Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hòa Phát hăm hở đầu tư tiếp vào thép
Thanh Hương - 30/06/2020 13:24
 
Dù giai đoạn I, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất mới chuẩn bị hoàn tất, nhưng lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát đã tính tới chuyện tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 5 triệu tấn thép.
Xuất hàng thép Hòa Phát tại cảng Hòa Phát Dung Quất.
Xuất hàng thép Hòa Phát tại cảng Hòa Phát Dung Quất.

Làm thép lãi to

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) năm 2020, câu chuyện đầu tư mở rộng Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất thêm 5 triệu tấn nữa đã được nhắc tới.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho hay, từ ngày 2/3/2020, Hòa Phát đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đầu tư mở rộng giai đoạn II tại Dung Quất và đã được thông qua. Tuy nhiên, với trình tự thủ tục đầu tư hiện nay khá mất thời gian, nên khi hoàn tất pháp lý từ các cơ quan chức năng và HĐQT nghiên cứu thấy có triển vọng thì sẽ tiếp tục xin ý kiến lại các cổ đông chính thức lần nữa.

Với dự tính cần ít nhất khoảng 2 năm để hoàn thiện các vấn đề pháp lý của Dự án, Chủ tịch Hòa Phát cũng cho biết, có thể phải tới năm 2024-2025 mới bắt đầu triển khai giai đoạn II.

Quy mô của giai đoạn II là sản xuất 5 triệu tấn thép, trong đó có 3 triệu tấn thép tấm cuộn cán nóng (HRC), 1 triệu tấn thép hình cỡ trung, cùng 0,5 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao và 0,5 triệu tấn thép tròn dành cho cơ khí chế tạo. Diện tích đất sử dụng khoảng 166 ha.

Dự tính đầu tư tiếp vào thép khi lĩnh vực này đang chiếm tới 80% doanh thu và khoảng 82% lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát cho thấy làm thép rất có lãi, nhất là với những người có quyết tâm cao và đầu tư bài bản.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, Covid-19 đã khiến nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề và tiêu thụ thép cũng đối mặt với thực tế sụt giảm 10%. Tuy nhiên, tại Hòa Phát, mọi chuyện có vẻ đang diễn ra ngược lại.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hòa Phát cho hay, 6 tháng đầu năm, ước tính Hòa Phát tiêu thụ được 1,6-1,7 triệu tấn thép xây dựng. Tuy không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu, nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng 10% so cùng kỳ. So với thực tế sản lượng thép xây dựng của cả nước tiêu thụ giảm 10%, thì Hòa Phát có thành tích không tồi.

Hiện thị trường phía Nam được xem là địa bàn để Hòa Phát gia tăng vị thế của mình khi thị trường phía Bắc có khá nhiều tên tuổi lâu đời hiện diện và tốc độ tăng trưởng chung khó đẩy lên tiếp.

“Kế hoạch năm 2020 đặt ra khá tham vọng và không lường được đại dịch Covid-19, bởi vậy có thực tế người mua thép cũng bị ảnh hưởng nên mua ít đi. Tuy nhiên, thị phần của Hòa Phát lại tăng từ 26% năm ngoái lên 31% hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất linh hoạt khi đã xuất khẩu được phôi thép sang Trung Quốc khi bán thép thành phẩm trong nước có khó khăn”, ông Dương nói.

Với mỗi tấn phôi thép xuất khẩu có lãi từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng, Hòa Phát không chỉ đạt được tỷ suất lợi nhuận tốt, mà còn chứng minh được sức cạnh tranh của sản phẩm. Bởi vậy, ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động, Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất sẽ có lãi ngay.

Hết tháng 5/2020, lợi nhuận sau thuế của toàn Tập đoàn đạt 2.700 tỷ đồng và ước tính cả năm nay sẽ đạt doanh thu 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 9.000 tỷ đồng. Như thông lệ, thép vẫn đóng góp khoảng 80% doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Dự kiến tỷ trọng này sẽ còn tiếp tục tăng nữa khi Hòa Phát hoàn tất giai đoạn I và tiếp tục làm giai đoạn II tại Dung Quất.

Khi Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất hoàn tất đầu tư giai đoạn I (năm 2021), Hòa Phát sẽ có sản lượng thép tổng cộng là 8 triệu tấn. Bởi vậy, với phương châm của Hòa Phát là “không giảm sản lượng và sẽ bán hết”, chắc chắn sẽ khiến các nhà sản xuất thép khác tại Việt Nam phải e ngại khi nhìn vào những thực tế mà nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam hiện nay đã đạt được trong thời gian qua.

Đầu tư tối đa cho xử lý môi trường

Ông Trần Đình Long cũng cam kết, sẽ làm tối đa có thể trong đầu tư xử lý môi trường ở những khu vực mà Hòa Phát hiện diện.

Hiện có hai lĩnh vực mà Hòa Phát đang đầu tư được xem là khá nhạy cảm với môi trường là luyện thép và chăn nuôi.

Ước tính cả năm 2020, Hòa Phát sẽ đạt doanh thu 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 9.000 tỷ đồng, trong đó, thép vẫn đóng góp khoảng 80% doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Lãnh đạo Hòa Phát cũng cho hay, các trang trại mà Hòa Phát làm để nuôi bò và lợn đều có kinh phí xử lý môi trường, làm biogas, nhưng cũng không tránh khỏi những vấn đề không lường hết, chẳng hạn hướng gió khiến người dân khó chịu với mùi của trại chăn nuôi.

“Người dân có đòi hỏi về môi trường ở quanh khu vực làm dự án thì cũng là tất yếu, nên bản thân Hòa Phát sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể. Chúng tôi không bảo thủ, có đầu tư thích đáng về cả nhân lực lẫn nguồn lực trong xử lý môi trường. Trong quá trình làm, sẵn sàng lắng nghe ý kiến người dân, xử lý các phát sinh, có vấn đề gì cũng đều mời các nhà khoa học để tham vấn nghiên cứu hướng khắc phục tối đa”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, làm nông nghiệp bây giờ không dễ vì liên quan đến môi trường, dễ bị người dân phản ứng, nên việc tìm đất xây trại heo, trại bò ngày càng khó khăn hơn, “thậm chí còn khó hơn xây trại phong”, ông Long ví von. Bởi vậy, Hòa Phát cũng sẽ thận trọng và không đua theo phong trào làm nông nghiệp nhiều như một số doanh nghiệp lớn khác.

Còn với thép, để giải quyết mối lo lắng của người dân về môi trường khi vẫn sống gần nhà máy, Hòa Phát cũng đã quyết định ứng trước tiền để địa phương có nguồn kinh phí lo việc tái định cư sớm cho người dân ở các khu vực có liên quan, để doanh nghiệp có thể dồn sức lo sản xuất và kinh doanh tốt hơn.

Hòa Phát tấn công mạnh các "đối thủ" ở thị trường phía Nam
Trong tháng 5/2020, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát ở thị trường miền Nam đã tăng trưởng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư