Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hậu Giang đa dạng hóa sản phẩm du lịch thu hút du khách
Trúc Giang - 23/11/2021 11:21
 
Hậu Giang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với mục tiêu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng	 Ảnh: Lý Anh Lam
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng Ảnh: Lý Anh Lam

Tài nguyên du lịch đa dạng

Hậu Giang nằm trên các trục giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn tỉnh có các tuyến quốc lộ đi ngang qua, như Quốc lộ 1, 61, 61B, 61C, Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp. Về giao thông thủy, tuyến sông Hậu, kênh xáng Xà No... là tuyến đường thủy huyết mạch của vùng. Hậu Giang còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái sông nước. Trong khi đó, cảnh quan sinh thái nông nghiệp thuận lợi cho việc hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh đó, với 16 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh), một số công trình văn hóa tôn giáo, lễ hội, làng nghề và ẩm thực với các đặc sản từ các sản phẩm nông nghiệp là yếu tố góp phần đa dạng hóa cho sản phẩm du lịch Hậu Giang.

Ngày 7/6/2021, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-UBND phê duyệt Đề án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Không gian nghiên cứu quy hoạch nằm trên toàn bộ không gian của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (bao gồm cả không gian vùng đệm), với diện tích 8.836,07 ha (trong đó, tập trung nghiên cứu trên không gian vùng lõi với diện tích khoảng 2.800 ha) thuộc địa bàn huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang).

Về tính chất, đây là khu du lịch trọng tâm lớn nhất của tỉnh Hậu Giang gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên vùng đất ngập nước, dã ngoại vào cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ hè. Định hướng phát triển là khu du lịch quốc gia trong giai đoạn đến năm 2030.

Tỉnh Hậu Giang ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm hạ tầng phục vụ nghỉ ngơi, ăn uống, điểm dừng chân, đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí trong Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng để tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái...

Trong thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Hậu Giang không ngừng phát triển và có những chuyển biến tích cực. Một số điểm tham quan, du lịch đặc sắc được đưa vào khai thác, sử dụng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, như Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Công viên giải trí Kitty & Minied, Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Bảo Gia Farm, Vườn dâu Thiên Ân, Bamboo Garden, Trại sữa dê Ngọc Đào, Di tích Chiến thắng Chương Thiện, Đền thờ Bác Hồ, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, khu Trù Mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Quan Đế Miếu, chùa Sasanatrangsay…

Năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh Hậu Giang đạt 486.800 lượt, trong đó, khách quốc tế 24.340 lượt, tổng thu đạt 171 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng lượng khách đạt 228.900 lượt, tổng thu đạt 95,9 tỷ đồng. Năm 2021, do tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nên lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh chỉ ước đạt 146.600 lượt (giảm 36% so với năm 2020, đạt 42% kế hoạch năm 2021), với tổng thu ước đạt 62 tỷ đồng (giảm 35,21% so với năm 2020, đạt 41,3% kế hoạch năm 2021).

Đưa du lịch trở thành ngành kinh kế quan trọng của tỉnh

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Đề án Phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Để đạt mục tiêu trên, ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch.

Đó là tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của ngành du lịch, nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, là động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế địa phương.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; nghiên cứu quy định của pháp luật để đề xuất, ban hành các chính sách, cơ chế phù hợp, tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư để kêu gọi các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch. Tăng cường thu hút đầu tư, tiến đến hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ. Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, nhất là khách sạn, nhà hàng, ăn uống, vận tải, viễn thông, ngân hàng...

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2024 nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển du lịch; Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Đề án Tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang làm điểm nhấn xuyên suốt và thống nhất trong giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tạo sự hấp dẫn và tăng sức cạnh tranh cho tỉnh nói chung và du lịch nói riêng.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển du lịch, hỗ trợ cộng đồng làm du lịch. Xây dựng đội ngũ nhân viên phục vụ tại các cơ sở du lịch có tay nghề, có trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ tốt, làm việc chuyên nghiệp. Trang bị và nâng cao kiến thức về du lịch cộng đồng, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ... cho người dân tham gia kinh doanh du lịch; nâng cao kỹ năng tổ chức, khai thác, phục vụ khách du lịch của các công ty lữ hành, cộng đồng địa phương trong phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại Hậu Giang.

Khai thác loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, tham quan nghỉ dưỡng. Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; phát huy giá trị các làng nghề, khuyến khích phát triển ẩm thực, văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Phát triển tuyến du lịch đường thủy kênh xáng Nà Xo phục vụ nhu cầu trải nghiệm sông nước, khám phá cảnh quan thiên nhiên ven kênh. Phát triển du lịch khám phá thiên nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, rừng tràm Vị Thủy và Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; từng bước xã hội hóa công tác xúc tiến du lịch. Tham gia hội chợ, hội thảo về du lịch được tổ chức trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; xuất bản đa dạng ấn phẩm du lịch phục vụ việc tham gia các hội chợ, hội thảo chuyên ngành du lịch để tạo sự quan tâm, chú ý của du khách. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Tổ chức và liên kết tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao để thu hút khách đến với Hậu Giang.

Đồng thời, tỉnh Hậu Giang tăng cường hợp tác phát triển du lịch, thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình hợp tác của Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế; chú trọng hợp tác phát triển các tour liên kết với Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ; hợp tác với công ty lữ hành trong và ngoài nước đưa khách đến Hậu Giang.

Hậu Giang dự kiến thu ngân sách từ khai thác quỹ đất trên 1.872 tỷ đồng
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức khai thác quỹ đất 19 dự án/khu đất với diện tích khoảng 147,03 ha. Dự kiến thu ngân sách từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư