Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Hà Nội nỗ lực đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Hưng Anh - 28/08/2024 07:59
 
Năng lực ngoại ngữ của học sinh Hà Nội hiện xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hà Nội đang là địa phương tiên phong, quyết tâm thực hiện đưa tiếng Anh trở hành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa khai giảng khoá đào tạo nâng chuẩn năng lực IELTS cho 1.900 giáo viên ngoại ngữ đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ của Thành phố. Bởi theo các nhà giáo, điều kiện dạy học, thiếu giáo viên cũng như thời lượng dạy tiếng Anh trong trường học hiện nay còn ít, là cản trở lớn nhằm đảm bảo dạy bộ môn này hiệu quả.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năng lực ngoại ngữ của học sinh Hà Nội hiện xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Địa phương tiên phong, quyết tâm thực hiện các giải pháp để dần dần từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa khai giảng khoá đào tạo nâng chuẩn năng lực IELTS cho 1.900 giáo viên ngoại ngữ đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Vì thế, ngành xác định phải có giải pháp bắt đầu từ nâng cao trình độ của đội ngũ nhà giáo, bởi “chỉ khi có giáo viên giỏi mới đào tạo được học sinh giỏi. Sau khi 1.900 giáo viên được đào tạo nâng cao trình độ, năng lực sẽ phải vượt qua kỳ thi sát hạch chuẩn. Từ “đội ngũ cái”, thầy cô toả về các trường dạy học, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng cho các giáo viên khác”.

Hà Nội cũng là địa phương đặt mục tiêu làm thế nào để nhanh chóng đào tạo được học sinh Thủ đô phải là học sinh toàn cầu, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn được trang bị kiến thức Tin học, Ngoại ngữ đủ mạnh để hội nhập với thế giới. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, Hà Nội và TP.HCM không so sánh chất lượng giáo dục với các địa phương khác mà phải so với các nước trong khu vực và thế giới.

Những năm học qua, Hà Nội cũng cử hàng trăm giáo viên có năng lực ngoại ngữ tốt đi đào tạo, học kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Sau khi trở về, nhóm giáo viên thành lập các câu lạc bộ để tiếp tục sinh hoạt, tập huấn cho giáo viên các trường ngoại thành.

“Thời gian tới, ngành sẽ chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên các bộ môn khác để có thể dạy song song ngoại ngữ cùng Toán, Khoa học tự nhiên đồng thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng cách tuyển mới, ký hợp đồng cũng như liên kết với các trung tâm Ngoại ngữ nhằm đảm bảo đội ngũ triển khai dạy học trong các trường”, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội.

Theo quyết định của Sở GD&ĐT, 1.900 giáo viên ngoại ngữ của Hà Nội sẽ được đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh quốc tế bằng hình thức trực tiếp từ tháng 8 đến tháng 12/2024.

Mong muốn là như vậy, tuy nhiên theo nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn Tiếng Anh đánh giá, mục tiêu đưa môn ngoại ngữ này trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học sẽ còn phải mất một thời gian khá dài nữa, chứ không thể đạt được trong ngắn hạn.

Lý do được đưa ra là thực trạng thiếu trường, thiếu lớp, sĩ số học sinh/lớp cao, thiếu giáo viên, trình độ, năng lực giáo viên ở các trường học, các cấp học chưa đồng đều…Như riêng về sĩ số, sĩ số của các lớp ở trường công lập rất đông, thường dao động từ 45-55 học sinh/ lớp mà mỗi tiết chỉ có 45 phút giảng dạy thì giáo viên rất khó để tương tác được với tất cả các em.

Mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học của Hà Nội xác định là con đường dài và gian nan vì còn nhiều khó khăn

Thầy giáo Trịnh Vũ Cường, giáo viên THCS ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) chia sẻ, để dạy học ngoại ngữ có hiệu quả thì học sinh phải được học thường xuyên với các kỹ năng nghe, nói thuần thục. Tuy nhiên thực tế là ở các trường tư thục học sinh học tiếng Anh tốt hơn vì được thiết kế học tăng cường 14-18 tiết/ tuần, học cả sáng và chiều hằng ngày. Trong khi đó, chương trình học ở bậc THCS hiện nay cũng mới chỉ dừng lại 3 tiết/tuần. Ở ngoại thành, vùng khó khăn, phụ huynh không có điều kiện đầu tư cho đi học thêm, cũng ít người có trình độ, điều kiện đồng hành cùng các con, nên các em không có môi trường học ngoại ngữ đủ tốt.

Thầy Cường cũng cho biết thêm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội lâu nay chỉ nhân đôi điểm môn Ngữ văn và Toán nên các em học sinh sẽ chú trọng vào 2 môn này hơn là môn Tiếng Anh.

Cô Nguyễn Phương Linh, giáo viên một trường Tiểu học nội thành Hà Nội cho biết, nhà trường có hơn 30 lớp học nhưng chỉ có 2 giáo viên bộ môn, vì thế nhà trường phải tuyển thêm giáo viên hợp đồng đứng lớp là 3 tiết/ tuần. Tình trạng thiếu giáo viên bộ môn ngoại ngữ đã và đang diễn ra ở nhiều trường thuộc Hà Nội. Do đó, việc cần kíp đó là bổ sung giáo viên bộ môn này.

Khó khăn vẫn còn rất nhiều, tuy nhiên, mục tiêu đưa Tiếng anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường được nhiều thầy và trò mong đợi và hào hứng. Nhiều thầy cô tin tưởng, chỉ cần có định hướng, vạch ra rõ lộ trình thì từng bước sẽ đạt được.

Trước đó, TP.HCM cũng xác định, ngay trong năm học 2024-2025, Thành phố cũng lựa chọn một số trường điểm để tiến hành trước việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Thiếu giáo viên - bài toán lớn của ngành giáo dục trong năm 2024
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học với chín khối lớp gồm: 1, 2, 3, 4,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư