Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Hoa Sen và góc khuất biên lợi nhuận gộp
Chí Tín - 09/07/2020 10:13
 
Tập đoàn Hoa Sen liên tục tăng tốc về lợi nhuận, nhưng sự trồi sụt của biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp thép này vẫn còn những “góc khuất”, được lý giải theo những cách nhìn khác nhau.

Lợi nhuận tăng từng tháng

Theo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu niêm độ kế toán 2019 - 2020 (tháng 10/2019 - tháng 9/2020), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG, sàn HoSE) ghi nhận doanh thu tháng 5/2020 (tính theo tháng dương lịch) đạt 2.471 tỷ đồng, lũy kế doanh thu 8 tháng đầu năm tài chính là 17.068 tỷ đồng, hoàn thành 61% kế hoạch năm.

Điều đáng chú ý là sự tăng tốc về lợi nhuận, khi lợi nhuận sau thuế tháng 5/2020 đạt 112 tỷ đồng, lũy kế lợi nhuận 8 tháng là 584 tỷ đồng, hoàn thành tới 146% kế hoạch lợi nhuận năm tài chính 2019 - 2020.

Trước đó, “đại gia” ngành thép này đã có một chuỗi tăng lợi nhuận đều đặn kể từ đầu năm tài chính hiện tại đến nay.

Lợi nhuận sau thuế quý I năm tài chính 2019 - 2020 đã tăng tới 115% so với quý IV năm tài chính 2018 - 2019 và sau đó tiếp tục tăng 11% trong quý II (Bảng Tình hình kinh doanh của Hoa Sen trong 2 năm gần đây).

Lũy kế lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu niên độ tài chính 2019 - 2020 là 383 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Tiếp đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tháng 4 (năm dương lịch) là 90 tỷ đồng, đóng góp thêm cho kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế 7 tháng niên độ tài chính 2019 - 2020 của Hoa Sen là 472 tỷ đồng, vượt 18% chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Về nguyên nhân tăng lợi nhuận thời gian qua, công ty này cho biết, họ đã có những thay đổi quan trọng trong chiến lược kinh doanh là không chạy đua theo sản lượng, không cạnh tranh về giá bán trên thị trường. Theo đó, tập trung thực hiện cải thiện trình độ kỹ thuật công nghệ, nâng cấp chất lượng sản phẩm.

Trong hoạt động quản lý hàng tồn kho, Hoa Sen cho biết, hàng tồn kho liên tục được kéo giảm trong 9 quý liên tiếp. Thời điểm hàng tồn kho giảm mạnh cũng trùng với thời điểm Hoa Sen bắt đầu thực hiện chủ trương tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhờ việc giảm lượng hàng tồn kho, Công ty đã giảm được các khoản nợ vay ngắn hạn tài trợ cho vốn lưu động.

Đối với các khoản phải thu ngắn hạn, Hoa Sen dường như đã tập trung vào việc quản lý công nợ khách hàng hiệu quả hơn. Nhờ đó, tỷ lệ nợ phải thu khách hàng và số ngày công nợ bình quân đã giảm đáng kể trong 2 năm qua.

Cụ thể, số ngày công nợ đã giảm từ hơn 85 ngày xuống còn xấp xỉ 60 ngày, tỷ lệ nợ phải thu khách hàng/doanh thu giảm từ 24% còn khoảng 18%, tức là nếu Hoa Sen bán ra 100 đồng doanh thu, thì chỉ cho khách hàng nợ 18 đồng (Biểu đồ Diễn biến vay nợ ngân hàng, hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn).

Kết quả của việc quản lý hàng tồn kho, công nợ và các loại tài sản ngắn hạn khác một cách hiệu quả hơn đã giúp doanh nghiệp thép này giảm mạnh các khoản nợ phải trả, cũng như kéo giảm tỷ lệ nợ trong cơ cấu nguồn vốn.

Với tình hình tài chính như trên, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoa Sen đã tỏ ra khá tự tin khi trao đổi với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 rằng, kế hoạch 400 tỷ đồng lợi nhuận là khiêm tốn, xem như chắc chắn đạt được. Ông Vũ cũng cho rằng, cổ phiếu HSG của Công ty sẽ sớm trở lại vùng giá 20.000 đồng, thậm chí lên 30.000 đồng, với điều kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump không có thêm “ý tưởng” áp thuế nào khác.

Câu chuyện biên lãi gộp

Bảng trên cho thấy, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen đã tăng khá đều đặn trong khoảng 6 quý trở lại đây. Nếu như biên lợi nhuận gộp quý I năm tài chính 2018 - 2019 chỉ là 8%, thì đến quý II năm tài chính 2019 - 2020, biên lãi gộp đã tăng lên mức 18,6%.

Về lý thuyết tài chính, biên lợi nhuận gộp là một yếu tố cơ bản, đại diện cho khả năng sinh lời và sức cạnh tranh của công ty. Biên lợi nhuận gộp cao là dấu hiệu cho thấy khả năng sinh lợi của công ty đang rất tốt. Áp dụng chỉ số này cho từng sản phẩm, có thể so sánh sự đóng góp của chúng vào toàn bộ công việc kinh doanh, để từ đó, doanh nghiệp có cơ sở để xác định chiến lược sản phẩm và thiết lập chính sách giá.

Liên quan vấn đề này, thời gian qua, Công ty đã có chính sách tập trung bán hàng vào các thị trường và các mặt hàng có biên lợi nhuận cao, khai thác lợi thế cạnh tranh của hệ thống chi nhánh và cửa hàng trên toàn quốc để tìm kiếm lợi nhuận tối đa.

Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, ngoài các yếu tố chủ quan từ doanh nghiệp trong khâu tổ chức kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, một số nhà quan sát vẫn cho rằng, việc doanh nghiệp này cải thiện được chỉ số biên lãi gộp thời gian gần đây vẫn chủ yếu nhờ sự may mắn của thị trường nguyên liệu đầu vào là thép cán nóng HRC.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Trung Hiếu, chuyên viên phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, Hoa Sen là một trong những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép lớn Việt Nam. Mặc dù vậy, Công ty chỉ tham gia khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị ngành thép. Đây là khâu có biên lãi gộp thấp nhất, do đó, giá HRC (chiếm tới 80% giá vốn) ảnh hưởng rất lớn tới biên lợi nhuận của Công ty.

Cụ thể, thời gian qua, giá HRC bắt đầu xu hướng suy giảm từ quý IV/2018 là nguyên nhân chính giúp biên lãi gộp của Hoa Sen liên tục cải thiện trong giai đoạn từ quý I/2019 đến nay. Về thời gian, kể từ khi ký hợp đồng đến khi HRC về kho và được sản xuất thành thành phẩm thường mất gần 1 quý, khiến sự thay đổi biên lãi gộp thường diễn ra chậm hơn so với giá HRC trên thị trường.

Nhìn lại lịch sử thời gian trước đây, trong giai đoạn 2014 - 2016, Hoa Sen thực hiện tích trữ HRC khi giá nguyên vật liệu này tạo đáy trong năm 2015 và đi lên sau đó. Chiến lược này giúp biên lãi gộp của Công ty liên tục cải thiện và đạt đỉnh 26% trong quý III năm 2016. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2017 - 2018, giá HRC duy trì ở mức cao, khiến chiến lược này của Công ty không còn hiệu quả, biên lãi gộp theo đó nhanh chóng suy giảm về dưới 10% trong năm 2018.

Trong bối cảnh diễn biến đi xuống của HRC trong năm 2019, biên lãi gộp của Hoa Sen đã có sự cải thiện, từ 8% trong quý IV/2018 lên 19% trong quý I/2020. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hiếu, giống như giai đoạn trước đó, sự cải thiện biên lãi gộp dựa trên đầu cơ nguyên liệu đầu vào HRC là không bền vững.

Dẫu vậy, thị trường hiện tại cũng có yếu tố thuận lợi hơn so với giai đoạn trước, như Dự án Dung Quất của Hòa Phát giai đoạn II đi vào hoạt động vào cuối năm 2020 sẽ giúp tăng nguồn cung HRC trong nước, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu HRC của thị trường. Qua đó, Hoa Sen có thể thu mua HRC với giá rẻ hơn và ổn định hơn do không phải chịu thuế nhập khẩu.

Chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp

Nhìn qua chỉ số biên lợi nhuận của Hoa Sen so với một số doanh nghiệp thép khác, có thể thấy, Hoa Sen chưa phải là doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao nhất, tính trên các chỉ số kinh doanh trong quý II niên độ kế toán 2018 - 2019 của Hoa Sen (tức quý I năm dương lịch 2020).

Trong đó, công ty thép có biên lợi nhuận gộp vượt trội so với các công ty thép khác phải kể đến là Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu, với biên lợi nhuận gộp lên tới 79,8%. Trong khi đó, đại gia Hòa Phát cũng có biên lợi nhuận gộp cao hơn so với Hoa Sen, với 19,3%.

Trong khi đó, một số công ty thép khác lại có biên lợi nhuận gộp khá thấp, như Nam Kim chỉ là 8,13% hoặc Ống thép Việt Đức chỉ đạt mức 2,7%.

Tập đoàn Hoa Sen họp bất thường bàn chuyện bán vốn cho cổ đông chiến lược
Hoa Sen dự kiến tổ chức họp cổ đông vào 8/8 để trình về chủ trương phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư