Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hệ lụy từ thói quen chăm sóc trẻ không đúng cách
D.Ngân - 16/03/2023 14:03
 
Lạm dụng thuốc hạ sốt, pha nước bù điện giải không đúng tỷ lệ đang là những sai làm mà rất nhiều phụ huynh gặp phải khi chăm sóc trẻ.

Trả giá đắt vì sự chủ quan

Thông tin một bệnh nhi 15 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc tử vong do co giật, tổn thương não vì uống oresol sai cách khi điều trị tiêu chảy khiến nhiều người giật mình vì thói quen pha oresol cho trẻ uống.

Lạm dụng thuốc hạ sốt, pha nước bù điện giải không đúng tỷ lệ đang là những sai làm mà rất nhiều phụ huynh gặp phải khi chăm sóc trẻ.

Nguồn tin từ Bệnh viện sản nhi Vĩnh Phúc cho biết vừa qua bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhi bị tổn thương não không thể hồi phục được do uống oresol không đúng cách. 

Các bác sĩ đã thực hiện cấp cứu tích cực, tuy nhiên não của trẻ bị tổn thương không thể hồi phục. Gia đình xin đưa trẻ về, mất tại nhà.

Theo khai thác từ gia đình người bệnh, trẻ bị tiêu chảy, đi ngoài liên tục 30 phút một lần. Lo sợ trẻ mất nước, gia đình pha oresol cho trẻ uống. Tuy nhiên, sau đó trẻ xuất hiện tình trạng sốc, co giật, vào viện khi não đã tổn thương.

Bác sĩ điều trị cho biết người nhà đã pha dung dịch oresol cho trẻ uống quá đậm đặc, không đúng tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất. 

Theo đó, một gói oresol được hướng dẫn pha với 200 ml nước nhưng người nhà chỉ pha trong 50ml nước. Đây là nguyên nhân khiến hàm lượng muối trong máu tăng cao, gây sốc, co giật, tổn thương não.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng cảnh báo về trường hợp uống oresol không đúng cách khiến một bé 8 tháng tuổi nguy kịch. 

Cụ thể, bệnh nhi này sốt cao, đi ngoài liên tục gần 20 lần/ngày và được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp do Rotavirus. Bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhi điều trị ngoại trú, đồng thời hướng dẫn cụ thể cách bù nước điện giải cho trẻ bằng oresol và men tiêu hóa. 

Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, tình trạng tiêu chảy của trẻ vẫn không thuyên giảm, trẻ lơ mơ, ngủ nhiều. Bệnh nhi được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương với dấu hiệu mất nước nặng, rối loạn ý thức, li bì. 

Sau khi khám và làm xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao). Nguyên nhân dẫn tới việc tăng natri máu là do gia đình đã pha oresol quá đậm đặc, không đúng cách.

Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ bị tiêu chảy, bác sĩ phải kê đơn có oresol để bù lại nước, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng. 

Nếu pha oresol đúng tỷ lệ, sẽ bù đắp muối, điện giải bị mất do tiêu chảy hoặc sốt cao. Tuy nhiên, sai lầm rất thường gặp đó chính là việc phụ huynh pha oresol loãng quá hoặc đậm đặc quá. 

Nếu gói oresol theo hướng dẫn pha với 200 ml thì cần pha đủ lượng nước như trên mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. 

Khi pha quá loãng sẽ không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi, còn nếu pha đậm đặc với ít nước thì sẽ khiến trẻ bị ngộ độc muối từ oresol, lượng muối trong máu tăng cao, khát thêm.

Nguy hiểm hơn, hàm lượng muối trong máu quá cao còn có thể gây ra các triệu chứng như co giật, hôn mê và dẫn đến các tổn thương não nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.

Ngoài việc pha nước bù điện giải không đúng tỷ lệ, thói quen lạm dụng thuốc hạ sốt bằng việc chưa đủ khoảng thời gian cần thiết tối thiểu giữa hai lần uống thuốc của bậc phụ huynh có thể dẫn đến ngộ độc paracetamol ở trẻ.

Đặc biệt, triệu chứng ngộ độc paracetamol thường kín đáo, khi được phát hiện đã muộn. Người bệnh có thể bị tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.

Theo chuyên gia, paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình.

Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không có biểu hiện, hoặc có thể nhầm với triệu chứng của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên, khi xét nghiệm, người bệnh có thể bị men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2-3 trở đi.

Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc, tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân bị vàng da, chán ăn…, tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, lúc này, tỷ lệ tử vong là trên 50%.

Dùng đúng theo khuyến cáo

Về liều dùng paracetamol tối đa theo khuyến cáo, người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên là: Người trưởng thành (không quá 3 gam trong 24 giờ); trẻ em (15 mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ).

Tuy nhiên, sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ nêu trên lại gây ngộ độc. 

Trên thực tế, các bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1-1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2-3 viên loại hàm lượng 500 mg). Bác sĩ khuyến cáo tốt nhất là mọi người nên dùng liều thấp nhất có thể.

Để sử dụng an toàn, chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2-3 viên paracetamol loại 500 mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và sử dụng đúng hướng dẫn.

Người bệnh cần chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng, đặc biệt là thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh..., và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc Paracetamol (lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn).

Bên cạnh đó, theo chuyên gia, người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. 

Ngoài ra, người bệnh cần chú ý tới các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gày yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn). 

Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước,….Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Với thói quen bổ sung nước bù điện giải, các bác sĩ nhi khoa cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh dùng nước đun sôi để nguội, khuấy tan thuốc oresol trong nước rồi mới cho trẻ uống. 

Không được pha với sữa, nước canh, nước trái cây... và tuyệt đối không cho thêm đường. Không pha oresol với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ thuốc. 

Ngoài việc bù nước, bù điện giải bằng oresol, cha mẹ cũng cần cho trẻ uống thêm nước lọc, nước cam, chanh, đặc biệt cần liên tục theo dõi tình trạng của trẻ khi trẻ sốt, tiêu chảy.

Liên quan tới các bệnh trẻ hay gặp thời điểm này theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong nửa đầu tháng 3/2023 lượng bệnh nhi đến khám tại đây có ngày chạm ngưỡng 4.000 ca, phổ biến là các ca bệnh hô hấp do thời tiết biến động.

Trong số đó, hiện số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) đến khám tại bệnh viện đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, virus gây ra những diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền.

Phát hiện thuốc giảm đau, hạ sốt giả trên thị trường
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế có Công văn số 5673/QLD-CL gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mẫu thuốc Ophazidon giả.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư