Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hàn Quốc muốn có thêm giấy phép ngân hàng tại Việt Nam
Hà Tâm - 05/01/2020 11:24
 
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Korcham) đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp thêm giấy phép cho ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam.
a
Nhà đầu tư Hàn Quốc đang gia tăng hoạt động tại Việt Nam.

Theo Korcham, để các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ổn định, sự cung cấp vốn từ các ngân hàng của Hàn Quốc là rất cần thiết. Vì doanh nghiệp mới đầu tư chưa có kết quả kinh doanh nên phải sử dụng khoản vay bằng tín dụng hoặc tài sản của công ty mẹ và muốn nhận thông tin địa phương và tư vấn tài chính từ các ngân hàng của Hàn Quốc.

Ngoài ra, doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam cũng có thể sử dụng các chính sách hỗ trợ khác nhau được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính sách của Hàn Quốc (Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh công nghệ...) thông qua các ngân hàng của Hàn Quốc.

“Hiện 71,5% các khoản đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc được thực hiện bởi các công ty công nghệ và sản xuất, và họ chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp địa phương, vì vậy, chúng tôi rất mong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ để các ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh và thành lập pháp nhân tại khu vực này”, Korcham đề nghị.

Hàn Quốc đang là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của ngành ngân hàng Việt Nam, ba nhà đầu tư lớn nhất là Keb Hana, Shinhan và Woori.

Cụ thể, mới đây, KEB Hana Bank vừa rót 860 triệu USD vào BIDV. Trong 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở nước ta, có tới 2 ngân đến từ Hàn Quốc là Shinhan Bank và Woori Bank. Ngoài ra, thị trường còn có gần chục chi nhánh, 6 văn phòng đại diện và 2 công ty cho thuê tài chính đến từ xứ sở kim chi.

Năm ngoái, thị trường xuất hiện thêm 2 công ty tài chính tiêu dùng thuộc về nhà đầu tư Hàn Quốc sau hai thương vụ M&A đình đám: Shinhan Card mua lại Prudential Finance và Lotter Card mua lại Techcombank Finance. Trước đó, Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc mua lại hơn 62% cổ phần của VNPT Pay - một fintech lớn ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc, bởi quy mô dân số lớn, tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ tài chính còn hạn chế, kinh tế tăng trưởng tốt, số người dùng điện thoại thông minh, mạng Internet phát triển nhanh… Đặc biệt, kênh bán lẻ và ngân hàng số, mobile banking phát triển mạnh ở Việt Nam  rất phù hợp với thế mạnh của nhà đầu tư Hàn Quốc.

Đến giữa năm nay, tổng tài sản của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam ước tính trên dưới 6 tỷ USD, trong đó riêng Shinhan Bank Việt Nam chiếm hơn một nửa (khoảng 3,6 tỷ USD). Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư muốn thâm nhập thị trường.

Ông Michael Dc Choi, Phó tổng giám đốc KOTRA Hà Nội, Trung tâm M&A toàn cầu KOTRA (Hàn Quốc) tiết lộ, hiện có 4 ngân hàng thương mại khác ở Hàn Quốc rất quan tâm việc mua cổ phần các ngân hàng nước ngoài, trong đó thị trường Việt Nam được đặc biệt quan tâm.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi đã khiến các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam làm ăn phát đạt và liên tục mở rộng quy mô.

9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của ShinhanBank tại Việt Nam đã gần bằng cả năm 2018. Trong năm 2018, lãi trước thuế của ngân hàng này là 2.100 tỷ đồng, tăng mạnh so với hơn 1.600 tỷ đồng năm 2017, gần 1.300 tỷ đồng năm 2016, 1.170 tỷ đồng năm 2015.

Trong khi đó, kẻ đến sau là Wooribank cũng ráo riết mở rộng mạng lưới, gia tăng quy mô hoạt động tại Việt Nam, lợi nhuận tăng lên nhanh chóng. Riêng trong năm 2021, ngân hàng này dự định mở thêm 5 chi nhánh tại VIệt Nam.   

Ngân hàng Hàn Quốc tăng hiện diện tại Việt Nam
Hôm nay (6/9), Ngân hàng TNHH Một Thành Viên Shinhan Việt Nam (“Ngân hàng Shinhan”) đã chính thức khai trương Chi nhánh Hoàn Kiếm tại Hà Nội. Đây là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư