Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm
Minh Thắng - 20/10/2022 08:56
 
Quý 4/2022, Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường, giám sát chặt chẽ công tác hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

7 cơ sở bị yêu cầu dừng hoạt động

Lâu nay, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được chính quyền Thành phố Hà Nội và các cấp, ngành liên quan đặc biệt quan tâm. 

Nhằm tăng cường, giám sát chặt chẽ công tác hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm, đầuquý 2/2022, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022.

Những tháng cuối năm, Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường, giám sát chặt chẽ công tác hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm.

Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp từ thành phố đến cơ sở, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện thường xuyên, tránh chồng chéo, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm, sản phẩm thuộc diện tự công bố, đăng ký; sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm; nhóm sản phẩm OCOP dùng làm thực phẩm. 

Cùng với đó, kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

Theo số liệu báo cáo, Thành phố Hà Nội hiện có hơn 83.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong năm 2021, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố. Hà Nội đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, gồm các đoàn liên ngành và chuyên ngành. Các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 48.000 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm gần 7.000 cơ sở với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. 

Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn trước.

Thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Kế hoạch số 111/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã thẩm định, xếp loại 249 lượt cơ sở. Trong đó có 222 cơ sở xếp loại B, 10 cơ sở không đánh giá do sai địa chỉ kinh doanh, 17 cơ sở xếp loại C; 27 cơ sở được nâng hạng từ C lên B.

Cùng với đó, cơ quan chức năng ngành nông nghiệp Hà Nội đã cấp 242 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có 20 giấy chứng nhận cấp lại, đạt gần 89,2% tổng số cơ sở được Thànhphố đánh giá, phân loại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức thẩm định 121 lượt cơ sở, trong đó 112 cơ sở xếp loại B, 2 cơ sở xếp loại C, 7 cơ sở bị yêu cầu dừng hoạt động do không bảo đảm các điều kiện kinh doanh an toàn.

Các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã lấy 1.226 mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng. Trong số 844 mẫu đã có kết quả, có 803 mẫu đạt (chiếm 95,1%); 41 mẫu vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (chiếm 4,9 %).

Cần sự phối hợp chặt chẽ của 3 ngành 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nhìn chung nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả này vẫn còn đó những nỗi lo.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, Thành phố đang chuyển dần sang tiếp nhận bản tự công bố và hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tiếp nhận 1.819 bộ hồ sơ tự công bố thực phẩm chế biến nông sản, và đăng tải lên website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn thuộc ngành nông nghiệp quản lý. Đồng thời, tổ chức hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm đối với hàng chục cơ sở.

Trong số 21 mẫu sản phẩm tự công bố để kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát hiện 3 mẫu sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Các đoàn kiểm tra đã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép đối với 1 cơ sở, với tổng số tiền 40 triệu đồng.

Trong những tháng cuối năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của quận, huyện, thị xã. Đặc biệt là tại các quận, huyện có kết quả triển khai đạt thấp; quận, huyện có các xã, phường chưa triển khai Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt được hiệu quả cao nhất, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho rằng, thời gian tới, 3 ngành y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công thương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, có kế hoạch kiểm tra chuyên đề riêng của mỗi ngành trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng như hậu kiểm với những nội dung được giao.

Trong đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiểm tra riêng những vấn đề từ trang trại đến khâu nuôi trồng, ngành quản lý thị trường kiểm soát từ trang trại đến khâu lưu thông sản phẩm, và khi đến bàn ăn thuộc lĩnh vực của ngành y tế. 

Với các địa phương phải tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể tại địa phương, nếu phát hiện những sai phạm thì phải xử phạt nghiêm các cơ sở đó.        

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư