Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Hộ kinh doanh vẫn không mặn mà với “mác” doanh nghiệp
Mạnh Bôn - 16/10/2021 08:18
 
Hộ kinh doanh cần 2-6 loại sổ kế toán, trong khi nếu thành lập doanh nghiệp, mặc dù quy mô kinh doanh không thay đổi, ngay lập tức phải mở tới 37 loại sổ kế toán.
Hiện cả nước có 5,37 triệu hộ kinh doanh thu hút khoảng 9 triệu lao động
Hiện cả nước có 5,37 triệu hộ kinh doanh thu hút khoảng 9 triệu lao động.

Mặc dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng sau 4 năm luật đi vào cuộc sống, hiện mới có khoảng 2.000 chủ hộ trở thành “giám đốc”.

Lúng túng trong cơ chế khuyến khích

Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bà Bùi Thu Thủy cho biết, sau gần 4 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNVVN, hiện mới có khoảng 2.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Điều rất đáng quan tâm là 2 địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội không lấy gì làm phát triển là Thanh Hóa đã có 1.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, còn con số này ở Bến Tre là 300 hộ. Trong đó ngay cả như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ - những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đáng ra số lượng hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải nhiều hơn, nhưng thực tế hộ kinh doanh không “thiết tha”, “mặn mà” làm chủ doanh nghiệp.

Đánh giá về thực trạng này, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu không ngần ngại nhận định: “Đây là sự thất bại”.

Theo Luật Hỗ trợ DNVVN, khi chuyển thành mô hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài 3 năm; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất có thời hạn.

Ông Hiếu cho rằng, dường như có sự lúng túng trong các cơ chế khuyến khích vì trong số 5,37 triệu hộ kinh doanh hiện nay đang thu hút khoảng 9 triệu lao động thì tuyệt đại đa số không phải đóng thuế hoặc nộp thuế khoán với số thuế “tượng trưng” nên chính sách miễn, giảm thuế không hấp dẫn. Hiếm có hộ kinh doanh nào được thuê đất của Nhà nước nên chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cũng không hữu dụng. Còn thuế (lệ phí môn bài) hàng năm DNVVN phải đóng rất thấp nên có miễn hay không cũng không có nhiều tác dụng.  

Bà Bùi Thu Thủy cho biết, trong thời gian vừa qua có rất nhiều chính sách hỗ trợ DNVVN, mặc dù hộ kinh doanh về bản chất là doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng không có cách gì để hỗ trợ đối tượng này, ngay cả trong đại dịch Covid-19 trong khi từ trung ương đến địa phương đâu đâu cũng tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có cả trăm cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức để tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng hầu như hộ kinh doanh không được đề cập đến mặc dù cùng với hộ kinh tế gia đình, khu vực hộ kinh doanh đóng góp tới 30% GDP, còn cao hơn cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và trong thời gian tới, khu vực kinh tế hộ vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân vì chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp diễn ra không đạt mục tiêu do đại dịch Covid-19.

Cần đối xử bình đẳng hộ kinh doanh như doanh nghiệp

Mặc dù phải… đứng ngoài rìa các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh nói chúng, nhưng hầu hết hộ kinh doanh vẫn “cố trụ” với hoạt động của mình, không chịu trở thành doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hộ kinh doanh cũng được đăng ký kinh doanh, mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm trong và ngoài nước như doanh nghiệp tư nhân, chỉ không có tư cách pháp nhân nên không được tham gia vào hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong khi đó, nếu thành lập doanh nghiệp thì hộ phải chịu rất nhiều ràng buộc, tốn nhiều thời gian, nhân lực và chi  phí như buộc phải duy trì sổ sách kế toán; phải có bộ máy kế toán, thủ quỹ chuyên nghiệp, không được hoạt động kiêm nhiệm.

Theo ông Việt, hình thức hộ kinh doanh hộ có lợi nhờ sự đơn giản trong quá trình thành lập và hoạt động, trong đó quy định về đăng ký, chế độ kế toán, báo cáo, thuế và nghĩa vụ thuế, trách nhiệm an sinh xã hội nhìn chung đơn giản hơn rất nhiều so với doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, hộ kinh doanh  chỉ cần từ 2 đến 6 loại sổ kế toán bắt buộc trong khi nếu thành lập doanh nghiệp, mặc dù quy mô kinh doanh không có gì thay đổi, ngay lập tức phải mở tới 37 loại sổ kế toán. Và đa phần hộ kinh doanh lựa chọn hình thức nộp thuế khoán không chỉ giảm được thời gian và chi phí trong việc thực hiện các thủ tục để nộp thuế mà còn tạo điều kiện để chủ hộ và cán bộ thuế thỏa thuận “ngầm” với nhau về doanh thu và mức thuế khoán bao giờ cũng thấp hơn mức thuế phải nộp rất nhiều.

Theo ông Việt, không thể ép hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp nhưng không thể phủ nhận khu vực doanh nghiệp đang sử dụng 17% lực lượng lao động, vì vậy cần phải đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

“Kể từ khi Covid-19 xảy ra đến nay, hầu hết các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đều có sự quan tâm đặc biệt tới khu vực doanh nghiệp, còn với hộ kinh doanh thì thậm chí trong các cuộc hội thảo, lấy ý kiến về các giải pháp hỗ trợ họ cũng không có đại diện để nói lên tiếng nói, mong muốn, nguyện vọng cũng như nêu ra các khó khăn đang gặp phải. Đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp điêu đứng, hộ kinh doanh còn điêu đứng hơn vì vốn bình quân mỗi hộ chỉ có 180 triệu đồng, dăm tháng thực hiện giãn cách là “ăn cả vào vốn” vì vậy cần có các giải pháp hỗ trợ riêng cho đối tượng này”, ông Việt kiến nghị.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, trong đó trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp với rất nhiều chính sách khác nhau, đặc biệt là chính sách hỗ trợ 1-2% lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, nhưng với khu vực kinh tế hộ chưa biết có thể hỗ trợ lãi suất được không vì Bộ Tài chính cho rằng, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, mặc dù rất nhiều hộ có doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, tương đương với doanh nghiệp có quy mô vừa”, bà Thủy cho biết.

Theo ông Việt, trong kinh doanh ai cũng muốn lớn mạnh, muốn làm ăn đàng hoàng, có tư cách pháp nhân nên khát vọng trở thành doanh nghiệp rất lớn trong mỗi cá nhân kinh doanh, vì vậy cần phải có cơ chế, chính sách hữu hiệu hơn mới khuyến khích được hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Còn trong lúc chưa sửa được Luật Hỗ trợ DNVVN thì cần phải đói xử với hộ kinh doanh bình đẳng như doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư