Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Hà Nội mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP
Nguyễn Linh - 31/05/2024 20:06
 
Theo báo cáo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thu nhập từ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đạt từ 450 - 500 triệu đồng/ha/năm nếu đầu ra thuận lợi.

Đối với những cây trồng có giá trị cao như dâu tây, cà chua bi, rau mầm, rau baby… được đầu tư trồng trong hệ thống nhà kính, nhà lưới, thu nhập có thể lên tới 900 triệu đồng/ha/năm.

Tại Hà Nội, Đông Anh là huyện đi đầu trong việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại Hợp tác xã Ba Chữ, huyện Đông Anh hiện có hơn 120 hộ thành viên tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 33,5ha đất trồng các loại rau: Cải canh, cải ngọt, cải chíp, rau dền, rau muống,…

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ chia sẻ, hợp tác xã có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP và 10 sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao. Các sản phẩm đều được dán mã QR, tem, logo của hợp tác xã để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, bảo đảm đúng tiêu chí “an toàn từ ruộng, truy xuất tới hộ”. 

“Trước đây, hầu hết bà con địa phương đều trồng rau thuần tự nhiên, chưa có nhiều phương pháp tiên tiến để đạt hiệu quả cao. Trước thực trạng trên, tôi đã tìm hiểu rồi thử nghiệm áp dụng mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP dù biết tiêu chuẩn này đòi hỏi rất nhiều tiêu chí, quy trình nghiêm ngặt.”, chị Huyền cho hay.

Trên diện tích 33,5ha, Hợp tác xã Ba Chữ trồng các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đến nay, hoạt động sản xuất của Hợp tác xã Ba Chữ đã ngày càng ổn định và đúng quy trình. Hầu hết các “vựa” rau đều sử dụng màng bóng vòm để tránh tối đa những tác hại của thời tiết đến cây trồng, giảm sâu bệnh hại. 

Đặc biệt, mô hình rau an toàn đem lại hiệu quả rất cao, thời gian sinh trưởng của rau chỉ mất từ 20 - 25 ngày, rút ngắn được 10 - 15 ngày theo phương thức thủ công. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã tiêu thụ ra thị trường (chủ yếu trên địa bàn TP. Hà Nội)  từ 3 - 5 tấn rau, doanh thu đạt gần 60 triệu đồng. Các sản phẩm của hợp tác xã đều có mã chống hàng giả giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Mặc dù việc phát triển các hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đi vào ổn định nhưng người dân vẫn gặp phải khó khăn khi những trường hợp bị tiểu thương, doanh nghiệp ép giá, khiến giá rau không ổn định. Mặt khác, nông sản VietGAP đưa vào tiêu thụ ở siêu thị không nhiều, phần lớn sản lượng rau phải tiêu thụ ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh.

Để có chứng nhận VietGAP, hợp tác xã phải hoàn thiện khoảng 65 tiêu chí. Chỉ riêng công đoạn lấy mẫu phân tích sản phẩm cũng mất ít nhất 3 - 4 ngày với điều kiện hợp tác xã trồng đồng nhất một loại rau màu, trên cùng một diện tích. Do đó, để sản xuất và duy trì chứng nhận VietGAP, các hợp tác xã phải chi phí khá lớn cho việc tư vấn, thuê tư vấn viên giám sát, phân tích, đánh giá mẫu đất, nước; tư vấn chứng nhận VietGAP, tái chứng nhận VietGAP…

Trong khi đó, theo Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thì chứng nhận VietGAP chỉ có thời hạn 2 năm.

Việc áp dụng quy trình VietGAP là điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã nâng cao những tiêu chí sản xuất và dễ dàng chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Song, để thúc đẩy phát triển các vùng trồng trọt theo hướng VietGAP, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã tiêu thụ nông sản; kết nối với siêu thị, doanh nghiệp chế biến nông sản. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Phong, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần đưa ra những chính sách và chương trình hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và đào tạo để giúp hợp tác xã nông nghiệp thực hiện tốt việc sản xuất an toàn. Đồng thời, cần có giải pháp thiết thực hơn trong việc kết nối, quản lý tiêu thụ nông sản an toàn, không chỉ qua các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, mà cả ở chợ dân sinh, chợ đầu mối.

Hà Nội thành lập mới nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác
UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư