Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội
Hanoi MIP 2023 có quy mô khoảng 250 gian hàng
Hồng Minh - 13/10/2023 17:38
 
Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2023 (Hanoi MIP 2023) do Sở Công thương Hà Nội tổ chức từ ngày 19 – 21/10/2023, dự kiến có quy mô từ 200 - 250 gian hàng.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2022, Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đã thu hút 5.000 khách tham quan, giá trị giao thương ước tính 5 triệu USD. 

Nằm trong chuỗi chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thủ đô, từ ngày 19 – 21/10/2023, Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2023 (Hanoi MIP 2023).

Hội chợ có sự phối hợp đồng hành của Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI), Cộng đồng doanh nhân Keieijuku Việt Nam và các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp trong và ngoài nước tham gia trưng bày.

Tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, hướng tới chuỗi sản xuất toàn cầu

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực là một trong những nội dung định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước dành cho Hà Nội trong 5 năm qua. 

Là trung tâm kinh tế của cả nước, Hà Nội đã tích tụ và tập trung sản xuất công nghiệp từ khá sớm, thu hút được nhiều doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất công nghiệp. 

Một số doanh nghiệp nội địa đã có bước phát triển mạnh về công nghệ kỹ thuật, áp dụng các quy trình quản lý sản xuất tiên tiến, trở thành nhà cung ứng thân thiết của các doanh nghiệp FDI.

Những năm gần đây, Hà Nội đang tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn với thực hiện có hiệu quả quy hoạch, định hướng, mục tiêu tái cấu trúc công nghiệp Thủ đô theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững. 

Sau 5 năm thực hiện đề án (2018-2022), UBND TP. Hà Nội đã công nhận tổng số 196 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. 

Các sản phẩm chủ lực, là thế mạnh của Hà Nội hiện nay bao gồm: đèn chiếu sáng, máy biến áp, phần mềm, sản phẩm nhựa, inox, đồ may mặc, van nước, mây tre đan xuất khẩu... với các doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn Sunhouse, Tập đoàn AMACCAO, Tổng công ty May 10… 

Các doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện và khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô; có tác động lan tỏa mạnh đến kinh tế Thành phố, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố trong thời gian tới, trong các nhóm giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, hướng tới chuỗi sản xuất toàn cầu, Hà Nội xác định, mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại và đào tạo là hai giải pháp trọng tâm hiện nay. 

Từ ngày 8/9/2023, Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Công ty TNHH Tư vấn năng suất và chất lượng quốc tế (IPQ) tổ chức chương trình đào tạo nghiệp vụ quản lý chất lượng QA-QC trong thời gian 6 buổi. 

Chương trình có sự tham gia của gần 60 học viên đến từ các Doanh nghiệp Hội viên HAMI. Theo đại diện HAMI, việc triển khai các khóa đào tạo nghiệp vụ quản lý chất lượng, đào tạo nhân lực có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những đối tác “khắt khe” như Nhật Bản, Bắc Mỹ, EU.

Trong tháng 10 này, HAMI đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương với chủ đề “Cơ hội kinh doanh chủ động trong tình hình biến động” vào ngày 6/10, có sự tham gia của 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực. 

Tiếp tục chủ đề này, vào ngày 19-21/10 tới đây, HAMI sẽ phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội năm 2023 (Hanoi MIP 2023). 

Hội chợ có quy mô từ 200 - 250 gian hàng, nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương tương hỗ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các hãng với các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp thương mại liên quan. Hội chợ còn có các đơn vị đồng hành như: Cộng đồng Keieijuku Việt Nam, NC Network Group và nhiều doanh nghiệp tiêu biểu của Hà Nội như: Tập đoàn Sơn Hà, Rạng Đông, Công ty cơ khí Minh Cường, Công ty ETEK, Công ty EMTC,…

Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2022, Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đã thu hút 5.000 khách tham quan, giá trị giao thương ước tính 5 triệu USD. 

Năm 2023, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hơn và các hoạt động bên lề như hội thảo, tọa đàm, trải nghiệm sản phẩm, Ban tổ chức kỳ vọng Hội chợ sẽ tạo ra them nhiều cơ hội kinh doanh giá trị lớn cho doanh nghiệp tham gia.

Hội chợ mở cửa tham quan miễn phí từ 9 giờ đến 17 giờ, trong 3 ngày 19-21/10. Thông tin chi tiết về các doanh nghiệp tham gia và lịch trình hoạt động tại Hội chợ được đăng tải trên website chính thức: https://congnghiepchuluc.com/ 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư