Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Hệ lụy chuyển giá
Với tiềm lực tài chính mạnh, không ít doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ lượng vốn lớn trong các công ty liên doanh ở Việt Nam thực hiện chuyển giá, dẫn đến báo cáo kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Với nền kinh tế mở cửa, cho phép doanh nghiệp FDI vào với nhiều chính sách ưu tiên, Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm đặc biệt khuyến khích nguồn đầu tư từ nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa cũng như tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thường không cao khi nhiều công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam kê khai lỗ trên báo cáo tài chính, trong khi vẫn hoạt động rất tốt, liên tục mở rộng quy mô sản xuất, như Coca - Cola, C.P Việt Nam, gây ra những tác động xấu cho nền kinh tế.

Với sự gia tăng của toàn cầu hóa và sự thống trị của các doanh nghiệp đa quốc gia, việc chuyển giá giữa các công ty thành viên đã trở thành phổ biến. Bằng việc chuyển giá, các tập đoàn đa quốc gia định giá cao nguyên vật liệu đầu vào do các công ty con cung cấp và bán sản phẩm đầu ra với mức giá thấp để báo cáo thua lỗ kéo dài, từ đó kê khai thuế rất thấp so với thực tế kinh doanh, gây thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nếu có quá nhiều doanh nghiệp FDI kê khai thuế trên báo cáo tài chính không đúng với thực tế kinh doanh cũng làm sai lệch những thống kê của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để tối thiểu hóa số thuế phải nộp, các tập đoàn đa quốc gia cũng chú trọng mục tiêu chiếm lĩnh thị trường thông qua chuyển giá. Các doanh nghiệp trong nước sẽ không thể cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia khi họ bán sản phẩm với mức giá thấp cùng với các chiêu thức quảng cáo và khuyến mãi hấp dẫn.

Từ đó làm lũng đoạn thị trường và dần trở thành độc quyền, làm suy giảm các ngành sản xuất trong nước, gây khó khăn cho Nhà nước trong việc giám sát, quản lý giá và làm mất tính bình đẳng trên thị trường. 

Với tiềm lực tài chính mạnh, không ít doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ lượng vốn lớn trong các công ty liên doanh ở Việt Nam thực hiện chuyển giá, dẫn đến báo cáo kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Trong hoàn cảnh đó, các đối tác trong nước nếu không đủ khả năng tài chính để tiếp tục tăng vốn, sẽ phải bán lại phần vốn góp cho đối tác nước ngoài, kết quả là doanh nghiệp liên doanh sẽ trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Nguy cơ thôn tính các doanh nghiệp trong nước bằng cách chuyển giá của các doanh nhiệp nước ngoài đã và đang gây áp lực rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Ở Việt Nam, việc chuyển giá không chỉ phổ biển ở các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở cả doanh nghiệp trong nước, bằng cách chuyển lợi nhuận cho các doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế, phí do hoạt động trên địa bàn khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn.

Việc chuyển giá đã và đang ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ. Nếu không có những biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn chuyển giá, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó tồn tại, sản xuất sẽ gặp khó khăn, giá trị nhập khẩu cao hơn giá trị xuất khẩu làm mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia. Thêm nữa, nghi ngờ về việc kê khai thuế không đúng với thực tế kinh doanh cũng làm giảm mức độ tin cậy của thông tin tài chính được công bố.

Ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có chương trình  hành động chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), nhưng các quy định về chuyển giá tại Việt Nam còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ.

Kết quả thanh tra, kiểm toán đối với việc chuyển giá mặc dù đã có nhiều kết quả nhưng chưa làm giảm việc chuyển giá nhằm mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận của doanh nghiệp, làm thất thu ngân sách nhà nước. Kết quả truy thu thuế của các cơ quan thanh tra, kiểm toán chủ yếu dựa vào quá trình làm việc, hiệp thương với doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để xử lý việc chuyển giá. 

Năm giải pháp chống chuyển giá

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về giá của các loại hàng hóa giữa công ty độc lập và công ty liên kết nhằm tạo cơ sở so sánh giá chuyển giao, từ đó xác định giao dịch chuyển nhượng đó có tuân theo quy tắc thị trường hay không.

-  Áp dụng phương pháp xác định giá thuế thống nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

- Xử phạt thích đáng nhằm ngăn chặn và có tính răn đe các doanh nghiệp gian lận qua chuyển giá.

- Xem xét sửa đổi các quy định có liên quan về quản lý thuế theo hướng cho phép cơ quan thuế có chức năng điều tra, xác minh đối với việc chuyển giá.

- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán để có các biện pháp cụ thể, kịp thời xử lý đối với chuyển giá.

Chặn chuyển giá, trốn thuế
Chuyện chuyển giá và chống chuyển giá với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa khi nào hết tính thời sự.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư