Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Hậu quả khôn lường khi lạm dụng kháng sinh
Mộc An - 19/05/2021 06:49
 
Hàng triệu ca tử vong do vi khuẩn kháng thuốc sẽ xảy ra trong tương lai nếu không kịp thời ngăn chặn vấn nạn lạm dụng kháng sinh.

Dùng kháng sinh tràn lan

Mặc dù kháng sinh có tác dụng tích cực trong điều trị bệnh, diệt vi khuẩn gây bệnh, nhưng kháng sinh cũng có không ít tác dụng phụ. Mặc khác, việc lạm dụng kháng sinh còn khiến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc ngày càng phổ biến như tụ cầu kháng methicilline; phế cầu kháng penicilline; khuẩn salmonela đa kháng với choramphenicol, ampicillin, cotrimoxazole... Sự xuất hiện của các vi khuẩn này gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng của con người.

Theo ông Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, chúng ta mới quan tâm tới tình trạng nhiễm khuẩn liên quan tới ngành y tế, song các thuốc kháng sinh sử dụng ngoài ngành y tế rất nhiều, khó kiểm soát. Đó là dư lượng kháng sinh trong thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản mà chúng ta ăn hàng ngày. Bởi thế, còn cần phải kiểm soát tốt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi của người dân.

Đặc biệt, vấn nạn lạm dụng kháng sinh gây tác hại khôn lường ở trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới cho hay, mỗi năm trên thế giới có gần 1 triệu trẻ em tử vong do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Tại Việt Nam, thói quen dễ dãi sử dụng kháng sinh của các bậc phụ huynh gây nguy hại không ít cho trẻ nhỏ. Theo đó, nhiều người cứ thấy trẻ bị ho, sốt, viêm họng nhẹ, mặc dù chưa cần dùng đến thuốc kháng sinh, cũng tự ý mua cho trẻ uống.

Qua thực tế tìm hiểu, phóng viên nhận thấy, tại nhiều nhà thuốc nhỏ lẻ, dược sỹ, người bán thuốc luôn bán một cách tùy tiện kháng sinh cho những người chỉ bị bệnh nhẹ như sổ mũi, ho, nhức đầu, tiêu chảy...

Bản thân lãnh đạo ngành y tế cũng thừa nhận, việc lạm dụng thuốc kháng sinh khi kê đơn hoặc thói quen người dân tự mua thuốc điều trị khi mắc bệnh đã đẩy Việt Nam vào danh sách những quốc gia có số lượng người bệnh kháng thuốc kháng sinh cao.

Thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho thấy, kháng sinh chiếm hơn 50% thuốc dùng cho người và được bán tràn lan tại các nhà thuốc cộng đồng. Bản thân ngành y tế dù đang triển khai việc kết nối các nhà thuốc qua mạng để kiểm soát việc bán thuốc, song chưa có nhiều tác dụng. Người dân vẫn dễ dàng mua được thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc mà không cần đơn của bác sỹ.

Đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận, không ít trường hợp bác sỹ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết. Hệ quả của việc này là tương lai con người sẽ không thể điều trị được một số loại bệnh do vi khuẩn biến đổi kháng hết các loại kháng sinh hiện có.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay, trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả, thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Ông Khuê đưa một con số đáng ngại, trong năm 2016 có 490.000 người đã phát triển bệnh lao đa kháng thuốc trên toàn cầu và kháng thuốc đang bắt đầu làm phức tạp cuộc chiến chống lại HIV và sốt rét.

Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100.000 tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương hậu quả khủng hoảng tài chính.

Kiểm soát việc kê đơn

Để xảy ra tình trạng lạm dụng kháng sinh nhức nhối như hiện nay, ngoài nguyên nhân từ thói quen của người dân, còn một nguyên nhân quan trọng là do công tác quản lý kê đơn tại các cơ sở y tế còn nhiều bất cập.

Tại nhiều bệnh viện, việc kê đơn thuốc thực hiện bởi hệ thống phần mềm quản trị bệnh viện. Tuy nhiên, mỗi bệnh viện lại có định dạng chuẩn dữ liệu khác nhau và không đồng nhất khối dữ liệu nên rất khó liên thông ra ngoài cơ sở khám chữa bệnh.

Cùng với đó, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vẫn áp dụng kê đơn thuốc vào giấy hoặc sổ y bạ. Điều này khiến cơ quan quản lý rất khó để kiểm soát đơn thuốc của bác sỹ nào kê tại đâu, bác sỹ có đủ thẩm quyền kê đơn thuốc không, cũng như khó kiểm soát được các nhà thuốc có thực hiện bán thuốc theo đơn hay không.

Nhằm khắc phục hạn chế này, ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm sử dụng đơn thuốc điện tử để liên thông kết nối nhà thuốc, kiểm soát kê đơn của cả nhân viên y tế và dược sỹ tại nhà thuốc, đồng thời thiết lập hệ thống giám sát kháng kháng sinh toàn quốc và tiến tới hội nhập với thế giới.

Về việc kiểm tra, giám sát những vi phạm với việc bán thuốc không kê đơn, ông Thái cho biết, Bộ Y tế giao thanh tra Bộ và thanh tra các sở y tế tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và xử phạt theo quy định. 

Ở góc độ chuyên gia y tế, TS-BS. Nguyễn Văn Chi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, với cộng đồng khi có bất ổn về sức khỏe cần đến bác sỹ chuyên môn khám để được sử dụng kháng sinh đúng, phù hợp. Người dân không nên cất đơn thuốc của lần khám trước để lần sau đem dùng, hay chia sẻ đơn cho người khác hoặc dùng không hết thuốc cất thuốc đi cho lần sau. Ngay cả việc khi sử dụng một loại thuốc không đỡ thì tự động phối hợp kháng sinh rất nguy hiểm. Đối với bác sỹ, dược sỹ cần nâng cao hơn nữa lương tâm, trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh cho người bệnh, tránh lạm dụng việc kê kháng sinh, nhất là ở trẻ nhỏ.

Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh hoạt động phòng chống kháng kháng sinh
Tuần lễ kháng kháng sinh năm 2020 diễn ra với thông điệp “Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư