Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Hà Nội phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao giá trị
Nguyễn Linh - 30/10/2024 10:34
 
Để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, ngành nông nghiệp Hà Nội đang chủ động phối hợp cùng các địa phương hỗ trợ nông dân phát triển vùng sản xuất an toàn và giám sát chất lượng nông sản cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Tăng cường giám sát vùng trồng

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn nhằm mang đến nguồn thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô. Tính đến nay, Hà Nội đã triển khai và vận hành 52 mô hình PGS, một hệ thống bảo đảm có sự tham gia trực tiếp của các tổ chức và cá nhân trong toàn bộ chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu thụ rau an toàn, với diện tích áp dụng vượt 2.000 ha. 

Trong đó, quy trình sản xuất và thu hoạch luôn được giám sát chặt chẽ và điều tra kỹ lưỡng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các đơn vị sản xuất và các sản phẩm vi phạm nghiêm trọng, góp phần duy trì tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của ngành nông nghiệp đã cấp 7 giấy xác nhận mã số vùng trồng tại các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Hoài Đức, Phúc Thọ.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình thâm canh bưởi theo hướng VietGAP, quy mô 13 ha tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng với hơn 40 hộ tham gia; mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác bền vững, quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm ở các huyện: Đông Anh, Mỹ Đức, Mê Linh; mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, quy mô 25ha, triển khai tại các huyện: Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thanh Oai...

Vườn bưởi Diễn hữu cơ của Hợp tác xã Đức Hậu - Lưu Quang (xã Trung Hoà, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Cùng với việc xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội đã tổ chức lấy 1.027 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết quả phân tích 829/1.027 mẫu cho thấy: 198 mẫu chưa có kết quả, 793 mẫu đạt yêu cầu chỉ tiêu phân tích (chiếm 97%), 26 mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm (phát hiện dư lượng chất xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, 12 mẫu phát hiện chất không được quy định mức giới hạn tối đa cho phép đối với sản phẩm)... 

“Ngoài ra, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng phân tích 391 mẫu nông, lâm, thủy sản với 22.886 lượt chỉ tiêu. Trong đó: 54 mẫu sản phẩm thịt; 39 mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản; 43 mẫu trái cây; 231 mẫu rau, củ, quả; 24 mẫu ngũ cốc và đã có 389/391 mẫu bảo đảm an toàn đối với chỉ tiêu được phân tích; 2/391 mẫu không bảo đảm an toàn với một số chỉ tiêu được phân tích”, bà Hằng cho biết thêm.

Tại huyện Chương Mỹ, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, gồm: 39ha rau theo VietGAP và GlobalGAP tại thị trấn Chúc Sơn và các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Thụy Hương; gần 100ha lúa VietGAP ở các xã Hồng Phong, Đông Sơn và Lam Điền, mỗi xã 30ha; 96ha lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và Việt Nam ở xã Đồng Phú và Nam Phương Tiến; bưởi VietGAP tại các xã Nam Phương Tiến, Trung Hòa. 

Ông Lê Hữu Diện, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang (xã Trung Hòa) cho biết, hợp tác xã luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học, mà dùng phân sinh học để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bưởi trồng theo hướng VietGAP sau khi thu hoạch có độ ngọt thanh, ít sâu bệnh, vỏ vàng bóng đẹp, ruột thơm, múi mọng nước, ngọt mà không đắng, càng để lâu càng ngọt và ngon hơn.

Ngăn chặn vi phạm an toàn thực phẩm, nguồn gốc không rõ ràng

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, việc mở rộng các mô hình nông nghiệp an toàn vẫn gặp khó khăn, chủ yếu do tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp, liên kết chưa bền vững và công tác quản lý an toàn thực phẩm phức tạp.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ cho nông dân, nhằm phát triển các vùng sản xuất an toàn gắn với chuỗi giá trị hàng hóa cao, bền vững. 

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp, giám sát khâu sơ chế, chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm để bảo đảm an toàn thực phẩm, với mục tiêu mỗi xã, thị trấn trên địa bàn có ít nhất một mô hình nông nghiệp an toàn được triển khai và giám sát chất lượng trên thị trường.

Để kiểm soát chất lượng nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ duy trì, phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ an toàn, khuyến khích mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP và ứng dụng công nghệ cao. 

Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với các địa phương nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi liên kết an toàn. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn quy định về an toàn thực phẩm sẽ được tăng cường, cùng với giám sát, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh và từ Hà Nội ra các tỉnh.

“Đặc biệt, trong các tháng cuối năm, sẽ tập trung kiểm tra, giám sát nhóm sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn, tiềm ẩn rủi ro cao” ông Nguyễn Đình Hoa lưu ý.

Xem “bí kíp” nông nghiệp trên nền tảng số, nông dân phấn khởi canh tác mùa vàng
Trong 5 năm qua, hàng ngàn kiến thức canh tác hiện đại, bí quyết bón phân hiệu quả cùng lời khuyên nông nghiệp hữu ích đã được Phân Bón Cà Mau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư