Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hàng triệu tỷ đồng tài sản công đã được khai thác như thế nào?
Mạnh Bôn - 21/05/2018 08:16
 
“Bộ Tài chính đã hoàn thành quyết toán số thu ngân sách từ khai thác tài sản công năm 2016 và tổng hợp trong trong Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 khai mạc hôm nay”, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết.

Chiều nay (21/5), Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Thưa ông, việc khai thác tài sản công năm 2016 thế nào?

Tài sản công (tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý) có giá trị vô cùng lớn, trong đó chủ yếu là đất đai.

.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính

Cụ thể, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết toán số thu từ nhà đất (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền thuê đất, thu tiền sử dụng đất, thu bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước…) 123.793 tỷ đồng, tăng 62.664 tỷ đồng so với dự toán, trong đó chủ yếu là tăng thu từ nguồn sử dụng đất 49.619 tỷ đồng; tiền thuê mặt đất, mặt nước 9.765 tỷ đồng; thu từ việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước sau khi trừ đi chi phí liên quan liên quan 9.262 tỷ đồng... 

Tại Kỳ họp này, Bộ Tài chính cũng trình Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017. Theo đó, thu tiền sử dụng đất năm 2017 đạt 125.280 tỷ đồng, tăng 61.580 tỷ đồng so với dự toán; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước khoảng 27.000 tỷ đồng. 

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước mấy năm gần đây cho thấy, nguồn thu từ đất đai tăng khá mạnh, cơ cấu các khoản thu từ đất đai trong tổng thu ngân sách tăng dần. Điều này chứng tỏ, việc khai thác nguồn lực tài sản công nói chung, nguồn lực từ đất đai nói riêng từng bước hiệu quả hơn.

Nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, theo nhiều đại biểu Quốc hội, đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí, thậm chí thất thoát. Bộ Tài chính sẽ làm gì để quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công?

Xét về giá trị, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tập trung rất lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Vì vậy, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và UBND 5 địa phương kể trên để xử lý, sắp xếp lại. 

Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Các bộ, ngành phối hợp với UBND cấp tỉnh kiểm tra, rà soát, xử lý, sắp xếp cơ sở nhà đất của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. UBND cấp tỉnh sắp xếp lại, xử lý đối với nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Tinh thần của việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất phải bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm; đúng tiêu chuẩn, định mức; đúng mục đích sử dụng; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.

Để nâng hiệu quả sử dụng nhà đất theo nguyên tắc tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức, đúng mục đích, sau khi rà soát lại cơ sở nhà đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyết sẽ quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng; thu hồi; điều chuyển; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất; chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; tạm giữ lại tiếp tục sử dụng; sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Thưa ông, tài sản công bị thất thoát chủ yếu nằm ở khâu bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất?

Để tránh thất thoát tài sản công, theo quy định hiện hành (Nghị định 151/2017/NĐ-CP), việc bán tài sản công phải được thực hiện công khai theo hình thức đấu giá. Tài sản công chỉ bán theo hình thức niêm yết giá khi có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 250 triệu đồng và giá trị đánh giá lại từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Tài sản công bán theo hình thức chỉ định khi có nguyên giá dưới 250 triệu đồng và giá trị đánh giá lại dưới 10 triệu đồng, nhưng khi cần thiết vẫn có thể bán theo hình thức niêm yết giá. Hình thức bán niêm yết giá, bán chỉ định tài sản công không áp dụng trong trường hợp bán trụ sở làm việc và xe ô tô, trừ trường hợp đặc biệt.

Việc bán tài sản công theo hình thức đấu giá, niêm yết giá không chỉ bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, mà còn là điều kiện để Nhà nước thu hồi tối đa giá trị tài sản công đem bán, vì nhiều tổ chức, cá nhân cùng muốn mua thì giá trị tài sản được định giá cao hơn.

Để khai thác, quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước, ngoài việc thực hiện nghiêm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, còn phải tuân thủ nhiều văn bản pháp luật khác, như Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản; Luật Đất đai; Luật Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí…

Việc sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT hay còn được gọi là “đổi đất lấy công trình” được Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đang làm thất thoát tài sản công?

Bộ Tài chính sẽ sớm xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT sau khi Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành (ngày 19/6/2018).

Để tránh thất thoát, lãng phí trong việc “đổi đất lấy công trình”, Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT như sau: việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá; giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Giá trị dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu

Giá trị dự án BT là toàn bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; lãi vay huy động vốn đầu tư; chi phí khác.

Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công
Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư