ quản lý vốn đối ứng riêng.

Thời gian tới, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đưa ra cơ chế đầu tư BT phù hợp với Luật Đầu tư, Đối tác công tư. Chủ đầu tư đã cam kết trước năm 2025 sẽ triển khai xong. 

Trên cơ sở này, đoạn 19km có trách nhiệm giải phóng mặt bằng thuộc về UBND huyện Ứng Hoà, Thanh Oai, hai huyện khẩn trương, hoàn thành sớm nhất công tác này. 

UBND Thành phố Hà Nội sẽ ủy quyền những nhiệm vụ chi tiết cho 2 huyện với tinh thần quyết tâm cao để triển khai thực hiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư