Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Covid-19 ra sao sau khi tiêm nhắc lại?
D.Ngân - 11/12/2021 09:34
 
Theo các chuyên gia y tế, sau tiêm vắc-xin mũi 3, 4 hiệu lực bảo vệ của vắc-xin sẽ tăng cao.

Một nghiên cứu mới, do các nhà khoa học từ Đại học Bang Arizona (Mỹ) thực hiện, được công bố trên trang chờ duyệt medRxiv, nhằm xác định mức độ kháng thể sau liều thứ 3 của vắc-xin Pfizer và Moderna cho thấy sau mũi 3 vắc-xin, hiệu quả bảo vệ tăng lên.

Theo các chuyên gia y tế, sau tiêm vắc-xin mũi 3, 4 hiệu lực bảo vệ của vắc-xin sẽ tăng cao.

Nghiên cứu bao gồm 269 người khỏe mạnh ở độ tuổi từ 19 đến 80 tuổi, đã tiêm vắc-xin Pfizer hoặc Moderna cho thấy, sau liều vắc-xin thứ 2; 57% có mức kháng thể vô hiệu hóa virus ở mức trên 75%, cao nhất là 99% vào 2 - 4 tuần sau liều thứ 2. Tuổi trung bình của nhóm này là 50.

Đặc biệt, 25% số người không có mức kháng thể vô hiệu hóa cao hơn 50% trong vòng một tháng kể từ khi tiêm liều thứ 2, trung bình chỉ 21%, thấp nhất là 0%, được xem là người phản ứng kém với vắc-xin. Những người thuộc nhóm này có độ tuổi dao động trong khoảng 19 - 80 tuổi, trung bình là 57.

Sau liều vắc-xin thứ 3, mức độ kháng thể vô hiệu hóa virus tăng trung bình 20 lần, dao động từ 46% đến 99% ở nhóm người phản ứng kém với vắc-xin.

Theo các nhà khoa học, phát hiện này rất quan trọng vì các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng mức kháng thể vô hiệu hóa virus giảm nhanh theo thời gian. 

Nghiên cứu này chỉ ra rõ rằng hiệu quả của chiến lược tiêm mũi thứ 3. Liều thứ 3 sẽ đảm bảo mức kháng thể vô hiệu hóa virus cao có thể ngăn ngừa nhiễm Covid-19, ngăn chặn sự nhân lên của virus và giảm thiểu nguy cơ lây truyền.

Theo đó, có những người dù đã tiêm đủ 2 liều vẫn chưa tạo ra được mức cao kháng thể vô hiệu hóa virus. Nhưng những người phản ứng kém với vắc-xin có thể tạo ra mức kháng thể vô hiệu hóa virus cao hơn bằng liều thứ 3 vắc-xin Pfizer hoặc Moderna.

Tại Việt Nam, từ ngày 10/12, TP.HCM bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho những trường hợp thuộc nhóm ưu tiên.

Danh sách các trường hợp ưu tiên thuộc diện được tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại sẽ được lập danh sách. Sau đó, chính quyền địa phương và công an xác minh thông tin, tổ chức tiêm chủng cho người dân.

Theo lộ trình, tháng 12, Thành phố tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.

Tháng 1-12/2022, Thành phố sẽ tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục tiêm cho người suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; tiêm nhắc cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên vào cuối năm 2022.

ThS. Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), giải thích liều bổ sung là liều vắc-xin tiếp theo được khuyến cáo cho những người bị suy giảm miễn dịch vừa hoặc nặng sau khi đã tiêm 2 liều cơ bản. Khoảng cách ít nhất 28 ngày kể từ ngày tiêm mũi thứ 2.

Đối với liều bổ sung, TP.HCM dự kiến tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong 6 tháng) đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên tiêm trước.

Còn liều tăng cường (mũi 3) là liều vắc-xin tiếp theo được sử dụng để tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ của 2 liều cơ bản mà có thể đã giảm dần theo thời gian. 

Khoảng cách ít nhất 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ 2 hoặc mũi bổ sung. Đối với liều nhắc lại, Thành phố sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. 

Nhóm được ưu tiên là người bệnh nền, cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Loại vắc-xin để tiêm bổ sung hoặc nhắc lại cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế theo nguyên tắc nếu trước đó tiêm cùng một loại vắc-xin thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA.

Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc-xin khác nhau thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại bằng vắc-xin mRNA.

Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc-xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA hoặc vắc-xin vector virus (vắc-xin Astrazeneca).

Theo tờ trình trước đó của Sở Y tế TP.HCM, từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022, dự kiến TP.HCM cần hơn 6,3 triệu liều vắc-xin các loại (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell, Sputnik V) để tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại cho người dân.

Trong văn bản gửi các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan ngày 1/12, Bộ Y tế đề nghị triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại cho người dân, bắt đầu từ tháng 12.

Theo Bộ Y tế, đề xuất này dựa trên khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vắc-xin của các nước.

Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh các địa phương cần ưu tiên tối đa việc tiêm chủng đủ liều cơ bản cho người dân, bởi đây là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tiêm vắc-xin vẫn là chìa khóa chống dịch
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin nhất là khi biến chủng mới đang có xu hướng lan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư